Áp KPI cho Bộ trưởng, lãnh đạo tỉnh: Tiêu chí trung thành với Tổ quốc, nhân dân được lượng hoá thế nào?

Thời sựThứ Tư, 12/09/2018 07:33:00 +07:00

ĐBQH Lê Thanh Vân cho rằng, khi áp dụng KPI cho Bộ trưởng, lãnh đạo tỉnh, chúng ta hoàn toàn có thể lượng hoá được tiêu chí trung thành với Tổ quốc, nhân dân.

Từ việc Quyền Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng yêu cầu xây dựng KPI đối với tất cả các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ, trả lời PV VTC News, ĐBQH Lê Thanh Vân (Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội) cho rằng, việc áp KPI đối với cả các Bộ trưởng trong Chính phủ, lãnh đạo các tỉnh là điều rất nên làm nhưng không phải ai cũng có thể làm được.

le thanh van 4

ĐBQH Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội.

Từ việc quyền Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chỉ đạo xây dựng KPI đối với tất cả các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ TT&TT, nên chăng việc áp KPI cần thực hiện cho cả các Bộ trưởng trong Chính phủ, lãnh đạo các tỉnh, thưa ông?

Theo tôi, rất nên áp dụng KPI cho các Bộ trưởng trong Chính phủ, lãnh đạo các tỉnh. KPI là công cụ quản lý hiệu quả, hiện đại và việc ứng dụng KPI chỉ có tốt cho cơ quan mà thôi. KPI sẽ thể hiện được ý thức trách nhiệm, ý thức tổ chức công việc của các Bộ trưởng, của những người đứng đầu các cấp, bộ, ngành, tỉnh thành.

Tôi nhấn mạnh, chỉ những người có bản lĩnh, có trí tuệ, có tâm trong sáng mới dám áp dụng mô hình này. Những người mà còn chần chừ, còn chưa cân nhắc thì vẫn còn dựa dẫm vào cơ chế quản lý hiện hành.

Một cơ chế được đánh giá cơ bản bằng cảm tính, bằng yêu ghét và cơ chế ấy có thể đánh giá sai, thậm chí, cơ chế ấy tạo cho người ta lạm dụng quyền lực.

- Chúng ta có thể áp KPI cho tất cả các Bộ trưởng, lãnh đạo các tỉnh theo một quy chuẩn nhất định?

Với mỗi chức vụ, vị trí việc làm sẽ có một KPI khác nhau. Cần phải đưa ra được bộ chỉ số KPI thật chuẩn mực, với cương vị nào thì có bộ chỉ số KPI ấy.

Điều này tôi từng đề nghị ở Quốc hội rồi, đó là KPI của các Bộ trưởng, thành viên Chính phủ chính là cam kết của người đó để thực hiện lời hứa trước Quốc hội. Cam kết này được đo lường trong một khoảng thời gian nhất định. Chẳng hạn, trong 6 tháng Bộ trưởng đó làm được gì? Trong 1 năm cam kết với Quốc hội, Bộ trưởng đó thực hiện ra sao?

Thông qua KPI, hành động, việc làm của Bộ trưởng sẽ được phơi bày trong cam kết trước Quốc hội. Đó sẽ là cơ sở không thể bác bỏ được, từ đó để Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm.

XEM THÊM CÁC BÀI CÙNG CHUYÊN ĐỀ Ở ĐÂY:

- Khi Bộ trưởng, lãnh đạo tỉnh có KPI, Chính phủ hay Quốc hội sẽ là nơi đánh giá cuối cùng hiệu quả công việc của các Bộ trưởng, thưa ông?

Cả Quốc hội và Chính phủ sẽ phải làm việc này. Ở Quốc hội là tính chính trị, còn ở Chính phủ là tính hành chính. Ở Chính phủ là sự phân công của Thủ tướng, của Chính phủ đối với thành viên Chính phủ.

Còn ở Quốc hội là trách nhiệm chính trị. Ở đây, một là tiếp tục được tín nhiệm để đảm đương chức vụ hoặc sẽ buộc phải từ chức và hơn nữa là sẽ bị bãi chức.

- Như vậy, khi Bộ trưởng, trưởng ngành có KPI và được đánh giá qua cả Quốc hội và Chính phủ, lúc này, việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn có còn cần thiết?

Đương nhiên, nếu đặt ra thì các quy định của pháp luật về việc bỏ phiếu tín nhiệm cũng phải thay đổi. Đó là cái hiện nay chúng ta đang đánh giá năng lực tổ chức thực hiện nhiệm vụ của Bộ trưởng, thành viên Chính phủ và các chức danh khác chịu trách nhiệm trước Quốc hội. Chúng ta đang quy định 1 nhiệm kỳ chỉ có 1 lần thôi, 1 lần giữa kỳ và hết nhiệm kỳ để làm cơ sở để tiếp tục đánh giá.

lethanhvan6

 

Việc áp KPI trên phạm vi rộng là điều rất nên làm, chỉ những người có bản lĩnh, có trí tuệ, có tâm trong sáng mới dám áp dụng mô hình này.

