“Thỉnh thoảng hãy để cuộc sống về chế độ offline”

Tổng hợpThứ Năm, 30/08/2012 08:54:00 +07:00

TS Phan Quốc Việt cho biết, mỗi ngày cơ quan ông “cười tập thể” với nhau khoảng 6 lần.

“Con người thời nay ứng xử thiếu văn hóa ngay trong chính gia đình mình. Họ sống thiếu nhiệt thành và không tập trung. Họ kết hợp rất nhiều việc cùng một lúc. Chúng ta để cuộc sống “online” nhiều quá!”- Tiến sĩ Phan Quốc Việt, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Tâm Việt chia sẻ.

“Chúng ta đang là nô lệ của máy móc”

Thời gian gần đây,  cứ thấy xăng chuẩn bị tăng giá chúng ta lại thấy cảnh người người chen chúc ra các trạm đổ xăng. Ông nghĩ gì về điều này?

Tính ra, mỗi chiếc xe máy bình quân đổ khoảng 5 lít xăng, nghĩa là họ chỉ tiết kiệm được vài ngàn đồng. Vậy, vì đâu? Vì đó là phản xạ có điều kiện của người Việt. Vừa ham rẻ lại vừa chịu ảnh hưởng của đám đông. Cứ nghe tin “tăng giá” là ngay lập tức trong đầu hiện lên hai chữ “tích trữ” mà không hề tư duy, tính toán xem thiệt hơn thế nào. Người này kích động người kia, thế là chúng ta có những đám đông chen lấn nhau chỉ vì  vài ngàn đồng.


Nói đến việc kích động đám đông, ở các ngã tư trên đường, chúng ta vẫn thường hay bắt gặp hình ảnh anh A đi đằng sau hò hét, bấm còi thúc giục anh B đi đằng trước phải… vượt đèn đỏ?

Văn hóa giao thông của mình đấy! Ở bên Tây, người ta đi một mình giữa đêm cũng không bao giờ vượt đèn đỏ và khi đi trên đường thấy người đi bộ, bao giờ ô tô cũng dừng lại nhường đường. Bên ta thì thường “vừa ăn cắp vừa la làng”. Đã đi sai luật rồi còn quay lại chửi người ta… ngu vì không chịu vượt đèn đỏ. Mà tôi đồ rằng anh A cũng chả có việc gì cấp bách mà đôi khi chỉ là vào vỉa hè uống cốc trà đá hay về nhà nằm xem ti vi. Chẳng qua là thói quen, mà thói quen lâu ngày dễ trở thành bản năng vô thức: cứ gặp đèn đỏ là vượt.

Nhiều người hoang mang liệu chuẩn mực của xã hội đã thay đổi hay không, khi mà một sinh viên nhường ghế cho người già trên xe buýt thì lập tức nhận được những ánh mắt như nhìn người ngoài hành tinh?

À, cái này thì cũng có khi bên ngoài người ta khó chịu nhưng trong lòng lại nể phục hoặc đố kỵ đấy. Cũng như khi ta mắng một người bạn là “Mày diện quá!” thì thực ra là ta đang thầm ghen tỵ với nó, vì ta ăn mặc không được như nó. Nhiều người thích làm việc tốt nhưng lại không làm vì sợ thiệt. Nếu bạn làm thì hoặc họ sẽ phải làm theo cho “phải đạo”, hoặc bị mang tiếng “vô văn hóa”. Vậy, tốt nhất là dè bỉu để bạn không làm. Cho nên, tôi nghĩ, khi một ai đó bị dè bỉu vì làm việc tốt thì cũng đừng buồn mà hãy ngẩng cao đầu hãnh diện.

Chẳng nói gì to tát, ngay những câu “Cảm ơn”, “Xin lỗi” hay thậm chí những cái ôm, những cái bắt tay ngày nay cũng thấy ít đi. Có phải vì cuộc sống quá gấp gáp và để “theo kịp thời đại” nên người ta đang loại dần đi những thủ tục rườm rà?

