Thiếu tướng kể chuyện đào hầm, đặt thuốc nổ phá địch

Thời sựChủ Nhật, 04/05/2014 04:12:00 +07:00

Thiếu tướng Bùi Đức Tùng kể về những ngày đơn vị ông đào hầm, đặt thuốc nổ phá địch trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

Thiếu tướng Bùi Đức Tùng kể về những ngày đơn vị ông đào hầm, đặt thuốc nổ phá địch trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

» Bại tướng Điện Biên Phủ nói gì?
» Ký sự đặc biệt: Chiến thắng Điện Biên Phủ nhìn từ Paris



Trận chiến 56 ngày đêm


“Những ai đã từng tham gia trận chiến 56 ngày đêm “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt” trong Chiến dịch Điện Biên Phủ đều ý thức được rằng mình đang phục vụ cho Tổ quốc, chúng tôi rất tự hào vì cuộc đời mình được chứng kiến những giây phút huy hoàng của lịch sử…”, Thiếu tướng Bùi Đức Tùng bắt đầu kể về kỉ niệm với Điện Biên Phủ như thế.

Thiếu tướng Bùi Đức Tùng năm nay đã bước sang tuổi 86, trong câu chuyện về những kỉ niệm Điện Biên Phủ một thời “chấn động địa cầu” với chúng tôi, dường như mọi cảm xúc đều ùa về vẹn nguyên, sinh động trong ông.

Ông bồi hồi nhớ lại, năm 1947, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chàng trai trẻ xứ Nghệ Bùi Đức Tùng rời quê nghèo xã Thạch Sơn, huyện Anh Sơn (Nghệ An) hăng hái lên đường nhập ngũ, được giao nhiệm vụ Trung đội trưởng Trung đội 3, Tiểu đoàn 542, Trung đoàn 165 thuộc Sư đoàn chủ lực 312 tham gia trực tiếp các chiến dịch chống Pháp ở Tây Bắc.

Ông kể: “Trong nhiều trận sinh tử ở chiến trường hồi đó, tôi vẫn nhớ nhất là trận chiếm đồi Độc Lập. Đây là một trong 2 cánh cửa thép của tuyến phòng ngự phía Bắc bảo vệ trung tâm Mường Thanh do Tiểu đoàn 5 Bắc Phi hung hãn được trang bị nhiều vũ khí hiện đại, thiện chiến và một đại đội lính ngụy Thái đóng giữ nghiêm ngặt. Xung quanh ngọn đồi là chằng chịt dây thép gai, với dày đặc các loại mìn phòng ngự. Việc tiêu diệt đồi Độc Lập là nhiệm vụ bắt buộc được đưa ra trong đêm 14/3/1954.

Thiếu tướng Bùi Đức Tùng, nguyên Trung đội trưởng Trung đội 3, Tiểu đoàn 542, Trung đoàn 165, Sư đoàn 312. 

Khi đó, trời mưa như trút, bùn nhão choẹt, pháo hỏa tiễn của Pháp bắn liên hồi. Ban đêm, địch thả pháo sáng soi rõ như ban ngày nên mọi di biến của quân ta đều phải rất cẩn thận để tránh bị phát hiện.

Thế nhưng khi mọi phương án tấn công đã sẵn sàng thì đơn vị cối chi viện chưa thể đến được vì trời mưa to quá. Giờ khai hỏa bắt buộc phải lùi lại. Đến đúng 3 giờ sáng, lệnh nổ súng mới được bắt đầu.

Sau hơn 40 phút, bộc phá đã mở xong cửa, tiểu đội mũi nhọn ào ạt xông lên nhưng gặp phải sự kháng cự mạnh mẽ của địch. Pháo binh nhích từng mét để đến trận địa, trong khi đó các mũi chủ lực bắn dồn dập về phía trận địa pháo của địch để hạn chế lại sự chống trả.

Sau gần 1 giờ đấu pháo, hai bên tranh nhau, giành đi, giật lại từng đoạn chiến hào. Cuối cùng quân ta đã tấn công vào các cứ điểm trung tâm.

Địch điên cuồng chống trả, nhưng với quyết tâm người trước ngã xuống, người sau tiến lên, một mũi chủ lực của ta bắt được một số tù binh và ép chúng dẫn thẳng đến trận địa khối, phá hủy 4 khẩu 120 li của địch. Đến 6h30 sáng ngày 15/3, địch bỏ trận địa, tháo chạy về trung tâm Mường Thanh. Quân ta làm chủ hoàn toàn cứ điểm đồi Độc Lập, tiêu diệt gần 500 tên địch, bắt sống hơn 200 tên, xóa sổ toàn bộ Tiểu đoàn 5 Bắc Phi, tịch thu toàn bộ vũ khí.

Do đồi A1 có vị trí vô cùng quan trọng nên địch đã cho một tiểu đoàn lính Âu Phi chiếm giữ. Sau 4 ngày chiến đấu, quân ta cũng mới chỉ chiếm được một phần nhỏ của khu vực trọng yếu này.

