Ông Putin: Thể chế Cộng hòa Nghị viện không phù hợp với Nga

Thời sự quốc tếThứ Tư, 22/01/2020 23:14:20 +07:00
(VTC News) -

Nhà lãnh đạo Nga cho rằng cơ chế Cộng hòa Nghị viện thường gặp sự cố, như vậy sẽ là thảm họa với Nga, nước Nga cần một chế độ Tổng thống với quyền lực mạnh.

Tổng thống Nga Vladimir Putin chia sẻ tại một cuộc họp với công chúng về sự nguy hiểm của việc thử nghiệm với chính thể ở Nga. Người đứng đầu nhà nước lưu ý rằng, ở Nga, nếu tính đến các đặc điểm của đất nước, cần có một chế độ Tổng thống với quyền lực đủ mạnh.

Về mặt lý thuyết là có thể” - ông Putin nói, khi trả lời câu hỏi của một người tham gia cuộc họp về khả năng chuyển đổi Nga thành nước Cộng hòa Nghị viện.

Tuy nhiên, Tổng thống ngay lập tức gọi quá trình chuyển đổi như vậy là không phù hợp với Nga.

Ông Putin: Thể chế Cộng hòa Nghị viện không phù hợp với Nga - 1

Ông Putin cảnh báo không thử nghiệm với chính thể ở Nga. (Ảnh: Izvestia)

Để một nước Cộng hòa Nghị viện hoạt động hiệu quả, cần phải có cơ cấu chính trị phát triển từ lâu. Cũng tại châu Âu, một số đảng cũng tồn tại được vài thế kỷ, nhưng ở chúng ta, theo thông lệ, đảng lại có sự liên kết với một người cụ thể” - ông Putin nói và trích dẫn ví dụ về đảng Dân chủ Tự do và nhà lãnh đạo của đảng này là Vladimir Zhirinovsky.

Chúng ta không nên thử nghiệm” - ông Putin nói, đồng thời lưu ý rằng, chính thể nghị viện thường gặp sự cố, và một số quốc gia, ngay cả những quốc gia có các đảng tồn tại lâu năm, hết 6 tháng vẫn không thể thành lập được chính phủ hoặc nội các và tạo ra các liên minh không ổn định từ các đảng với những mục tiêu khác nhau.

Bạn có thể tưởng tượng nước Nga sống như thế nào nếu như không có chính phủ trong 6 tháng? Thảm họa. Tin tôi đi, điều này là không thể, đó sẽ là thiệt hại vô cùng lớn đối với nhà nước” - ông Putin quả quyết.

Tổng thống Nga nói rằng, ông có đọc ý kiến của các chuyên gia phương Tây và biết rằng chính họ nói chế độ đại nghị đang trải qua tình tình khủng hoảng và đang suy nghĩ về cách thức “hồi sinh” hệ thống và làm cho nó hiệu quả hơn.

Tôi nghĩ rằng đối với Nga, một đất nước có lãnh thổ rộng lớn, đa tín ngưỡng, đa dân tộc, chúng ta vẫn cần một chế độ tổng thống mạnh mẽ” - ông Putin kết luận.

Ngày 15/1, trong thông điệp gửi tới Quốc hội Liên bang, ông Putin đã đề xuất một số sửa đổi đối với Hiến pháp hiện hành. Cụ thể, đó là về việc tăng cường vai trò của Duma Quốc gia, mà ông Putin đề xuất trao quyền phê chuẩn Thủ tướng, cũng như các Phó Thủ tướng và Bộ trưởng. Tổng thống Nga cũng đề nghị nâng cao vị thế của Hội đồng Nhà nước, hiện là cơ quan cố vấn dưới quyền người đứng đầu nhà nước, và “tăng đáng kể vai trò của các Thống đốc trong việc phát triển và thông qua các quyết định ở cấp Liên bang”.

Ngày 20/1, Tổng thống Putin giới thiệu dự luật tương ứng với Duma Quốc gia, theo đó, quyền hạn của Duma Quốc gia và Hội đồng Liên bang - các cơ quan sẽ nhận được quyền điều phối các ứng cử viên đứng đầu các cơ quan thực thi pháp luật, công tố viên - đang được mở rộng.

Bên cạnh đó, trong thông điệp của mình, ông Putin cũng nói rằng, nước Nga “không thể phát triển bình thường” và thậm chí đơn giản là “không thể tồn tại ổn định dưới hình thức Cộng hòa Nghị viện”, do đó, Tổng thống vẫn nên giữ quyền xác định các nhiệm vụ và ưu tiên cho các hoạt động của chính phủ, bãi nhiệm các thành viên của chính phủ và lãnh đạo Lực lượng vũ trang, cũng như toàn bộ hệ thống thực thi pháp luật.

Văn Đức(Nguồn: TASS)
Bình luận
vtcnews.vn