Ai còn thấy khổ hãy nghe nữ lái xe đường Trường Sơn kể chuyện đời và những ngày hút xăng bằng miệng

Thời sựChủ Nhật, 19/05/2019 14:11:00 +07:00

Người nữ lái xe vận chuyển khí tài, đạn dược trên đường Trường Sơn kể những câu chuyện vượt mưa bom bão đạn, hút xăng bằng miệng và mãi mãi không thể sinh con.

Audio: Câu chuyện của nữ lái xe Trường Sơn khiến nhiều người không cầm được nước mắt

 

Cách đây 60 năm (1959), với chỉ thị số 15 của Ban chấp hành Trung ương Đảng, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước chuyển từ giai đoạn giữ gìn lực lượng sang thế tấn công rộng khắp, liên tục. Tình hình đấu tranh cách mạng chuyển biến sôi sục, đòi hỏi hậu phương phải đáp ứng cao nhất cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.

Lúc bấy giờ, yêu cầu cấp thiết là phải có một tuyến vận tải quân sự chiến lược, mới đủ sức đảm bảo cho mọi nhu cầu chủ yếu, ngày càng lớn của chiến trường miền Nam. 

Nắm được điều đó, ngày 19/5/1959, theo nghị quyết của Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương, tuyến vận tải chiến lược ra đời, lấy tên là "Tuyến 559". Hôm nay đây, những tháng năm lịch sử dường như vẫn hiện rõ nét, tuyến 559 có tên gọi mới với tất cả niềm tự hào là "Đường Hồ Chí Minh".

Nói về những tháng năm cầm vô lăng, tiếp viện cho bộ đội trên đường Trường Sơn, bà Vũ Thị Kim Dung (thành viên đội lái xe đường Trường Sơn) xúc động, không kìm nổi nước mắt.

vu-thi-kim-dung 3

Bà Vũ Thị Kim Dung (phải) năm 20 tuổi và đồng đội Nguyệt Ánh ở chiến trường Trường Sơn khốc liệt. (Ảnh: Tư liệu).

"Nói đến đường Hồ Chí Minh thì bản thân từ đó cũng đã đủ gợi xúc động và tự hào trong lòng mỗi người dân Việt Nam chúng ta nói chung, và với chúng tôi - những người trực tiếp tham gia xây dựng con đường trong thời kỳ mới nói riêng.

Những năm tháng chúng tôi từng sống và công tác tại đường Hồ Chí Minh khi được nhắc lại, lại khiến tôi bồi hồi và xúc động. Hồi đó, tôi còn là một thanh niên, còn rất non trẻ, công tác tuy vất vả nhưng tôi luôn tự hào.

Trong năm 1968, tôi được đi học lái xe và chuyển vào đường Trường Sơn. Lúc bấy giờ, trên tuyến đường bom đạn luôn dội xuống ác liệt, nên chị em chúng tôi vất vả lắm. Học xong, người nào tay lái vững thì một người một xe, còn ai hơi yếu thì hai người một xe để hỗ trợ nhau. 

 
Chị em phụ nữ ở trung đội chúng tôi thường rất mặc cảm, phần lớn chúng tôi đều lập gia đình với những người đã "đứt gánh giữa đường", rất khó để mang thai.

Bà Vũ Thị Kim Dung

Trên tuyến đường, bom đạn ác liệt, đường chỉ tạm thời cho xe chạy, hố bom chằng chịt chứ không phải như bây giờ, chúng tôi thường phải đi đêm. Lúc mới vào, chúng tôi còn được sử dụng đèn gầm, nhưng sau chạy nhuần nhuyễn, chúng tôi chỉ được sử dụng đèn quả táo bé tí, vì vậy rất vất vả", bà Dung nhớ lại.

Vào thời điểm bấy giờ, tuyến đường vận tải chiến lược 559 đã đóng một vai trò rất quan trọng trong sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Quả thật, những sự đánh phá ác liệt mà địch dội xuống đường Hồ Chí Minh từ năm 1966 bằng các phương thức khác nhau như: Chiến tranh huỷ diệt, chiến tranh điện tử, chiến tranh khí tượng... với một lượng khí tài khổng lồ để nhằm cắt đứt đường hành quân trên bộ và cơ giới của chúng ta.

Chúng đã sử dụng rào thép gai, rải mìn sườn đồi, sử dụng máy bay dò hơi người, sử dụng thiết bị bắt tín hiệu của xe ô tô, sử dụng máy bay trinh sát 24/24h, máy bay chụp ảnh liên tục... để phân tích mọi biến cố, nhất cử nhất động của quân ta trên tuyến đường này.

