Thợ săn 3 lần bị rắn độc cắn suýt chết vẫn đi bắt rắn

Sức khỏeThứ Sáu, 05/05/2017 07:45:00 +07:00

Ông Nguyễn Văn Th. (57 tuổi ở Yên Mỹ, Hưng Yên) từng nhiều lần bị rắn độc cắn suýt chết nhưng vẫn hành nghề bắt rắn và mới đây lại bị rắn cắn, đang cấp cứu tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai.

Thời tiết thay đổi từ xuân sang hè, vào khoảng tháng 4, tháng 5 hằng năm, Trung tâm Chống độc, bệnh viện Bạch Mai lại tiếp nhận bệnh nhân bị rắn cắn “nhộn nhịp” hơn.

“Năm nào cũng vậy, cứ bắt đầu từ tháng 4 trở đi, số bệnh nhân nhập viện do bị rắn cắn tăng cao nhất”, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc, bệnh viện Bạch Mai cho biết.

Phổ biến nhất ở nước ta là những loài rắn độc như rắn hổ mang, rắn cạp nong. Khi bị hổ mang cắn sẽ bị sưng đau, hoại tử, nặng có thể gây liệt cơ, suy hô hấp.

Vẫn theo bác sĩ Nguyên, người dân bị rắn cắn có thể là do chủ động đi bắt rắn hoặc do khi làm các công việc bằng tay, nhất là ở nông thôn. Ban đêm không đủ ánh sáng, khi tiếp cận ở nhưng nơi như bụi cỏ, hang hốc, các chuồng gà hay ở các chồng gạch, gỗ cần hết sức đề phòng bị rắn cắn.

Bị rắn cắn nhưng hôm sau mới biết

Hiện, bệnh viện Bạch Mai đang tiếp nhận chữa trị cho 6 bệnh nhân bị rắn cắn, không kể những ca nhẹ hằng ngày, trong đó cũng có bệnh nhân đang nguy hiểm đến tính mạng.    

Một trong những bệnh nhân đang điều trị rắn cắn ở khoa Chống độc, bệnh viện Bạch Mai là ông Nguyễn Văn Th., 57 tuổi ở Yên Mỹ, Hưng Yên.

Theo người nhà bệnh nhân, ông Th. bị rắn cắn vào đêm 01/05 do đi bắt rắn, nhưng mãi tới ngày 02/05 mới lên nhập viện.

Ông Th. được sơ cứu trước khi được đưa thẳng lên khoa Chống độc bệnh viện Bạch Mai. Tình trạng của ông hiện đã có tiến triển nhưng chưa rõ được ngày ra viện. Đây đã là lần thứ 3 ông Th. bị rắn cắn. 

Hinh anh  3

           Bệnh nhân Nguyễn Văn Th., 57 tuổi bị rắn cắn trong khi đang đi bắt rắn đêm 01/05 vừa qua. (Ảnh: Nguyên Hoàng) 

Một bệnh nhân khác là anh Lý Văn Th., 37 tuổi ở Lục Ngạn, Bắc Giang, hiện đang trong tình trạng khá nguy kịch.

Bệnh nhân này bị rắn cắn khi đi đang đi làm đồng nhưng vẫn không nhận ra mình đã bị rắn cắn. Đến khi người vợ nghi vấn đưa vào viện thì bệnh nhân đã ở trong tình trạng khá nặng, suy hô hấp và chưa được trải qua bất kỳ việc sơ cứu nào trước đó.

Theo các bác sĩ, dựa vào tình trạng vết thương, có thể đoán được đây là do rắn cạp nia gây ra. Dù đã nhập viện được 40 ngày nhưng hiện bệnh nhân vẫn đang hôn mê, suy hô hấp và phải có sự hỗ trợ của máy thở oxy.

Hinh anh  4

                           Bệnh nhân Lý Văn Th., 37 tuổi, đang hôn mê, suy hô hấp và phải thở bằng máy. (Ảnh: Nguyên Hoàng)

Không nên cử động

Để hạn chế nguy cơ khi bị rắn cắn, người dân cần phải bình tĩnh, không được bỏ chạy và tìm ngay người trợ giúp hỗ trợ đưa lên trung tâm y tế gần nhất.

Người bị rắn cắn nên hạn chế vận động, tốt nhất là nhờ người khác cõng hoặc dìu đi. Bác sĩ Nguyên cũng khuyên, mặc dù không cấm việc chữa trị bằng lá thuốc nhưng đừng quá mất nhiều thời gian để tìm lá thuốc hay đợi cách chữa trị này có tác dụng.

Rất nhiều tường hợp do mất quá nhiều thời gian để chữa trị bằng thuốc nam hay tin tưởng vào thầy lang mà chậm đến bệnh viện, khi đó đã quá trễ và các bác sĩ không thể làm gì hơn để cứu chữa bệnh nhân.

Nạn nhân bị rắn cắn cũng không nên tự mình chuyển tuyến, cần phải có người đưa ra nơi chăm sóc y tế gần nhất, từ đó, các y bác sĩ có thể hỗ trợ chuyển tuyến nhằm hạn chế việc lây lan của chất độc. Nhất thiết phải tránh cử động, có thể dùng nẹp, quấn caro tĩnh mạch để sơ cứu.

Video: Rắn đột ngột quăng mình tấn công người đi xe máy 

Nguyên Hoàng
Bình luận
vtcnews.vn