Thiếu tướng Vũ Tiến Trọng nói về cuộc gặp giữa Bộ trưởng Quốc phòng Việt-Trung

Thời sựThứ Tư, 21/05/2014 04:50:00 +07:00

Bộ trưởng Quốc phòng hai nước Việt Nam-Trung Quốc cũng thấy rằng, cần phải xử lý một cách thỏa đáng bằng con đường hòa bình.

Bộ trưởng Quốc phòng hai nước Việt Nam-Trung Quốc cũng thấy rằng, cần phải xử lý một cách thỏa đáng bằng con đường hòa bình.

Bên lề hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN lần thứ 8 (ADMM-8) diễn ra từ 19 - 21/5 tại Nay Pyi Taw- Myanmar, ngày hôm qua (20/5), Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh đã có cuộc tiếp xúc song phương với Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn. Dư luận đặc biệt quan tâm đến cuộc gặp cấp cao này trong bối cảnh tình hình ở khu vực biển Đông đang có những diễn biến phức tạp.

Bộ trưởng Phùng Quang Thanh.
Bộ trưởng Phùng Quang Thanh. 

Từ Nay Pyi Taw- Myanmar, hôm nay (21/5), Thiếu tướng Vũ Tiến Trọng, Viện trưởng Viện Quan hệ quốc tế về quốc phòng, thành viên chính thức Đoàn đại biểu quân sự cấp cao Bộ Quốc phòng Việt Nam tham dự ADMM-8 đã có cuộc trao đổi với phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) về nội dung cuộc gặp giữa Bộ trưởng Quốc phòng hai nước Việt Nam – Trung Quốc cũng như quan điểm của Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN về tình hình biển Đông.


Theo bạn, Việt Nam nên làm gì với giàn khoan trái phép Trung Quốc

  • Kiên trì dùng lực lượng Cảnh sát biển, Kiểm ngư buộc rút giàn khoan
  • Kết hợp đấu tranh pháp lý và đấu tranh ngoại giao
  • Kiện ra tòa án quốc tế
  • Tuyên truyền cho người Trung Quốc hiểu thực chất vấn đề
  • Ý kiến khác (comment ở cuối bài)
  • Thăm dò ý kiến Thăm dò ý kiến

- Thưa ông, là người trực tiếp tham dự cuộc gặp song phương giữa hai Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam và Trung Quốc bên lề Hội nghị ADMM-8, xin ông cho biết những nội dung cụ thể được bàn thảo tại cuộc gặp trên?  


Thiếu tướng Vũ Tiến Trọng: Về sự kiện mới diễn ra trên Biển Đông, đó là việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, gây bức xúc cho dư luận và nhân dân Việt Nam, quan điểm của Việt Nam là kiên quyết bảo vệ chủ quyền của mình bằng các biện pháp hòa bình.

Bộ trưởng Phùng Quang Thanh cho biết, Việt Nam không sử dụng tàu chiến, tàu tên lửa, không sử dụng máy bay và không chủ động va chạm vào các tàu của Trung Quốc. Trong khi đó, phía Trung Quốc lại sử dụng tàu hộ vệ tên lửa, tàu chiến, tàu quân sự… để bảo vệ giàn khoan. Bộ trưởng Phùng Quang Thanh cũng nói rõ, Việt Nam không có chủ trương phá hoại giàn khoan của Trung Quốc.

Phía Trung Quốc có quan điểm còn trái ngược với chúng ta. Họ khẳng định, vùng biển đó thuộc chủ quyền của Trung Quốc và thăm dò, hạ đặt giàn khoan là hoạt động thương mại bình thường của Trung Quốc. Tuy nhiên, hai bên cũng thấy rằng, đây là những vấn đề cần phải xử lý một cách thỏa đáng bằng con đường hòa bình, tiếp cận các kênh ngoại giao, trao đổi, tiếp xúc.

Chúng tôi cho rằng, đây là một cuộc tiếp xúc rất quan trọng, tạo ra một quyết tâm chính trị mới của hai Đảng, hai Nhà nước, giải quyết các bất đồng, đặc biệt là các vấn đề trên Biển Đông bằng con đường hòa bình. Chúng tôi hy vọng rằng, quan hệ Việt Nam- Trung Quốc sẽ tiếp tục duy trì một cách hòa bình, tốt đẹp, không ảnh hưởng đến quan hệ đại cục, duy trì tốt quan hệ láng giềng, hữu nghị cũng như đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước trong tương lai.

