Bán rẻ thịt lợn bị hắt dầu luyn trộn chất thải: Hành vi 'hàng cá hàng thịt', thiếu tình người

Thời sựThứ Bảy, 13/05/2017 07:02:00 +07:00

PGS.TS Lê Quý Đức cho rằng, cách hành xử của những người tiểu thương ở chợ Lương Văn Can là cách hành xử của cái gọi là hàng cá hàng thịt, thiếu tình người nên rất đáng phê phán.

Câu chuyện về hai người phụ nữ nông thôn "giải cứu thịt lợn" bằng cách tự mổ rồi đem ra chợ bán rẻ bị tiểu thương "dằn mặt" bằng luyn trộn chất thải đang nóng dư luận những ngày qua. Vụ việc xảy ra sáng 11/5 tại chợ Lương Văn Can (phường Máy Tơ, quận Ngô Quyền, Hải Phòng).

Về vấn đề này, PV VTC News đã có cuộc phỏng vấn với PGS. TS Lê Quý Đức - Nguyên Phó viện trưởng Viện Văn hóa & Phát triển.

- Ông đánh giá thế nào về hành động của hai tiểu thương chợ Lương Văn Can (Hải Phòng) khi hắt cả luyn trộn chất thải lên người và hàng thịt để "dằn mặt"?

Người ta vẫn nói "chó cậy gần nhà, gà cậy gần chuồng", tôi thấy cách hành xử của những người tiểu thương chợ Lương Văn Can đúng nghĩa như vậy. Cái lối hành xử chưa có sự chia sẻ của con người trong khó khăn với nhau. Nguyên nhân hành xử cũng là xuất phát từ lợi ích của cả hai bên. Thế nhưng, cách hành xử của những người tiểu thương là hành xử của cái gọi là hàng cá hàng thịt, thiếu tình người nên rất đáng phê phán.

Hinh anh

 Hình ảnh người phụ nữ nông thôn ngồi cạnh phản thịt lợn bị tưới luyn. 

- Có ý kiến cho rằng "buôn có bạn, bán có phường", người dân tự ý bán phá giá cũng là hành vi không đẹp và làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người khác?

Theo tôi, người nông dân trong câu chuyện này họ không có lỗi gì. Chúng ta có thể hoàn toàn thông cảm với khó khăn mà người chăn nuôi lợn đang gặp phải trong thời gian gần đây. Thịt lợn rẻ hơn rau khiến nhiều người nông dân rơi vào tình huống khốn khổ.

Trong khi đó, thịt lợn mua của người nông dân rất rẻ mà giá bán ở chợ vẫn rất cao cũng là một trong những nguyên nhân mà công cuộc "giải cứu thịt lợn" cho người nông dân mới thất bại. Bởi vậy, cực chẳng đã họ mới phải tự đem hàng ra chợ bán.

Tôi nghĩ việc nông dân tự mổ lợn bán với giá 40 - 50 ngàn đồng/kg cũng không phải là quá rẻ so với giá thị trường.  

Hinh anh

 Cận cảnh những miếng thịt lợn bị đổ luyn trộn chất thải. 

Ở đây, người nông dân kia vì bảo vệ lợi ích của mình đã động đến lợi ích của người khác. Còn những tiểu thương kia cậy mình là người kinh doanh ở chợ và hành xử như vậy thì cần phải lên án mạnh mẽ. Trong trường hợp này, tiểu thương và người nông dân kia hoàn toàn có thể thương lượng để đảm bảo lợi ích của hai bên. 

- Đây là một trong những vấn đề phát sinh từ câu chuyện "giải cứu thịt lợn" đang gây xôn xao dư luận suốt thời gian vừa qua. Phải chăng đây chính là sự bế tắc của người nông dân chăn nuôi lợn?

Nếu người nông dân nào cũng nuôi lợn sau đó tự mang sản phẩm của mình ra chợ ngồi bán thì không phải là lối thoát hữu hiệu cho câu chuyện "giải cứu thịt lợn" đang nóng hiện nay. Đây chỉ là giải pháp tạm thời nhưng chứa đựng nhiều rủi ro cho chính người chăn nuôi.

Còn nếu người nông dân thực sự bán phá giá và làm ảnh hưởng đến lợi ích của nhiều người thì cần có một vị trọng tài để cân bằng lợi ích cho hai bên. Ông quản lý thị trường, quản lý chợ lúc này mới là người cần đứng ra để giải quyết vấn đề. 

Có nhiều cách để giải quyết mâu thuẫn giữa những người bán hàng trong chợ. Nếu nhắc nhở không được có thể báo với ban quản lý chợ xử lý. Nếu bán phá giá nhiều lần có thể không cho bán tại chợ nữa. Những cách giải quyết như vậy mới là có văn hóa.

 - Xin cảm ơn ông!

Video: Lời kể của hai nạn nhân bị đổ luyn pha chất thải vào người (Minh Khang)

Kim Thược
Bình luận
vtcnews.vn