15.000 ca nhiễm virus corona nhưng Đức đang chống Covid-19 hiệu quả bậc nhất thế giới

Thời sự quốc tếThứ Sáu, 20/03/2020 15:54:00 +07:00
(VTC News) -

Đứng thứ năm trên thế giới về số ca nhiễm SARS-CoV-2 nhưng số người chết ở Đức vì Covid-19 chỉ chưa tới 50.

Các nhà khoa học vẫn đang cố gắng lý giải vì sao tỉ lệ số người chết trên tổng số ca nhiễm SARS-CoV-2 ở Đức lại thấp hơn so với nhiều nước khác. Chỉ có 44 bệnh nhân Covid-19 thiệt mạng ở Đức, dù nước này ghi nhận tới hơn 15 nghìn ca bệnh (chỉ đứng sau Trung Quốc, Italy, Iran và Tây Ban Nha).

Tỉ lệ chết người của dịch Covid-19 ở Đức chỉ là 0,2% (gần như thấp nhất thế giới), trong khi ở Italy là 7,9%. Phương pháp của người Đức hiệu quả ở một điểm nào đó mà các nước khác có thể tìm ra và học hỏi.

Số người chết thấp đến khó tin ở Đức thậm chí còn làm dấy lên thuyết âm mưu rằng nước này che giấu thông tin dịch bệnh. Trong khi đó các chuyên gia lại cảnh báo rằng đây chỉ là biểu hiện của giai đoạn đầu dịch bệnh và con số này sẽ sớm bắt kịp các nước khác.

15.000 ca nhiễm virus corona nhưng Đức đang chống Covid-19 hiệu quả bậc nhất thế giới - 1

Đức chống dịch Covid-19 hiệu quả hơn nhiều nước khác dù số trường hợp nhiễm nCoV đứng thứ năm thế giới.

Tuy nhiên, giới chuyên môn cũng chỉ ra một vài yếu tố có thể là nguyên nhân giúp người Đức giữ được tỉ lệ người chết vì Covid-19 ở mức thấp và ngày càng giảm.

"Đức thực hiện xét nghiệm rất quyết liệt. Nhờ đó, họ có thể phát hiện ra nhiều trường hợp nhiễm bệnh ở mức độ nhẹ", Tiến sĩ Mike Ryan, Giám đốc phụ trách trường hợp khẩn cấp của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết.

Giáo sư Lothar Wieler của Viện Robert Koch nói: "Ngay từ đầu chúng tôi đã yêu cầu các bác sĩ của mình thực hiện các xét nghiệm một cách hệ thống. Chúng tôi có thể xét nghiệm ở quy mô lớn để có thể đánh giá về giai đoạn đầu của dịch bệnh dễ dàng hơn".

"Xét nghiệm, xét nghiệm, xét nghiệm" là khẩu quyết của WHO trong cuộc chiến chống virus corona chủng mới. Các chuyên gia tin rằng chương trình xét nghiệm quyết liệt của Đức không chỉ làm giảm tỉ lệ chết người thông qua việc phát hiện ra nhiều trường hợp nhiễm virus hơn.

"Italy có dân số già hơn rất nhiều. Trong nhiều bối cảnh thì Italy là hình mẫu của việc sống thọ, nhưng không may là với trường hợp này dân số già lại đồng nghĩa với tỉ lệ chết chóc cao hơn", Tiến sĩ Ryan nhận xét.

Các con số chính thức chỉ ra rằng tỉ lệ người trên 60 tuổi nhiễm SARS-CoV-2 ở Đức thấp hơn hẳn các nước khác. Có thể do may mắn, cũng có thể là nhờ phát hiện bệnh sớm nên người Đức theo dõi được chuỗi lây nhiễm và ngăn chặn virus tiếp cận những đối tượng dễ bị tổn thương nhất.

15.000 ca nhiễm virus corona nhưng Đức đang chống Covid-19 hiệu quả bậc nhất thế giới - 2

Đức thực hiện xét nghiệm rộng rãi để phát hiện người nhiễm virus nhiều hơn và sớm hơn.

"Có những khác biệt rất lớn về mặt hệ thống giữa Đức và các nước khác", Christian Drosten, nhà nghiên cứu virus hàng đầu của viện Charite thuộc Đại học Y khoa Berlin, lý giải.

"Quy định về việc áp dụng quy trình xét nghiệm mới của chúng tôi rất rộng rãi. Các nước khác thường chỉ có một trung tâm thực hiện toàn bộ các xét nghiệm liên quan đến các bệnh mới".

Ở Đức, bất cứ bác sĩ nào cũng có thể thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2. Bảo hiểm y tế cộng đồng sẽ chi trả. Đức không phải nước duy nhất giữ được tỉ lệ chết người dưới mức trung bình trong đại dịch Covid-19. Hàn Quốc cũng làm được như vậy.

"Trường hợp ở Hàn Quốc có lẽ là sự kết hợp của nhiều yếu tố", Suerie Moon của Viện nghiên cứu quốc tế và phát triển Geneva phân tích. "Những ca nhiễm virus đầu tiên chủ yếu thuộc nhóm trẻ tuổi và tập trung quanh một nhà thờ giúp chính quyền dễ kiểm soát hơn. Nhưng việc xét nghiệm cũng đóng một vai trò rất quan trọng".

Hệ thống y tế của Đức còn có một điểm khác biệt đáng kể khác. Số lượng giường điều trị đặc biệt ở nước này cao hơn bất cứ quốc gia nào tại châu Âu.

15.000 ca nhiễm virus corona nhưng Đức đang chống Covid-19 hiệu quả bậc nhất thế giới - 3

Số giường điều trị đặc biệt của Đức nhiều hơn Italy, Anh.

Điều trị đặc biệt (ICU) chính là nơi người bệnh chiến đấu giữa sự sống và cái chết. Có những báo cáo chỉ ra rằng các bác sĩ ở vùng phía Bắc Italy buộc phải chọn trong số các bệnh nhân nguy kịch xem ai được điều trị theo cách này.

Đức có khoảng 28 nghìn giường điều trị đặc biệt và hầu hết trong số đó trang bị đủ thiết bị hỗ trợ hô hấp. Con số này ở Anh chỉ là 4.000. Trung bình ở Đức cứ 100 nghìn dân sẽ có 29,2 người có thể được điều trị đặc biệt, trong khi Italy chỉ có 12,5 và Anh là 6,6.

Hệ thống y tế ở Đức được chi trả theo một cách khác. Bảo hiểm y tế cộng đồng là bắt buộc, thu trực tiếp cùng thuế thu nhập, sau đó chuyển thẳng vào quỹ bảo hiểm mà không cần qua kho bạc nhà nước.

Video: WHO gửi thông điệp "xét nghiệm, xét nghiệm, xét nghiệm"

Sự chuẩn bị của Đức trước đại dịch có lẽ tốt hơn so với các nước láng giềng. Dẫu vậy, chính quyền Đức cũng nhắc nhở người dân không được phép chủ quan trong cuộc chiến chống Covid-19.

Minh Ngọc(Nguồn: Telegraph)
Bình luận
vtcnews.vn