Thoát chết kỳ lạ nhờ cá voi cứu mạng

Phóng sự - Khám pháThứ Tư, 16/05/2012 02:44:00 +07:00

Đến bây giờ qua vẫn còn y nguyên cảm giác mừng rỡ khi thân mình đang chìm dưới nước bỗng dưng được Ông đẩy lên và đưa nhanh vào bờ.

Hàng trăm năm qua, ngư dân ở các tỉnh ven biển miền Trung tin rằng khi lênh đênh trên biển lúc gặp nguy nan nếu ai đó có đức tin, thành tâm khấn cầu sẽ được cá voi cứu mạng. Vì niềm tin ấy mà người miệt biển kính cẩn gọi cá voi là "Ông".

Sau này khi Vua Gia Long lên ngôi đã ban sắc phong cá voi là "Nam Hải Cự Tộc Ngọc Lân Thượng Đẳng Thần", nhiều vùng ngư dân gọi còn gọi cá voi là "Ông Nam Hải".
Từ một cuộc gặp gỡ tình cờ tại Cảng cá Đá Bạc - Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa), PV may mắn được gặp gỡ và chuyện trò với một lão ngư xem cá voi là "ân nhân" vì cảm kích ơn cứu mạng trong một đêm giông bão.

Đá Bạc - Cam Ranh là cảng cá nhỏ, tập trung chủ yếu tàu đánh cá đánh bắt ven bờ tại Cam Ranh. Ngày thường cảng cá im vắng nhưng hôm nay nhộn nhịp, đông đúc đến lạ.

Cụ Huỳnh Bợm, người từng được cá voi cứu mạng. 

Ông Bùi Minh, chủ tàu cá có công suất 250 mã lực chuyên đi lưới cá thu ở cách bờ 42 hải lý (mỗi hải lý tương đương 1,8km), cho biết nguyên nhân của việc cảng đông vui như hội "nhờ" có tin bão xa, sóng giật cấp 7, cấp 8 đang ập tới: "Không dại gì giỡn mặt với sóng to gió lớn, nhiều chủ tàu đánh bắt cá ven bờ và cả những đoàn tàu đi săn cá mập, câu cá ngừ đại dương ở Phú Yên, Quảng Ngãi, Bình Định khi đi ngang khu vực này đã ghé vào tránh bão".

Chủ đích của chúng tôi khi đến cảng Đá Bạc - Cam Ranh nhằm tìm hiểu nghề săn cua huỳnh đế của ngư dân nơi đây. Nhưng tiếc rằng ý định không được toại bởi thời điểm này không phải là mùa săn loài "cua vua". Gọi "cua vua" bởi cua huỳnh đế là loài có thịt thơm ngon nhất trong các loài cua nước ngọt lẫn nước mặn. Không được toại ý, chúng tôi chuyển sang “kế hoạch B” - tìm hiểu nghề câu cá ngừ đại dương của ngư dân bản địa.

Như ông Minh, ông Thuấn - chủ tàu chuyên đi lộng (đánh bắt ven bờ) cho biết, trước khi đến với nghề câu cá thu, ông đã từng trải qua những năm tháng lênh đênh trên biển Đông săn cá mập, câu cá bò-gù (cá ngừ đại dương). "Sỡ dĩ tôi chuyển sang câu thu (cá thu) vì nghề này ít hiểm nguy, nhọc sức. Chứ muốn câu cá bò-gù phải đi xa bờ hàng trăm hải lý, đối mặt với muôn vàn mối nguy chết người như bị cá mập tấn công, bị lốc xoáy, gió bão bất ngờ ập đến nhấn chìm cả đoàn tàu".

Bên cạnh muôn vàn mối nguy chết người giữa ngàn khơi, hôm ấy những con người "ăn sóng nói gió" còn chia sẻ với chúng tôi nhiều chuyện thoát chết hy hữu, ly kỳ giữa biển cả. Chỉ tay về phía một cụ ông dáng gầy guộc đang lặng lẽ cắm nhang vào lư hương chiếc thủ kỳ (bàn thờ giữa trời) nằm nép mình ở lối vào cảng cá, Hùng, chuyên đi bạn (người làm công, ăn chia thỏa thuận với chủ tàu tùy thuộc vào sản lượng cá câu được) tàu câu bò-gù, bật mí: "Đó là cụ Bợm, người duy nhất ở vùng biển này từng được "ông Nam Hải" độ mạng".