Lúc này, Bộ Tư lệnh chiến dịch quyết tâm bằng mọi giá phải đào được đường hầm, đưa thuốc vào làm nổ tung hệ thống hầm ngầm ở đây. Đơn vị tôi được nhận nhiệm vụ đào hầm, công sự tiến về sân bay Mường Thanh. Việc đào hầm phải tuyệt đối bí mật. Ban ngày nằm trong hầm phía bìa rừng, đến 6h chiều, các mũi đào giao thông hào được ngụy trang kĩ bắt đầu lên đường đào hào. Vừa đào vừa ngụy trang, che mắt địch.

Lúc đó, điều kiện vô cùng gian khổ, hiểm nguy, hào đào đến đâu, bùn non lấp đến đó. Nhiều đoạn vừa phải đào hào vừa bốc bùn non vừa ngụy trang, che mắt địch và cầm hơi, lấy sức bằng những vắt cơm đùm, cơm nắm trộn lẫn bùn.

Nhiều chiến sỹ hai bàn tay phồng rát, mọng nước rồi dần dần chai sần. Lưỡi xẻng ban đầu còn sáng loáng, tròn trĩnh, sắc lẹm nhưng đến khi đào xong chiến hào mòn vẹt, chỉ còn trơ lại một mảnh sắt nhỏ, cong queo… Với quyết tâm cao, quân ta đã vượt qua được tất cả để đúng giờ G, khối bộc phá ngàn cân đã được phát nổ. Đây cũng là mệnh lệnh tấn công đợt cuối cùng, tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ”.

Xứng danh chiến sĩ Điện Biên

Với người lính, đất nước chưa thống nhất thì chưa rời mặt trận, do vậy sau khi giải phóng Điện Biên, chiến sĩ Bùi Đức Tùng lại lên đường vào tham gia chiến trường miền Nam.

Gia nhập binh đoàn chủ lực Quân khu 5, trực tiếp tham gia các chiến dịch lớn như Đường 9 – Nam Lào, Mậu Thân 1968, Đông Dương, Sa Huỳnh, Ba Gia, Vạn Tường… và đặc biệt là tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, trực tiếp giải phóng Đà Nẵng, Quảng Nam.

Đất nước thống nhất, ông Bùi Đức Tùng tiếp tục tham gia công tác tại Quân khu 5, Quân khu 4 rồi Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An. Năm 1983, ông Bùi Đức Tùng được phong hàm Thiếu tướng.
Bức ảnh ghi lại khoảnh khắc Đại tướng Võ Nguyên Giáp ôm, hôn đồng chí Bùi Đức Tùng, nguyên Sư đoàn 2 tại mặt trận phía Nam 

Rời binh nghiệp, ông trở về sống bình dị với vợ con và các cháu. Ngày ngày vui thú điền viên làm bạn với những chậu lan, chậu sen... trong ngôi nhà nhỏ ở khu gia binh thuộc khối 24, xã Nghi Phú, TP Vinh.

Đau đáu với kỉ niệm chiến trường, ông thấy mình may mắn hơn bao nhiêu đồng đội đã nằm xuống, Thiếu tướng Bùi Đức Tùng đã lặn lội tới từng địa chỉ, vận động và kết nối...

Sau những nỗ lực, Ban liên lạc chiến sĩ Điện Biên Phủ tại TP Vinh đã lên tới 80 cụ. Người ít tuổi nhất năm nay bước sang tuổi 76, còn người cao tuổi nhất đã 97 tuổi. Trong số 80 cụ, hầu hết các cụ vẫn nhiệt huyết tham gia vào các chức danh của Hội Cựu chiến binh các cấp, Hội Người cao tuổi, Mặt trận Tổ quốc...

Mỗi năm một lần, họ lại tìm về mái nhà chung, sự ấm áp của nghĩa tình đồng đội, nhiều người đã vượt qua khó khăn, bệnh tật, chiến thắng được đói nghèo. Và trong câu chuyện những lần gặp mặt, họ vẫn không quên nhắc về đồng đội một thời - những người đã ngã xuống và những người hôm nay đã làm nên niềm tự hào là chiến sĩ của Sư đoàn 312.

Sư đoàn 312, còn gọi là Sư đoàn Chiến Thắng, thuộc Quân đoàn 1 Quyết Thắng. Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, các đơn vị của Sư đoàn đã tiêu diệt cứ điểm Him Lam, Độc Lập để mở màn và bắt sống Bộ chỉ huy Tập đoàn cứ điểm ngày 7/5/1954, góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “chấn động địa cầu”.

“Ngày 7/5/1954, quân ta giải phóng hoàn toàn Điện Biên Phủ. Khi lá cờ Quyết chiến, Quyết thắng của ta tung bay dưới bầu trời Điện Biên Phủ cũng là lúc toàn bộ quân lính thực dân Pháp kéo cờ trắng lần lượt ra đầu hàng, tướng DeCastries bị bắt sống. Đứng trên đồi D1 nhìn xuống, chúng tôi ai cũng thấy lòng mình rạo rực, rưng rưng...”, vị tướng già nhớ lại thời khắc lịch sử giải phóng Điện Biên Phủ.


Theo giadinh.net.vn
Bình luận
vtcnews.vn