- Được biết, trong ngày 20/5, các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN cũng có cuộc gặp không chính thức với Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc. Ông có thể cho biết kết quả cuộc gặp này?


Cuộc gặp giữa Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN với Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc là cuộc gặp không chính thức theo đề nghị của Trung Quốc.

Tại cuộc gặp này, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc cũng đã chia sẻ những quan điểm của Trung Quốc về chính sách ngoại giao láng giềng, trong đó cho rằng, sự phát triển của Trung Quốc cũng là cơ hội cho ASEAN phát triển.

Phía Trung Quốc khẳng định, khu vực Đông Nam Á, Biển Đông cũng như châu Á- Thái Bình Dương đều có mối liên quan, gắn bó mật thiết trong mối quan hệ giữa ASEAN và Trung Quốc. Chính vì vậy, hai bên đều mong muốn tăng cường hợp tác một cách thực chất và đề xuất một số nội dung hợp tác cụ thể như thiết lập đường dây liên lạc trực tiếp giữa Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN, sau đó sẽ mở rộng ra với các nước, trong đó có Trung Quốc; tăng cường trao đổi qua kênh học thuật và tổ chức các hội nghị đối thoại quốc phòng không chính thức với Trung Quốc thường niên.

Tôi cho rằng, tất cả các phương hướng này sẽ mở ra hợp tác thực chất giữa ASEAN và Trung Quốc.  

- Xin ông cho biết, những diễn biến căng thẳng ở Biển Đông đã được các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN trao đổi như thế nào tại Hội nghị ADMM-8?


Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN lần thứ 8 có bàn bạc rất nhiều nội dung, trong đó vấn đề Biển Đông là một phần trong nội dung trao đổi về tình hình an ninh khu vực.

Trong đó, Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN đều bày tỏ sự quan ngại về tình hình Biển Đông hiện nay và đều có mong muốn chung là các bên phải hết sức kiềm chế, không sử dụng vũ lực và giải quyết bằng biện pháp hòa bình theo luật pháp quốc tế, theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 và theo tình thần của DOC (Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông), Nguyên tắc 6 điểm của ASEAN về Biển Đông cũng như các tuyên bố cấp cao; bày tỏ quan điểm ủng hộ Tuyên bố của Chủ tịch cấp cao ASEAN 24  cũng như Tuyên bố Nay Pyi Taw của cấp cao ASEAN 24, Tuyên bố riêng của Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN vừa qua.

>>Xem thêm video Trung Quốc duy trì 90 tàu quanh giàn khoan:



Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN cho rằng, trong tương lai, các nước cần đẩy mạnh hợp tác trong khuôn khổ của ASEAN cũng như giữa ASEAN với các nước đối tác, đối thoại của ASEAN, đặc biệt là với Trung Quốc để đảm bảo cho hòa bình, ổn định tại khu vực, nhất là trên Biển Đông, an ninh an toàn hàng hải và đảm bảo môi trường hòa bình thật sự.

Trong hội nghị này, Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh cũng đã thông tin với các nước ASEAN rằng, Việt Nam hết sức kiềm chế, khẳng định quyết tâm của Việt Nam là duy trì môi trường hòa bình, ổn định, an toàn hàng hải chung ở khu vực.  

- Thưa ông, vậy Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN có đạt được sự đồng thuận về vấn đề Biển Đông?


Nhìn chung ASEAN hiện nay đều có lập trường rõ ràng, rất chung và thống nhất để chia sẻ, đồng quan điểm là giữ vai trò trung tâm, vai trò động lực, dẫn dắt trong các cấu trúc hợp tác an ninh khu vực. Điều này được thể hiện trong Tuyên bố chung của Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN lần thứ 8. Tuyên bố chung ghi rõ, các bên phải hết sức kiềm chế, không sử dụng vũ lực và giải quyết bằng biện pháp hòa bình.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!


» Sử liệu cổ Việt Nam khẳng định chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa
» Quá khích ở Bình Dương, Hà Tĩnh: Thủ tướng chỉ đạo hỗ trợ doanh nghiệp
» Tiêm kích bom SU22-M4 vào mùa bay huấn luyện

Theo VOV

Bình luận
vtcnews.vn