Trước khi đến cảng Đá Bạc, chúng tôi đã có nhiều chuyến đi tìm hiểu nghề cá của ngư dân ở các tỉnh ven biển miền Trung như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận… Qua đó mới biết người miệt biển ở những địa phương này bao năm qua vẫn duy trì tục thờ cúng cá voi, xem loài cá này là linh vật, là cứu tinh giữa ngàn khơi mỗi khi họ gặp nạn.

Một góc cảng Đá Bạc. 

Những ngư dân từ già đến trẻ mà chúng tôi tiếp xúc đều tin rằng, khi lênh đênh trên biển, nếu chẳng may bị sóng ma gió quỷ đánh nát tàu thuyền, nếu ai đó có đức tin, thành tâm khấn cầu sẽ được Ông cứu nguy.

Và như đã nói, tưởng rằng chuyện cá voi cứu người ấy chỉ là truyền thuyết, là lời đồn vô thực, ai ngờ khi biết đó chẳng phải chuyện hoang đường, chúng tôi không bỏ lỡ cơ hội tiếp cận chuyện trò, lắng nghe hồi ức của cụ ông từng được "ông Nam Hải" độ mạng giữa lúc cái chết tưởng sẽ đến trong gang tấc.

Chiều muộn, những cơn gió từ ngàn khơi mang vị mặn của biển quăng quật vào bờ. Gió gầm gừ như thế vẫn không át được tiếng nói vang như sóng biển của cụ. "Tên đầy đủ của qua là Huỳnh Bợm. Qua là người trông giữ, lo hương khói cho Ông ở lăng Ông và những linh hồn trôi sông lạc chợ ở đất này".

Thật bất ngờ khi được nghe lão ngư vốn chỉ quen với chuyện sóng gió lại ăn nói lưu loát, mạch lạc như vậy. Dùng mu bàn tay gầy guộc, nhăn nheo phủi tàn nhang rơi rớt, cụ Bợm tặc lưỡi: "Miếu này có hơn 20 năm rồi. Miếu thờ cô hồn các đảng, kẻ chết sông người chết đuối. Trước đó nữa, cái thời mà cảng cá chưa được đổ bê-tông cốt thép như bây giờ, miếu là am nhỏ được bà Diễm làm nghề thu mua cá sống ở khu vực này dựng lên thờ ông Cô bà Cậu vốn được người miệt biển tâm linh, xem như là thần biển".

Đang trơn mạch chuyện, bất chợt cụ Bợm lặng im. Hướng ánh mắt về phía những người đi bạn đáng tuổi con cháu mình đang ngồi bó gối trên những con tàu, gương mặt đăm chiêu chẳng rõ khi nào bão đến, lúc nào bão tan, một lúc sau cụ khẽ thở dài, tâm sự đong đầy trăn trở: "Núp bão như thế này có khi kéo dài cả tuần hoặc hơn. Thời gian càng kéo dài thì càng lỗ tổn (chi phí). Bị như thế không chỉ chủ tàu mà cả dân đi bạn cũng đói meo mỏ.

Rồi khi bão tan, tụi nhỏ phải túa ra khơi cố công cố sức đánh bắt để bù đắp hao phí. Nhưng nghề biển thì chú biết rồi, do nguồn lợi thủy hải sản cạn kiệt nên để không trở về với khoang tàu trống hoác trống huơ, chủ tàu phải mạo hiểm tiến ra xa bờ. Đi càng xa thì càng gặp nhiều hiểm nguy như bị tàu lạ đâm, bị giông gió cuồng điên đánh chìm, bị cá mập tấn công… Đó là chưa kể những khi tàu chết máy, cạn kiệt lương thực, nước ngọt, thuyền viên bị tai nạn biển".