Đó là điều đáng tiếc. Thật ra chỉ mất mấy giây để nói hay làm những hành động đó. Và cuộc sống càng xô bồ thì những lời nói “cảm ơn”, “xin lỗi” hay những cái nắm tay mới thật sự có giá trị. Thậm chí không cần làm gì, chỉ cần mỉm cười với nhau thôi, tự dưng cuộc sống cũng dễ chịu hơn rất nhiều.

Khi suốt ngày chỉ cắm mặt vào máy tính, tivi, ipad, iphone… thì con người cũng tự dưng xa cách nhau, dần rơi vào thế “tự kỷ”. Họ đi kết nối với những con người ảo trên mạng nhưng ngay chính bố mẹ mình, chưa chắc họ đã nở được một nụ cười vào mỗi ngày. Một trong những nhu cầu lớn nhất của con người là quan hệ. Nó xuất phát từ văn hóa bầy đàn từ thuở sơ khai. Tuy nhiên, nhiều người lại đi tìm “bầy đàn” ở trên thế giới ảo, mà quên mất “đàn” của mình, đó chính là gia đình, là trường lớp, cơ quan, đoàn thể…

Theo như lời ông, con người phải giao lưu trực tiếp nhiều hơn thì mới cải thiện được văn hóa ứng xử của mình. Tuy nhiên, khi mà ra đường, chỉ cần một cái nhìn bị cho là “nhìn đểu” cũng có thể mất mạng như chơi, thì còn ai dám nở nụ cười?

Chúng ta không nên quá bi quan. Vẫn có rất nhiều hành động đẹp ngoài kia. Đơn giản thôi, rất nhiều lần đi đường tôi thấy hình ảnh người ta nhắc nhau gạt chân chống xe hay đưa cụ già qua đường hoặc chạy lại đỡ người bị ngã… Khi cuộc sống vẫn có nhiều điều tốt đẹp, tại sao chúng ta không tự tin để nở một nụ cười.

Mỗi người phải là tác nhân thay đổi, đừng phụ thuộc vào người khác. Muốn thay đổi cuộc sống phải thay đổi từ chính bên trong mình. Như ở cơ quan tôi, mỗi buổi sáng đều có một người đứng ở cầu thang để cúi chào, bắt tay khi mọi người đến làm việc. Thỉnh thoảng đầu giờ hay nghỉ giữa giờ, chúng tôi ra hành lang bắt tay nhau, cười đùa, cùng nhau thiền hoặc tập những bài Yoga cười. Mỗi ngày chúng tôi “cười tập thể” với nhau khoảng 6 lần.

Nhưng rõ ràng, bây giờ ra đường, những người không có thù oán, không quen biết gì với nhau cũng có thể đâm chém, thậm chí giết nhau chỉ vì một va chạm nhỏ. Vậy, nguyên nhân do đâu?

Một phần là do cuộc sống bây giờ thay đổi quá nhanh, quá gấp gáp, con người dễ bị stress, khủng hoảng, bốc đồng… Một phần nữa là xã hội chúng ta đang nói quá nhiều về “cướp, giết, hiếp” mà quên rằng tốc độ cảm xúc nhanh gấp hàng nghìn lần tốc độ của ý thức. Khi chúng ta hô hào “không nên uống bia”, “không nên hút thuốc” thì tiềm thức thường gợi lên hình ảnh “bia” và “thuốc” nhiều hơn là từ “không nên”. Tại sao thời gian gần đây có nhiều hung thủ tuổi teen ăn cướp, giết người dã man và tự hào nhận mình có “họ hàng” hay quen biết với Lê Văn Luyện? Tại vì đi đâu cũng nghe nói về sát thủ Luyện, vô hình dung tạo ra hình ảnh ấn tượng trong tiềm thức, sẽ có lúc nó xui khiến con người “noi theo” như một bản năng.

“Phải học lại, trước tiên là cách cười!”

Nhiều người cho rằng ứng xử có văn hóa thì phải “ép mình ép xác”, không được sống vì mình mà phải sống theo chuẩn mực của xã hội?

