Bản án của các bị cáo trong vụ án Trịnh Xuân Thanh: 'Thấu tình đạt lý, mang tính giáo dục cao'

Thời sựThứ Ba, 23/01/2018 07:06:00 +07:00

Các chuyên gia nhận xét bản án tòa vừa tuyên đối với các bị cáo trong vụ án Trịnh Xuân Thanh ‘thấu tình đạt lý’ và ‘mang tính giáo dục cao’.

"Thấu tình, đạt lý"

Sáng 22/1, TAND TP Hà Nội đã tuyên phạt ông Đinh La Thăng 13 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, ông Trịnh Xuân Thanh tù chung thân về hai tội tham ô và cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Chiều 22/1, trao đổi với VTC News, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Lưu Bình Nhưỡng cho rằng bản án dành cho các bị cáo nói trên là “thấu tình, đạt lý”.

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng nhận xét: “Bản án dành cho các bị cáo trong vụ án xét xử ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh mà tòa tuyên hôm nay theo quan điểm của cá nhân tôi là thấu tình đạt lý.

trinhxuanthanh

Các bị cáo tại phiên tòa trong buổi nhận tuyên án sáng nay (22/1). 

Bản án này vừa thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật, đồng thời cũng vừa thể hiện tính nhân đạo của Đảng và Nhà nước đối với những người vi phạm pháp luật, thậm chí có thể nói là hành vi nguy hiểm cho xã hội.

Tôi lấy ví dụ, trường hợp của bị cáo Trịnh Xuân Thanh, nhiều người nói rất có thể bị cáo sẽ phải nhận bản án cao nhất là tử hình. Tuy nhiên, khi xét xử, thì tòa đã xem xét các tình tiết rất cụ thể, chi tiết, cân nhắc, thu tất cả các mức phạt cho các hành vi này vào một mức là chung thân.

Tương tự, đối với bị cáo Đinh La Thăng, người được cho là người cầm đầu trong vụ đại án này, mức án cũng chỉ 13 năm tù. Ngoài ra, còn có một số bị cáo khác đã được khoan hồng hoặc cho hưởng án treo, 3 người đã được tuyên trắng án và thả ngay ở tòa. Như vậy, bản án đã thể hiện rất rõ toàn bộ cục diện đúng người đúng tội, không bỏ lọt tội hay oan sai cho ai cả.

luubinhnhuong

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng cho rằng bản án đối với các bị cáo trong vụ Đinh La Thăng vừa thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật nhưng đồng thời cũng vừa thể hiện tính nhân đạo của Đảng và Nhà nước.

Qua đó, nó vừa thể hiện được sự nghiêm minh, đó là trừng trị đối với các bị cáo phạm tội, nhưng đồng thời cũng thể hiện được sự nhân đạo của Đảng và Nhà nước. Nên theo tôi đây là bản án hợp lý”.

Về quá trình diễn tiến phiên tòa, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng cho rằng có sự đổi mới song chưa thể xem là điểm nhấn của cải cách tư pháp.

“Theo tôi cũng chưa thể xem là phiên tòa mẫu về cải cách tư pháp bởi nếu với tinh thần cải cách tư pháp thì còn cần phải thay đổi rất nhiều nữa. Từ trước đến nay chúng ta cũng đã xử rất nhiều các trọng án rồi. Các phiên tòa trước đây thường thiên nhiều thời lượng về phần thẩm vấn mà ít về phần tranh tụng. Còn trong mấy phiên tòa gần đây thì đã có nâng cao khả năng tranh tụng lên”, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng nói.

Theo ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng, phiên tòa này thu hút sự quan tâm dư luận là do các bị cáo hầu hết là quan chức có cấp bậc, chức vụ, vị trí cao của Đảng và nhà nước chứ về cải cách tư pháp thì chưa hẳn.

“Tính giáo dục cao”

Đồng quan điểm trên, trả lời VTC News, Phó Giáo sư Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng cũng cho rằng bản án toà tuyên đối với các bị cáo trong vụ án như thế là thấu tình đạt lý, đúng người đúng tội.

PGS Nguyễn Trọng Phúc nhận xét: “Quan điểm của tôi là xử án không nên nặng về trừng phạt mà quan trọng là phải có tính giáo dục, tính răn đe, phải làm sao mà từ vụ án có thể cảnh báo được nhiều người khác.

nguyentrongphuc 3

PGS Nguyễn Trọng Phúc:  "Phiên tòa và bản án này tôi thấy có tính giáo dục rất cao, rõ nhất là tại phiên tòa, khi các bị cáo được nói lời cuối cùng thì cũng nói là cảm ơn Đảng, cảm ơn nhà nước đã cho họ có cơ hội để sửa sai".

Theo PGS Phúc, bản án này sẽ giúp cả những người phạm tội thức tỉnh, tạo điều kiện để họ hối cải, sửa sai, đồng thời cảnh báo những người khác, cụ thể là những người còn đang có ý định, mưu đồ đen tối, hay thậm chí là những người đã vi phạm, mắc khuyết điểm mà còn chưa bị lộ cũng phải suy nghĩ về hành vi của mình mà dừng lại trước khi quá muộn.

Mặt khác, bản án tòa vừa tuyên với bị cáo Đinh La Thăng và các đồng phạm cũng đã đập tan các thế lực thù địch lợi dụng vụ án để nói xấu, xuyên tạc chuyện này chuyện khác. Thực tế phiên tòa cho thấy, tòa xét xử rất là nghiêm minh, công bằng và tuân thủ theo đúng pháp luật.

"Theo tôi, phiên tòa và bản án này có tính giáo dục rất cao. Thể hiện rõ nhất khi các bị cáo được nói lời cuối cùng đều nói lời cảm ơn Đảng, cảm ơn nhà nước đã cho họ có cơ hội để sửa sai” - PGS Nguyễn Trọng Phúc nói.

PGS Nguyễn Trọng Phúc cho rằng, nếu theo dõi hình thức cũng như quá trình tố tụng tại phiên tòa, có thể nhận thấy thời lượng tranh tụng tại phiên tòa được tăng lên so với trước rất nhiều. 

Phiên tòa có nhiều điểm mới, từ hình thức phiên tòa như là cách sắp xếp chỗ ngồi, thẩm phán ngồi đâu, đại diện viện kiểm sát ngồi đâu, luật sư ngồi đâu, rồi bị can, bị cáo ngồi đâu và bỏ vành móng ngựa... cho đến nội dung là tăng thời lượng cho các bị cáo được phát biểu tranh tụng, trình bày ý kiến tại tòa mà không hạn chế thời gian... đó cũng là những điểm rất mới.

Đây chính là bước tiến rất quan trọng của cải cách về tư pháp ở nước ta, tiến hành theo quy định mới trong Bộ luật Tố tụng Hình sự. Diễn biến phiên xét xử đi vào chiều sâu, nghiêm minh hơn nhưng cũng rất nhân văn, đảm bảo quyền con người, quyền công dân.

“Qua phiên tòa và qua bản án cũng cho thấy được quyết tâm chính trị của Đảng, của nhà nước là kiên quyết xử lý những cán bộ, Đảng viên sai phạm, xử lý tham nhũng, không có “vùng cấm”, không có “hạ cánh an toàn”, lấy lại sự trong sạch của Đảng cũng như niềm tin của nhân dân, là tín hiệu rất đáng mừng”, PGS Nguyễn Trọng Phúc nhận định.

Video: Toàn bộ diễn tiến phiên tòa xét xử ông Đinh La Thăng và đồng phạm

Lưu Thủy
Bình luận
vtcnews.vn