Tục lệ thờ cúng cá voi rất phổ biến trong đời sống tâm linh của ngư dân các tỉnh miền Trung (trong ảnh là bộ cốt “ông Nam Hải” khổng lồ ở lăng Vạn Thủy Tú, Phan Thiết, Bình Thuận). 

Cụ Bợm năm nay 76 tuổi và có thâm niên hơn 50 năm lênh đênh theo con nước, bán mạng giữa trùng khơi cũng như đối mặt với biết bao hiểm nguy chết người. Cũng vì là người trong cuộc nên khi giã từ biển, chẳng thể giúp được gì cho những thế hệ ngư dân sau mình nên cụ chọn giải pháp ngày ngày "thắp hương cho ông Cô bà Cậu", thủy thần, vong hồn bỏ xác ngoài khơi… những mong họ sống khôn thác thiêng, phù hộ độ trì cho các chủ tàu và dân đi bạn "đi vui vẻ, về bình yên, khoang thuyền lúc nào cũng ăm ắp cá".

Lăng Ông theo giải thích của cụ Huỳnh Bợm "nếu gọi đầy đủ phải là lăng Ông Đá Bạc". Như nhiều lăng Ông khác ở các tỉnh ven biển miền Trung, lăng Ông Đá Bạc là nơi mà cư dân trong vùng góp công góp sức tạo dựng nhằm bảo quản, lưu thờ những bộ xương cá voi mà bà con kính cẩn gọi là "cốt Ông" hay "cốt Ông Nam Hải".

Không được cổ kính, bề thế, hàng trăm năm tuổi như lăng Vạn Thủy Tú ở Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận) hay lăng Ông Thủy Tướng ở huyện Cần Giờ (TP HCM)…, lăng Ông Đá Bạc khá khiêm tốn, được xây kiên cố vào năm 1995. "Trước đó lăng chỉ là cái miếu nhỏ, trong đó thờ 2 bộ cốt Ông. Nay thì có trên 20 bộ rồi" - cụ Bợm tâm tình: "Hồi qua giã biển (không đi biển) thì cũng là lúc lăng Ông vừa xây xong. Biết qua nguyện với lòng khi về già sẽ chăm lo hương khói cho Ông trả cái ơn cứu mạng ngày trước, bà con và chính quyền địa phương tin tưởng, tạo điều kiện cho qua được toại ý".

Thấy khách đường xa quan tâm đến chuyện mình từng được "Ông” cứu mạng, cụ Bợm nheo mắt, thổ lộ: "Chuyện xảy ra lâu lắm rồi, cái thời mà qua khoảng 15 hay 16 tuổi gì đó. Hồi ấy trẻ con lên 9 lên 10 có chút sức khỏe đã theo cha anh đi biển rồi. Mà biển dã hồi ấy cũng không như bây giờ. Bây giờ tàu thuyền đánh bắt đông quá, với lại do nhiều người vì lòng tham mà đánh bắt bằng các phương pháp hủy diệt nên cá ít, muốn kiếm được luồng cá trần ai khoai củ chứ ngày trước thì đuề huề. Càng ra xa thì càng kéo được nhiều cá!".

Cụ Bợm cũng tâm sự rằng thuở cụ theo cha anh đi biển, vùng biển Đá Bạc có lắm luồng cá thu, cá chuồn, cá ngừ… và cá mập. Khoát cánh tay gầy guộc về phía ngàn khơi, cụ miên man trong ký ức về biển Đá Bạc của nhiều thập kỷ trước. Cá mập ngày ấy theo trí nhớ của cụ "đúng nghĩa cá mập, con nào con nấy bự cành cành chứ không phải be bé dăm bảy chục (50-70kg), lớn lắm cũng không quá 200 ký lô như bây giờ".

Bản năng hung dữ, rất thính với mùi máu, hay tấn công người lúc đói… nên trong quá trình đi biển, có rất nhiều ngư dân phải chết thảm vì "loài cá tử thần" có sức mạnh như mãnh hổ rừng xanh và hàm răng sắc bén như dao cạo.