Đầu tiên phải xác định chúng ta không thể sống một mình. Bắt buộc bạn phải thuộc một nhóm nào đó, ít nhất là gia đình, bởi bạn không thể tự sinh ra. Sau đó đến họ hàng, trường lớp, cơ quan... Và mỗi tập thể có một văn hóa riêng. Khi bạn dùng Facebook bạn phải tuân theo văn hóa của thế giới mạng, khi bạn dùng điện thoại, bạn phải hòa nhập với văn hóa của mobile. Nếu bạn đi ngược lại văn hóa của tập thể, sớm muộn gì cũng sẽ bị “out” ra ngoài.


Đã bao giờ ông rơi vào hoàn cảnh phải lựa chọn giữa việc ứng xử có văn hóa hoặc là nhắm mắt ứng xử theo đám đông?

Thật ra cũng tùy trường hợp. Cụ thể nhất là chuyện uống rượu. Tây sang ta, nhìn mấy ông “Dô! Dô! Dô! Uống” là sợ xanh mắt, đôi khi mình cũng ngại lắm! Nhưng quen mất rồi, hôm nào không “dô!” có khi anh em lại mất vui. (Cười). Thôi thì “luật vua thua lệ làng”!

Có sự khác biệt nào lớn giữa thời đại ngày nay và thế hệ của ông ngày xưa trong văn hóa ứng xử giữa người với người? 

Thế hệ ngày xưa sống vồ vập hơn, “người” hơn, nghĩa là giao tiếp trực tiếp nhiều hơn chứ không bị phụ thuộc vào công cụ thứ ba như thời nay. Bạn bè gặp nhau, bắt tay nhau, quàng vai bá cổ cười nói không dứt. Thời nay, tôi thấy hiếm nụ cười. Họ trò chuyện với người thân, bạn bè với một bộ mặt khi lạnh lùng, khi đăm chiêu. Bởi vì họ chat qua một cái màn hình, tất nhiên, họ không thể cười với cái màn hình được. Lâu dần, họ quên mất cách cười.

Con người thời nay ứng xử thiếu văn hóa ngay chính trong gia đình mình. Họ sống thiếu nhiệt thành và không tập trung. Họ kết hợp rất nhiều việc cùng một lúc. Ăn cơm cùng gia đình nhưng người thì xem ti vi, người thì chat chit, người thì ngồi bấm điện thoại. Chúng ta để cuộc sống “online” nhiều quá! Thỉnh thoảng hãy đưa cuộc sống về chế độ “offline” để tận hưởng sự ấm áp của các mối quan hệ.

Nói đến lối sống Việt Nam hiện nay đang ngày càng thay đổi, người ta vẫn hay đổ thừa cho việc “bị Tây hóa”?

Nói thế oan cho Tây quá! Chúng ta rất chịu khó học hỏi, nhưng lại không biết chọn lọc mà bê về cả cái tốt lẫn xấu. Chúng ta bận rộn kiếm tiền thì Tâycòn “nghiện” làm việc gấp mấy lần ta. Nhưng ta kiếm được tiền thì cố mua cái nhà thật to, thật sang còn Tây thì dành tiền phục vụ nhu cầu khác thiết thực hơn, thậm chí chấp nhận thuê nhà để ở. Chúng ta quá lao vào vật chất mà quên đi những giá trị khác của cuộc sống. Chúng ta có ngôi nhà nhưng lại thiếu hơi ấm của một gia đình. Có ông cả đời cố kiếm tiền, lúc cất mặt lên thì vợ bỏ theo trai, con cái hư hỏng, bản thân ông lại mắc bệnh hiểm nghèo, hỏi đời ông được cái gì?

Có một giáo sư nước ngoài khi đến Việt Nam giảng về dịch vụ khách hàng có bảo với tôi: “Việt ơi, dịch vụ khách hàng ở nhà của chúng mày rất tuyệt vời! Tao thấy gia đình Việt nào cũng thế, bất cứ ai đến nhà, dù thích hay không thích cũng đón tiếp vô cùng tận tình, niềm nở! Sao chúng mày không mang dịch vụ đó ra ngoài đường, ra cửa hàng, cơ quan…”. Nghĩa là cái “cốt” văn hóa của chúng ta rất tốt, nhưng chưa biết dùng đúng cách, đúng lúc.

Nhiều người hoang mang rằng tại sao kẻ ít học ứng xử thiếu văn hóa đã đành, ngay cả những người được học hành, giáo dục đầy đủ mà vẫn có những hành xử thiếu văn hóa?

