45 năm Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm Hoàng Sa: 'Chúng ta phải lấy lại bằng được phần máu thịt của Tổ quốc'

Thời sựThứ Bảy, 19/01/2019 17:30:00 +07:00

Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa khẳng định, dù năm năm, mười năm, trăm năm hay một nghìn năm thì chúng ta phải lấy lại bằng được một phần máu thịt của Tổ quốc.

Ông Võ Ngọc Đồng, Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa, TP. Đà Nẵng trả lời phỏng vấn VTC News nhân sự kiện 45 năm ngày Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm trái phép quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam (19/1/1974).

- Sau 45 năm năm ngày Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm trái phép quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, ông suy nghĩ gì khi được giao trọng trách là người đứng đầu chính quyền của quần đảo thiêng liêng Tổ quốc?

45 năm đã trôi qua, dù quần đảo Hoàng Sa đang bị ngoại bang chiếm nhưng chúng ta phải nuôi hy vọng, đời mình không được thì phải nhắc nhở đời con, đời cháu mình luôn luôn ghi nhớ để một lúc nào đó đưa Hoàng Sa trở về với đất mẹ Việt Nam.

hoang sa 1

Ông Võ Ngọc Đồng, Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa, TP. Đà Nẵng phát biểu tại lễ khai trương Nhà trưng bày Hoàng Sa. 

Trong những lần gặp gỡ, những nhân chứng từng sống, làm việc tại quần đảo Hoàng Sa luôn tâm sự với tôi, với chúng ta rằng, phải nhắc hoài, nhắc mãi để thế hệ sau không bao giờ được quên nỗi đau Hoàng Sa. Đó là mảnh đất cha ông ta đã hy sinh bao xương máu mới có được, còn họ chỉ là những kẻ đi xâm chiếm.

Dù năm năm, mười năm, trăm năm hay một nghìn năm thì chúng ta phải lấy lại bằng được một phần máu thịt của Tổ quốc.

Chúng ta còn phải lên tiếng mạnh mẽ hơn nữa để nói cho thế giới biết Hoàng Sa là của Việt Nam. Chúng ta luôn khắc cốt ghi tâm về ngày 19/1/1974, đau đáu rằng chúng ta phải làm điều gì đó để mỗi con dân đất Việt luôn nhớ về Hoàng Sa. Vì chừng nào còn nhớ thì Hoàng Sa vẫn còn là của Việt Nam.

- Đà Nẵng đã đưa Hoàng Sa vào chương trình giáo dục lịch sử địa phương nhưng nhiều người cho rằng thời lượng chưa được quan tâm đúng mức. Ý kiến của ông thế nào?

Thời gian qua, Đà Nẵng rất quan tâm đến việc tuyên truyền, giáo dục về biển đảo. Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) thành phố đã đưa Hoàng Sa vào trong chương trình giáo dục lịch sử địa phương.

Cụ thể, từ năm học 2015-2016, Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng đã biên soạn 2 tập tài liệu (dành cho cấp trung học cơ sở và dành cho cấp trung học phổ thông) để tuyên truyền, giáo dục về quần đảo Hoàng Sa trong các trường học.

Việc tuyên truyền, giáo dục về quần đảo Hoàng Sa trong các trường học là sứ mệnh thiêng liêng của mọi người Việt Nam yêu nước. Phải xác định rằng việc học về Hoàng Sa không phải để cho biết mà còn để hành động. Vì vậy, rất mong Bộ GD-ĐT đưa Hoàng Sa vào chương trình giáo dục chính quy.

hoang sa

Học sinh Đà Nẵng tham quan Nhà trưng bày Hoàng Sa. (Ảnh: T. AN) 

- Công cuộc đấu tranh đòi lại Hoàng Sa ở Đà Nẵng được thực hiện thế nào, thưa ông?

Không chỉ bản thân tôi mà tất cả người dân Việt Nam luôn hướng về Hoàng Sa. Thế hệ nối tiếp thế hệ, những điều chưa làm được thì bản thân mỗi chúng ta phải luôn tự nhắc nhở, thế hệ trẻ phải luôn nuôi hy vọng một ngày lấy lại máu thịt về cho Tổ quốc. Hoàng Sa là của Việt Nam!

Những năm qua, Hội Khoa học Lịch sử thành phố cũng phối hợp với ngành Giáo dục để tổ chức cuộc thi tìm hiểu về Hoàng Sa, thu hút đông đảo HSSV tham gia. Cuộc thi không chỉ giúp HSSV nhận thức, hiểu rõ về chủ quyền Hoàng Sa là của Việt Nam mà còn hun đúc, giúp thế hệ trẻ nuôi ý chí lấy lại bằng được một phần máu thịt của Tổ quốc.

 
Chúng ta luôn khắc cốt ghi tâm về ngày 19/1/1974, đau đáu rằng chúng ta phải làm điều gì đó để mỗi con dân đất Việt luôn nhớ về Hoàng Sa. Vì chừng nào còn nhớ thì Hoàng Sa vẫn còn là của Việt Nam.