Hàng triệu tấn chất độc màu da cam rải trên tuyến đường Trường Sơn. Trung bình có khoảng 20 triệu quả bom mìn của địch được rải xuống đường Trường Sơn mỗi tháng, với mức chi 800 triệu USD/năm. Để huỷ diệt đường Trường Sơn, quân đội Mỹ tin rằng sẽ không có một chiếc xe nào lọt qua được.

duong-truong-son

Đường Trường Sơn năm 1959. (Ảnh: Tư liệu).

"Nhiệm vụ của các nữ lái xe chúng tôi là chở hàng, chở bộ đội vào và đón thương binh về. Chúng tôi cứ thế chạy đêm, 3 ngày một chuyến, theo trục đường giao liên thì các đơn vị dọc đường cho chúng tôi ăn chứ không biết nấu ở đâu. Có những trạm, địch đánh vào trạm đấy thì người ta phải chuyển trạm và đề bảng cho chúng tôi biết.

Vì đường tạm, hố sâu, xe hư hỏng liên tục nhưng không có ai giúp được. Lúc đấy tôi là tiểu đội trưởng, nên phải nhận xe, hỗ trợ cho các đồng đội khác, cùng nhau sửa xe. Bởi là nữ, nên vào các ngày sức khỏe của mình không được tốt, chị em chúng tôi vẫn phải gồng mình tiếp tục nhiệm vụ, vì không có người thay thế. Khó khăn chồng chất, chúng tôi vẫn lạc quan, vẫn ca hát trên đường hành quân.

Những thùng xăng 200 lít, tự lực chúng tôi phải chuyển lên xe, hút vào thùng nhỏ. Đó cũng là lý do hiện tại, hầu hết chị em nào tham gia trong chiến dịch cũng đều mắc bệnh, vì lúc đó hút xăng bằng miệng, có người còn nuốt cả xăng. Giờ nhớ lại thời gian công tác trên đường Trường Sơn, vất vả bao nhiêu thì giờ chúng tôi tự hào bấy nhiêu", bà Dung gạt nước mắt kể lại.

Theo bà Dung, ở trung đội của bà có 1/3 là thương binh, không có ai hy sinh cũng vì may mắn. Bởi, có những nguời bị thương thập tử nhất sinh, nhưng may mắn được chữa khỏi. 

Còn đối với bản thân bà Dung, sau quá trình làm việc nguy hiểm, tiếp xúc với xăng, hút xăng bằng miệng thì nữ dân quân ngày nào đã không thể sinh con.

duong-truong-son2

Những "bông hồng thép" ngày ấy. (Ảnh: Tư liệu).

"Chị em phụ nữ ở trung đội chúng tôi thường rất mặc cảm, phần lớn chúng tôi đều lập gia đình với những người đã "đứt gánh giữa đường", rất khó để mang thai. Thậm chí, đến bây giờ còn có 2 chị chưa lập được gia đình, về với quê hương, chỉ sống với đồng lương thương binh rất thiệt thòi.

Bản thân tôi, ở với bộ đội đến năm 40 tuổi mới lập gia đình. Anh ấy có em trai, cùng đơn vị với tôi, lúc vợ của anh ấy mất, cậu em bảo tôi xây dựng gia đình với anh cậu ấy, thế là tôi lập gia đình từ đó. 

Do trước tiếp xúc với hoá chất nhiều, nên tôi không thể mang thai. Nhưng vẫn may mắn, chồng tôi có 3 người con trước đó, hiện tại tôi đang ở với người con út của anh ấy. Mình ăn ở hết lòng, tình cảm, nên con cháu đều thương tôi không khác gì ruột thịt", bà Dung nói.

Từ lúc hoà bình lập lại, bà Dung trở lại chiến trường xưa 2 lần. Theo bà Dung, đường Trường Sơn bây giờ khác quá nhiều. Các nữ dân quân ngày trở lại, khi đi qua nơi bị thương, nơi đồng đội gặp nạn, tất cả đều bồi hồi xúc động, không ai cầm nổi nước mắt, khi hình ảnh xưa kia lại hiện lên rõ rệt rong tâm trí mỗi người.

Đường Hồ Chí Minh không chỉ là một tuyến vận tải, đó còn là biểu tượng của tinh thần Việt Nam, ý chí Việt Nam, là sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng thời đại Hồ Chí Minh.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đường Trường Sơn có vai trò to lớn nối liền hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam, là một trong những nhân tố chiến lược có vai trò quyết định đưa cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc ta đi đến thắng lợi hoàn toàn.

Tuệ Lâm
Bình luận
vtcnews.vn