Tại vì công nghệ đào tạo bằng cấp của chúng ta quá ghê gớm. Các bạn trẻ gần như được nuôi trong lồng kính, ăn và học thuộc để lấy bằng cấp, nhưng lại thiếu hụt kỹ năng sống, kỹ năng ứng xử với môi trường xung quanh mình. Vừa rồi, tôi đến một lớp có nhiều học sinh đủ điểm để đi học nước ngoài nhưng khi tôi dạy về tinh thần đồng đội thì hầu như các em rất lơ mơ, ì ạch. Gia đình cũng có trách nhiệm rất lớn trong chuyện này.

Thầy cô dạy các em không vượt đèn đỏ, nhưng bố chở đi học thì vì vội đi làm nên bố cứ vượt đèn đỏ ngang nhiên. Thế trẻ con biết tin ai? Nguy hiểm nhất là các gia đình đang khoán trắng cho nhà trường, mà các thầy cô có phải ai cũng có kỹ năng sống, kỹ năng ứng xử văn hóa tốt đâu. Họ dạy kỹ năng sống nhưng thực ra chỉ là lý thuyết, kiến thức về kỹ năng sống. Tất cả đều được viết ra giấy mà từ giấy cho đến hành động là khoảng cách vô cùng xa.


Ngày xưa, Chí Phèo đã hỏi một câu rất kinh điển: “Ai cho tôi lương thiện?”. Còn ngày nay, những người muốn ứng xử có văn hóa thì hay phải chịu thiệt thòi, cô độc, bị xem là kỳ dị, khác người. Chẳng lẽ làm người tốt lại khó thế?

Tôi lại nhớ đến câu “Ví thử cuộc đời bằng lặng cả/ Anh hùng hào kiệt có hơn ai”. Cuộc sống càng khó khăn, chúng ta mới càng cần những cú “lội ngược dòng” và vì thế hàng ngày chúng ta vẫn đang ca ngợi những tấm gương anh hùng liều mình bắt cướp hay nhặt được của rơi trả lại người mất. Chúng ta đừng mặc cả với chính mình mà hãy làm những gì để cái tâm được thoải mái nhất.

Vậy phải làm gì để xã hội có thật nhiều “anh hùng” hơn nữa?

Chúng ta phải có các câu lạc bộ, hội nhóm, sinh hoạt cộng đồng để tạo môi trường cho con cái và bản thân chúng ta được hòa nhập với xã hội. Ở bên Mỹ, người ta đánh giá rất cao vai trò của các hoạt động này và hầu như bắt buộc đối với học sinh, sinh viên. Ở ta thì bố mẹ thậm chí còn ngăn cấm con cái tham gia hội, nhóm mà chỉ chăm chăm vào việc học ở nhà trường. Thế là không nên!

Là “cha đẻ” của Tâm Việt- nơi đào tạo những kỹ năng mềm trong cuộc sống hiện đại, ông truyền dạy cho học viên của mình những gì để làm phong phú thêm văn hóa ứng xử?

Ở Tâm Việt, lớp học đông học viên nhất là những lớp về kỹ năng giao tiếp phi ngôn từ. Họ học cách dùng ánh mắt, cử chỉ, nụ cười trong giao tiếp. Họ học cách để thân thiện. Khi con người thân thiện với nhau, cuộc sống sẽ bớt đi những bon chen, nghi kỵ, hằm hè nhau.

Ngoài những kỹ năng sống, kỹ năng ứng xử trong giao tiếp, bài học đầu tiên của chúng tôi là dạy cách cười. Sống là phải sướng. Mà cười là sướng nhất còn gì. Vậy sao không cười với nhau và để cười với chính mình. Cười là bản năng tự nhiên mang lại sự minh mẫn cho tinh thần và khỏe mạnh về thể chất. Bạn cứ cười rồi người ta sẽ cười lại, bạn cứ chào rồi người ta sẽ chào lại. Một lần chưa được thì lần sau sẽ được.

Xin cảm ơn TS. Phan Quốc Việt!

Thanh Hương thực hiện

 

Bình luận
vtcnews.vn