Ông Võ Ngọc Đồng

Cùng với tổ chức cuộc thi, việc đưa Hoàng Sa vào chương trình giáo dục đã giúp HSSV hiểu rõ về lịch sử, chủ quyền quần đảo Hoàng Sa là của Việt Nam. HSSV phải hiểu quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đã bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép từ năm 1956, nhất là họ đã dùng vũ lực cưỡng chiếm toàn bộ quần đảo này vào năm 1974 như thế nào. Và, từ hơn 40 năm nay, Trung Quốc không ngừng có những hành động phi pháp, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa ra sao?

Bên cạnh đó, sau khi Nhà trưng bày Hoàng Sa được khánh thành, đưa vào sử dụng đã sưu tầm và tiếp nhận hàng ngàn cơ sở dữ liệu về công cuộc đấu tranh, gìn giữ hòn đảo tiền tiêu của dân tộc.

Với hàng trăm tư liệu, hiện vật quý giá, Nhà trưng bày Hoàng Sa là nơi lưu giữ những “bằng chứng thép”, khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là không thể chối cãi.

- Vậy vai trò của UBND huyện Hoàng Sa trong công tác đấu tranh đó thế nào?

Việc củng cố tổ chức chính quyền Hoàng Sa thể hiện trách nhiệm của UBND TP. Đà Nẵng được thay mặt cả nước liên tục xác lập quyền quản lý quần đảo Hoàng Sa nhằm tạo đầu mối thực thi các hoạt động đấu tranh khẳng định chủ quyền biển đảo đối với Hoàng Sa.

Để công tác này làm tốt hơn thì phải đảm bảo cơ chế và nguồn lực thường xuyên. Ngoài việc chúng tôi đã làm và tiếp tục làm thì việc phát huy và nâng chất lượng hoạt động Nhà trưng bày Hoàng Sa là một bảo tàng chuyên đề về chủ quyền biển đảo nói chung và Hoàng Sa nói riêng; xem đây như là một điểm hành hương về lòng yêu nước.

hoang sa 2 3

Nhà trưng bày Hoàng Sa trên đường Võ Nguyên Giáp, Đà Nẵng. 

Từ cách thức hoạt động có tính chất chủ đề, thời điểm đến nay chúng tôi đã tổ chức hoạt động tuyên truyền thường xuyên; đồng thời lựa chọn, tổ chức các hoạt động có tính chuyên sâu như nghiên cứu học thuật, triển lãm chuyên đề…

Trong thời gian đến tiếp tục củng cố, kiện toàn, nâng cao năng lực nghiên cứu của đội ngũ, đầu tư cho công tác sưu tầm, tập trung tư liệu, hệ thống hóa dữ liệu, ứng dụng công nghệ và chú trọng truyền thông ra bên ngoài, hướng đến sự quan tâm, hiểu biết về chủ quyền của chúng ta đối với người dân trong nước và bạn bè thế giới.

Việt Nam có đầy đủ các bằng chứng lịch sử có giá trị pháp lý để chứng minh cho chủ quyền thiêng liêng với quần đảo Hoàng Sa.

- Cảm ơn ông!

Nhà sử học Dương Trung Quốc:

Có thể nói Trung Quốc đang tìm cách chiếm giữ Hoàng Sa để thực hiện dã tâm bành trướng lãnh thổ của mình. Nó tác động tiêu cực tới quyền tự do hàng hải ở Biển Đông cũng như trên thế giới. Vì vậy, cuộc đấu tranh của chúng ta bên cạnh không chỉ là để giành chủ quyền dân tộc trên mà còn là phục vụ mục đích đảm bảo tự do hàng hải trong khu vực, trên thế giới dựa trên Công ước về luật biển.

Giờ đây, câu chuyện đã không còn là của riêng Việt Nam và Trung Quốc hay một số nước trong khu vực mà là câu chuyện của quốc tế. Chúng ta khẳng định chủ quyền và cam kết sẽ thực thi đúng pháp luật quốc tế trong khi Trung Quốc đang làm ngược lại.

Tôi cho rằng đây là một cuộc đấu tranh rất lâu dài, gian khổ. Về mặt ý chí, chúng ta luôn khẳng định đó là lãnh thổ của chúng ta, nhưng đồng thời chúng ta cũng luôn luôn cam kết đó là một không gian hòa bình, hữu nghị, tạo điều kiện cho quá trình giao thương trên biển đúng theo tinh thần của luật pháp quốc tế.

Không chỉ Việt Nam, cả thế giới đều đang nhìn nhận một sự thật rằng Trung Quốc đang không chỉ muốn xâm chiến Hoàng Sa, mà còn dã tâm chiếm trọn Biển Đông. Những diễn biến gần đây cho thấy thế giới đang hết sức cảnh giác với một Trung Quốc đầy tham vọng. Nhiều nước trên thế giới mặc dù nói rằng họ không liên quan, không can thiệp vào cuộc tranh chấp về mặt lãnh thổ của các nước trong khu vực nhưng khẳng định Biển Đông phải là một vùng biển hòa bình, tạo điều kiện giao thương đi lại, tôn trọng các điều đúng với tinh thần của Việt Nam.

 

XUÂN TIẾN
Bình luận
vtcnews.vn