82% ca nhiễm virus corona là nhẹ, Trung Quốc chỉ có dữ liệu các ca đủ nặng đi khám và nhập viện

Thời sự quốc tếThứ Bảy, 08/02/2020 11:06:58 +07:00
(VTC News) -

Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống Dịch bệnh Mỹ cho biết Trung Quốc mới chỉ có dữ liệu về các ca đủ nặng để khi khám và nhập viện, chứ chưa nắm được số người nhiễm bệnh thực sự.

Nhu cầu về khẩu trang, quần áo bảo hộ, găng tay và các thiết bị bảo hộ y tế khác đang tăng lên gấp 100 lần và giá của chúng cũng tăng vọt do virus corona chủng mới (2019-nCoV), gây ra sự gián đoạn “nghiêm trọng” trong nguồn cung toàn cầu, - Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết ngày 7/2.

Tình hình trở nên tồi tệ hơn bởi những người không phải là nhân viên y tế mua thiết bị bảo hộ cho mục đích sử dụng của họ - ông Tedros nói.

Khi nguồn cung thiếu và nhu cầu cao, thì có thể có những hành vi xấu như tích trữ để bán chúng với giá cao hơn, và đó là lý do tại sao chúng tôi yêu cầu sự đoàn kết”, - người đứng đầu WHO kêu gọi trong cuộc họp ngắn tại Geneva.

82% ca nhiễm virus corona là nhẹ, Trung Quốc chỉ có dữ liệu các ca đủ nặng đi khám và nhập viện - 1

WHO cho biết nhu cầu khẩu trang chống virus đang tăng gấp 100 lần, giá gấp 20 lần bình thường. (Ảnh: AP)

Nhu cầu cao hơn tới 100 lần so với bình thường, trong khi giá cao hơn tới 20 lần”, và cơn sốt này sẽ tạo ra sự tích trữ nguồn cung trong vòng từ 4-6 tháng, - ông cho biết thêm.

Các nhân viên y tế tuyến đầu ở Trung Quốc, nơi đã báo cáo hơn 34.000 trường hợp nhiễm 2019-nCoV, cần phần lớn các nguồn cung cấp đó - ông Tedros nói.

Tổng giám đốc WHO chi biết ông đã nói chuyện với các nhà sản xuất và nhà phân phối để đảm bảo nguồn cung cấp cho những người cần chúng nhất, ưu tiên cho nhân viên y tế, tiếp theo là người bệnh và những người chăm sóc họ.

WHO đã gửi các lô hàng lớn găng tay, khẩu trang, mặt nạ phòng độc và các “thiết bị bảo hộ cá nhân” khác – được gọi chúng là PPE – tới mọi khu vực.

Chúng tôi kêu gọi các quốc gia và các công ty hợp tác với WHO để đảm bảo sử dụng nguồn cung cấp hợp lý và cân bằng lại thị trường. Tất cả chúng ta đều có một phần trách nhiệm để giữ an toàn cho nhau” - ông Tedros nói.

Mạng lưới chuỗi cung ứng đang tập trung trước hết vào khẩu trang phẫu thuật do nhu cầu rất lớn và áp lực thị trường, - ông Tedros nói và cho biết thêm: “Chúng tôi đánh giá cao các công ty đã đưa ra quyết định chỉ cung cấp khẩu trang cho các chuyên gia y tế”.

Tiến sĩ Mike Ryan, chuyên gia hàng đầu về tình trạng khẩn cấp của WHO, nói rằng chuỗi cung ứng bắt đầu với các nhà sản xuất nguyên liệu thô, và “ở mọi giai đoạn của chuỗi cung ứng đều có khả năng gây gián đoạn, hoặc trục lợi hoặc chuyển hướng”.

Chính quyền Trung Quốc đã cung cấp một số dữ liệu chi tiết với 17.000 trường hợp nhiễm bệnh - nhà dịch tễ học của WHO, tiến sĩ Maria van Kerkhove cho biết. “Chúng tôi có một số dữ liệu về 17.000 trường hợp nói rằng 82% số ca nhiễm được coi là nhẹ, 15% là ca nặng và 3% trong tình trạng nguy kịch”.

Đề cập đến con số tổng thể, bà cho biết thêm: “Chúng tôi biết rằng hiện nay 2% hoặc dưới 2% trong số các trường hợp được báo cáo đã chết. Chúng tôi biết rằng các ca cao tuổi có khả năng thiệt mạng cao hơn, người có các chứng bệnh khác có nguy cơ cao hơn”.

Dù vậy, bà Van Kerkhove cũng nói vẫn cần thêm nghiên cứu về “những bí ẩn quan trọng” của chủng virus này.

Trả lời câu hỏi về độ tin cậy của dữ liệu Trung Quốc, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống Dịch bệnh Mỹ (CDC) Robert Redfield cho biết CDC “có độ tin tưởng cao” đối với dữ liệu của Trung Quốc, nhưng cũng nói cần phải hiểu toàn bộ các ca bệnh, từ nặng, nhẹ đến không có triệu chứng.

Trung Quốc có dữ liệu về các ca đủ nặng để đi khám và nhập viện. Nhưng không nhìn rộng ra toàn bộ các loại ca nhiễm, để xem thực sự bao nhiêu người bị nhiễm bệnh” - ông Robert nói.

Cũng trong ngày 7/2, Mỹ quyết định sẽ viện trợ tới 100 triệu USD cho Trung Quốc và các quốc gia bị ảnh hưởng khác để chống lại dịch virus corona đang lây lan nhanh.

Cam kết hỗ trợ này, cùng với hàng trăm triệu USD được các tổ chức tư nhân Mỹ ủng hộ, thể hiện sự lãnh đạo mạnh mẽ của Mỹ trong việc ứng phó với dịch bệnh” - Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói trong một tuyên bố.

Cái chết của bác sĩ Trung Quốc Lý Văn Lượng, 34 tuổi, người đã bị khiển trách vì đưa ra cảnh báo sớm về căn bệnh này, xảy ra đúng vào thời điểm Chủ tịch Tập Cận Bình trấn an Mỹ và WHO về sự minh bạch và nỗ lực tối đa để chống lại virus.

Video: Trung Quốc xây xong bệnh viện dã chiến thứ hai.

Chính quyền Trung Quốc đã cho phong tỏa các thành phố, hủy bỏ các chuyến bay và đóng cửa các nhà máy để hạn chế dịch bệnh lan rộng tại đất nước có nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, nhưng qua đó cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường toàn cầu và các doanh nghiệp phụ thuộc vào các mắt xích cung ứng của Trung Quốc.

Văn Đức(Nguồn: Reuters)
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp