COVID-19: Bắc Kinh chìm trong lo lắng, không muốn thành Vũ Hán 2.0

Thời sự quốc tếThứ Bảy, 20/06/2020 17:17:00 +07:00

Bắc Kinh đang gấp rút thực hiện nhiều biện pháp để tránh kịch bản từng xảy ra với thành phố Vũ Hán hồi đầu mùa dịch.

Zhang Le, 25 tuổi, đợi hơn hai tiếng mà vẫn chưa được xét nghiệm virus corona. Cảnh sát ở đó kiểm soát, nhưng khi họ không để ý, một số người chui dưới dây và cắt hàng đợi.

Một cảnh sát nói với anh Zhang và các đồng nghiệp, là nhân viên trong một trung tâm thương mại, hãy đi tới lối vào bên kia của trung tâm xét nghiệm, bên ngoài một công viên. Họ chạy tới đó, để rồi lại được chỉ dẫn đi chỗ khác. Gần đó, nhiều nhóm người đang tụ tập, còn cảnh sát thì cố khiến họ giải tán.

“Tôi không biết ai tổ chức, nhưng không hợp lý lắm. Nhiều người thế này, nhỡ đến đây làm tôi dính virus thì sao”, Zhang nói.

Giống đa số người nhận được thông báo của tổ dân phố hay cơ quan là hãy tới xét nghiệm, anh thấy khó hiểu và bức xúc.

Gần 200 ca nhiễm trong 8 ngày

Sau nhiều tháng quảng bá chiến thắng COVID-19 và chia sẻ kinh nghiệm với các nước, Trung Quốc lại đang có đợt bùng phát mới, ở nơi không thể không gây chú ý: thủ đô Bắc Kinh.

COVID-19: Bắc Kinh chìm trong lo lắng, không muốn thành Vũ Hán 2.0 - 1

Các nhân viên y tế đang hỗ trợ người từng có tiếp xúc với chợ hải sản Tân Phát Địa. (Ảnh: Getty Images)

Trong 8 ngày qua, Bắc Kinh đã ghi nhận gần 200 ca nhiễm virus corona mới, liên quan đến chợ bán buôn hải sản ở đông nam thành phố. Khu chợ đó và hai chợ khác đã bị đóng, và ít nhất 33 khu vực của Bắc Kinh đã bị phong tỏa theo nhiều mức độ. Trường học, sân thể thao, điểm giải trí đều đã bị đóng.

Chính quyền đã yêu cầu tránh đi lại không cần thiết ra ngoài thủ đô, và dừng hàng trăm chuyến bay và mọi xe buýt đường dài. Các thành phố và tỉnh đã bắt đầu áp đặt biện pháp cách ly đối với người đến từ Bắc Kinh.

Bắc Kinh hạ mức khẩn cấp COVID-19 vào ngày 6/6 để rồi phải nâng lên lại 10 ngày sau, và người dân đang vừa lo lắng, vừa thất vọng. Những con đường đã đông đúc khi văn phòng và hàng quán mở lại thì giờ lại trống trơn.

Một số người từ khu bị phong tỏa tỏ ra lo lắng và đăng những lời xin trợ giúp. Một cư dân sống gần chợ Tân Phát Địa nói các gia đình trong khu của họ đã hết thức ăn. Các quan chức đã nói sẽ hỗ trợ các nhu yếu phẩm cho những người bị phong tỏa.

Một số người khác đăng trên mạng kể về việc bị bắt đi xét nghiệm và cách ly dù họ không đến gần chợ Tân Phát Địa. Một người cho biết được lệnh phải cách ly sau khi lái xe trong vòng 5 km cách một khu vực được xếp vào dạng rủi ro cao, gần chợ Tân Phát Địa.

Trong tuần qua, Bắc Kinh đã xét nghiệm khoảng 700.000 người. “Mọi người đều sợ. Không ai muốn điều này cả”, Zhang nói với Guardian khi đang đợi trong hàng.

Ngày 18/6, nhà dịch tễ học hàng đầu của Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Trung Quốc, Wu Zunyou, nói dịch bệnh đã được kiểm soát, nhưng cảnh báo rằng số ca mới có thể tiếp tục tăng “trong thời gian tới” trước khi ở mức ổn định như ở Vũ Hán.

COVID-19: Bắc Kinh chìm trong lo lắng, không muốn thành Vũ Hán 2.0 - 2

Nhân viên đang phun tẩy trùng bến tàu Bắc Kinh. (Ảnh: AP)

Lật lại câu chuyện nguồn gốc của virus

Các chuyên gia y tế cho biết dịch bệnh ở Bắc Kinh phản ánh nhiều về sự phúc tạp của việc kiềm chế virus khi không có vaccine.

“Virus không tuân theo mệnh lệnh, các biện pháp nghiêm ngặt nhất hay biên giới lãnh thổ”, Huang Yanzhong, nhà nghiên cứu y tế toàn cầu tại Hội đồng Đối ngoại ở Mỹ, nói với Guardian.

Ông cảnh báo khi chưa tìm ra được nguồn gốc của đợt bùng phát, khó có thể chặn được dịch. “Dù số ca mới không tăng, không có nghĩa dịch bệnh đã được kiểm soát”, Huang nói. “Bạn có thể xét nghiệm, có thể điều trị, cách ly, nhưng nếu nguồn gốc của vấn đề vẫn còn đó, có nghĩa bạn chưa tìm được giải pháp căn bản”.

Nguồn gốc của đợt dịch mới này đã trở thành một vấn đề chính trị, cũng giống như tranh cãi liệu nguồn gốc virus có ở Vũ Hán hay không. Các nhà khoa học của chính phủ Trung Quốc và các quan chức đã nói virus ở ổ dịch chợ Tân Phát Địa bắt nguồn từ cá hồi bị nhiễm, đến từ nước ngoài. Một thuyết khác là có ca “siêu lây lan” khiến nhiều người bị nhiễm.

Ngày 19/6 vừa qua, Bắc Kinh công bố đoạn mã di truyền của virus, và kết luận nó dường như là một chủng châu Âu. “Virus đến từ châu Âu, nhưng khác so với chủng virus đang lây lan ở châu Âu”, Zhang Yong, một quan chức của cơ quan kiểm dịch Trung Quốc, nói với Guardian. “Nó tồn tại trước virus đang lây lan ở châu Âu”.

COVID-19: Bắc Kinh chìm trong lo lắng, không muốn thành Vũ Hán 2.0 - 3

Người mua hàng được kiểm tra thân nhiệt ở một khu chợ tại Bắc Kinh. (Ảnh: Getty Images)

Các chuyên gia dịch tễ đã kêu gọi công bố thêm chi tiết, trong khi những người chỉ trích nói Bắc Kinh đang cố thúc đẩy câu chuyện virus đến từ nước ngoài. “Điều đó phù hợp với thông điệp mà chính quyền vẫn đang tuyên truyền rằng virus là vấn đề từ bên ngoài”, Zhou, chuyên gia từ Đại học Essex, cho biết.

Dù nguồn gốc từ đâu, rõ ràng là chính quyền đang nỗ lực lớn để Bắc Kinh không trở thành “Vũ Hán 2.0”. Trong vài ngày sau khi dịch mới bùng phát, ba người bị sa thải vì cách xử lý dịch bệnh, và các quan chức đã có họp báo thường xuyên, có khi nhiều cuộc mỗi ngày, để cập nhật các biện pháp và con số mới nhất. “Đây là cách để trấn an người dân rằng họ vẫn đang kiểm soát tình hình”, ông Zhou nói.

(Nguồn: Zing News)
Bình luận
vtcnews.vn