"Đời đi biển, qua gặp rất nhiều người chết thảm chú ơi!" - cụ Bợm trĩu giọng: "Người chết do cá mập núp trong các gành đá bất ngờ lao đến tấn công táp ngang nửa thân người, người chết do biển đang êm bỗng nổi sóng thần, nổi giông lốc nhấn chìm tất cả. Để rồi sáng mai ra, xác tàu tan nát, xác người chết trôi nổi dập dềnh cả vùng. Kinh khủng nhất là trận bão biển năm 1972. Sau một đêm cuồng nộ, sáng hôm sau bão rút đi, để lại 48 thi thể phơi mình giữa biển".

Nhắc đến chuyện chết chóc giữa trùng dương, ánh mắt già nua của cụ Bợm đỏ hoe. Và ánh mắt ấy bỗng ánh lên, rực sáng khác lạ khi chúng tôi quay trở lại chuyện cụ được cá voi cứu mạng: "Đó là khoảng thời điểm giữa đêm về sáng, qua đi trên ghe nhỏ chỉ có một mình. Khi ấy đêm tối đen, trời đang êm, biển đang lặng bỗng sóng gió bất ngờ ập đến đánh chìm chiếc ghe. Giữa đêm tối mịt mù, sau một hồi chống chọi, vật lộn với sóng nhồi sóng dập, qua chụp được can nước nhưng sau vì đuối sức nên đành buông xuôi, mặc số phận.

Qua vẫn nhớ khi ấy toàn thân chìm dần nhưng đầu óc vẫn khấn cầu có ai đó đến cứu mạng. Đang lúc tuyệt vọng ai ngờ Ông Nam Hải nghe tiếng nguyện cầu và xuất hiện cứu giúp kịp thời. Đến bây giờ qua vẫn còn y nguyên cảm giác mừng rỡ khi thân mình đang chìm dưới nước bỗng dưng được Ông đẩy lên và đưa nhanh vào bờ". Cụ Bợm kể rằng: "Ông to lắm. Khi được Ông hất vào bờ, qua quay mặt về phía biển chỉ kịp nhận ra dáng Ông là một vệt đen khổng lồ. Lúc ấy trời cũng vừa hừng sáng".

Kể chuyện cụ Bợm được cá voi cứu mạng, người viết qua đó muốn gửi gắm đến bạn đọc thông điệp về hiện tượng lạ giữa trùng dương, tưởng khó tin nhưng có thật. Bởi cụ Bợm không phải là trường hợp ngư dân duy nhất được "cá cứu". Tại Quảng Nam, có 2 ngư dân khác cũng đã từng sẻ chia chuyện họ được "Ông” cứu lúc nguy nan. Ngư dân gặp may đầu tiên là cụ Võ Văn Hùng, 72 tuổi, người thôn Thuận An, xã Duy Nghĩa, huyện Duy Xuyên.

Khoảng tháng 5/2000, cụ Hùng khi ấy là thuyền viên tàu Qng-1298 bị rơi xuống biển do con cá mập dài hơn 10 mét "tông" thẳng khiến con tàu chao nghiêng. Trong tình thế ngàn cân treo sợi tóc mặt đối mặt với hàm cá mập, khoảng 10 phút sau, cụ được một "Ông Nam Hải” to gấp đôi "hung thần đại dương" nâng người lên khỏi mặt nước và được các bạn thuyền hỗ trợ đưa lên tàu.

Ly kỳ không kém, cựu ngư dân Đặng Tảo ngụ thôn Long Thạnh, xã Tam Tiến, huyện Núi Thành kể chuyện được “Ông” cứu cách đây 20 năm, khi cụ cùng bạn biển đánh bắt trên khu vực vùng biển Hoàng Sa thì tàu bị bão đánh chìm. Tàu bị nạn từ chiều hôm trước, đến sáng hôm sau, khi không còn đủ sức để ôm bọng cây thì cụ Tảo được 2 "Ông Nam Hải" lao đến kè 2 bên hông dìu thẳng vào một hòn đảo nằm trên quần đảo Hoàng Sa...


Thành Dũng - CAND

Bình luận
vtcnews.vn