Những người không mang bệnh nhưng bị kỳ thị, coi là xác sống ở Mỹ

Thời sự quốc tếThứ Sáu, 21/02/2020 12:12:02 +07:00
(VTC News) -

Những người Mỹ bị cách ly sau khi trở về từ vùng dịch bị cộng đồng kỳ thị, bạn bè xa lánh vì cho rằng họ mang theo mầm bệnh.

Khi Esther Tebeka, một trong số hơn 1.000 người Mỹ sơ tán khỏi Trung Quốc kết thúc đợt cách ly kéo dài 14 ngày, cô nghĩ mình có thể tiếp tục cuộc sống như bình thường. 

Nhưng thực tế không giống vậy. Nhiều người từ chối đến gần cô hoặc đeo khẩu trang phẫu thuật khi tiếp xúc với cô vì lo ngại nhiễm bệnh. Tebeka ngày càng bị xa lánh sau khi bị cách ly, nhiều người khác cũng như vậy. 

"Tôi còn phải nói tôi không bị bệnh bao nhiêu lần nữa", Tebeka, người điều hành một phòng khám trung y ở Palo Alto, California cho biết. 

Các bệnh nhân của cô nhiều ngày nay đột ngột hủy các cuộc hẹn. 

Những người không mang bệnh nhưng bị kỳ thị, coi là xác sống ở Mỹ - 1

Nhiều người Mỹ bị phân biệt đối xử vì sau khi trở về từ vùng dịch. (Ảnh: EPA-EFE)

"Chúng tôi không phải là xác sống", cô chán nản nói. 

Tebeka và con gái 15 tuổi nằm trong danh sách những người Mỹ di tản khỏi Vũ Hán và Tokyo, Nhật Bản sau đó được cách ly tại các căn cứ quân sự Mỹ ở California, Texas và Nebraska.

Các quan chức y tế khắng định những người này đều đã trải qua các cuộc kiểm tra, quan sát hàng ngày về kiểm dịch và ít có khả năng nhiễm bệnh ít nhất. Tuy nhiên, những lời cam đoan đó không đủ loại bỏ ánh mắt kỳ thị, ruồng bỏ của hàng xóm, bạn bè của họ.

Thông tin từ một chuyên gia hô hấp hàng đầu của Trung Quốc nói thời gian ủ bệnh của Covid-19 lên tới 24 này khiến nhiều người tin rằng 14 ngày cách ly tại các căn cứ quân sự không đủ chứng minh những người được sơ tán về từ vùng dịch không mang mầm bệnh. 

Ngoài các công dân được sơ tán, hành khách Mỹ trở về từ các khu vực bị ảnh hưởng bởi dịch cũng bị yêu cầu cách ly tại nhà 14 ngày. Những người có triệu chứng phải thông báo với các quan chức y tế để giám sát tình hình. Một số có thể bị hạn chế di chuyển hoặc tiếp xúc với người khác. 

Amy Deng và con gái Daisy, 8 tuổi phải tự cách ly ở nhà sau khi trở về từ Quảng Châu, cách Vũ Hán 800 km. Bản thân 2 mẹ con đều tránh tiếp xúc với mọi người trong 2 tuần. 

"Điều đó không ngăn được hàng xóm gọi cảnh sát vì lo ngại chúng tôi sẽ lây truyền virus. Mọi người hoảng loạn, sau đó tạo ra tin đồn rồi lan truyền nó. Họ nói với chúng tôi rằng đừng sống trong cộng đồng này nữa", Deng, 45 tuổi, một chuyên gia châm cứu ở Santa Rosa, California, nói. 

"Mọi người chỉ đang trưng ra sự phân biệt đối xử", Deng nói. Cô vừa kết thúc đợt cách ly tại nhà cách đây vài ngày. 

Cindy Kam, Giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Vanderbilt tin rằng gốc rễ của sự phân biệt đối xử nằm ở bản năng của mọi người, "cảm giác ghê tởm" của họ với các bệnh truyền nhiễm hơn là thực tế khoa học. 

Kam từng nghiên cứu dịch Ebola, Zika nhận thấy rắng mọi người lo sợ về những căn bệnh này vượt xa mối lo ngại về việc ai có thể mang chúng.

Matt Galat, một người Mỹ sống ở Trung Quốc quay trở lại Mỹ trong tháng này tiết lộ trên mạng rằng anh ta đang tự cách ly hai tuần với gia đình. Galat rất bất ngờ khi một số người ngừng theo dõi kênh Yotube của mình. 

"Họ nói rằng bạn đang lây nhiễm cho toàn bộ đất nước, bạn nên đi chết đi", Galat nói. 

Sarah Arana, 52 tuổi, người đang cách ly tại một căn cứ không quân ở California sau khi sơ tán khỏi du thuyền Diamond Princess nói khi cô ra ngoài, mọi người đều nhận ra vì cô từng chia sẻ về câu chuyện cách ly ác mộng của mình trên con tàu du lịch sang chảnh. 

"Tôi hy vọng mọi người sẽ không nghĩ rằng tôi mang trong mình virus", cô nói.  

Video: Bác sĩ chữa Covid-19 từ xa với công nghệ 5G

Song Hy(Nguồn: Reuters)
Bình luận
vtcnews.vn