ĐBQH Lê Thanh Vân

Nếu giám sát thường xuyên như Quốc hội các nước, hàng tuần Chính phủ phải trả lời chất vấn trước Quốc hội, Quốc hội nhiều nước lấy ngày giữa tuần, thường là thứ 3 hoặc thứ 4 là phải trả lời chất vấn. Bởi vì đời sống quản lý xã hội phát sinh hàng ngày nên giám sát phải đi liền, phải song hành với hoạt động quản lý điều hành.

Ở nước ta hiện nay, Quốc hội 6 tháng mới tổ chức phiên chất vấn 1 lần, mỗi lần chất vấn lại chỉ lựa chọn 2 – 3 vị Bộ trưởng trả lời. Trong khi việc đó ở Quốc hội nước khác người ta làm hàng tuần, làm thường xuyên, bất cứ lúc nào 1 thành viên Chính phủ cũng có thể bị 1 Nghị sĩ mời đến văn phòng để chất vấn.

Hiện nay, chúng ta bị hạn chế đó là không hoạt động thường xuyên, mỗi năm 2 kỳ mới tổ chức 1 lần, rồi giữa 2 kỳ họp lại giao cho thường vụ Quốc hội, các Ủy ban tổ chức nhưng mà cái đó cũng không phải thường xuyên cho nên phải thay đổi tư duy ấy để điều chỉnh lại các quy phạm pháp luật trong hoạt động giám sát về nhân sự sao cho thật sát với công việc.

- Chúng ta vẫn nhắc nhiều đến việc lãnh đạo phải tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với nhân dân. Vậy liệu rằng, có nên xây dựng tiêu chí cho điều này?

Về việc này, ta phải bắt đầu từ việc tuyên thệ nhậm chức của các vị đứng đầu các cơ quan Nhà nước, đó là tuyên thệ trung thành với Hiến pháp, với Nhà nước. Thực ra, nghi lễ tuyên thệ mới có ở Quốc hội khóa XIV và mới thực hiện bởi Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

Những tiêu chí này hoàn toàn có thể lượng hóa được nếu các cơ quan chức năng ngồi bàn kỹ và phân tích những tiêu chí.

Chẳng hạn, trung thành với Hiến pháp là phải bảo đảm thực thi Hiến pháp. Các lãnh đạo khi ban hành các đạo luật, các văn bản không được trái Hiến pháp hoặc điều gì mà Hiến pháp quy định phải hiện thực hóa, phải ban hành thì phải thực hiện.

- Lâu nay, chúng ta vẫn thường mặc định chỉ những người cấp cao hơn mới được đánh giá người cấp thấp hơn. Người dân tham gia đánh giá sự hài lòng đối với công việc của Bộ trưởng, lãnh đạo các tỉnh thế nào, thưa ông?

Nếu đo đếm ý kiến của nhân dân về chỉ số hài lòng với chính quyền nói chung và các vị Bộ trưởng nói riêng là việc rất tốt. Thực ra, ở nước ngoài họ cũng đang làm mà ở ta cũng đã có những kỳ đánh giá chỉ số tín nhiệm. Nhưng bộ tiêu chí nào để đánh giá năng lực của cá nhân mới là quan trọng.

Về cách thức, để người dân được tham gia đánh giá công việc của Bộ trưởng, chúng ta cần nghiên cứu làm sao cho hợp lý. Hiện tại, người dân đánh giá hiệu quả của chính quyền nói chung và cá nhân lãnh đạo nói riêng, phần lớn là phản ánh qua các cuộc tiếp xúc cử tri. Tuy nhiên, việc này cũng vẫn còn hạn chế bởi mỗi lần ĐBQH tiếp xúc cử tri chỉ diễn ra ở một khu vực nào đấy thôi.

Ví dụ như đơn vị bầu cử của tôi có đến 300 nghìn cử tri nhưng mỗi kỳ tôi chỉ có thể tiếp xúc với 1 vài trăm người. Như vậy, họ không đại diện cho nhân dân được. Tôi cho rằng cần phải thông qua nhiều kênh, trong đó có kênh của ĐBQH, kênh của nhân dân qua Mặt trận Tổ quốc, qua đoàn thể, qua báo chí và các kênh khác.

Xin cảm ơn ông!

Xuân Trường
Bình luận
vtcnews.vn