Thiếu tiền mặt trầm trọng, dân Venezuela lâm cảnh cùng khổ

Kinh tếThứ Tư, 31/01/2018 11:34:00 +07:00

Cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị ở Venezuela kéo dài hơn 3 năm, hiện tại, sự thiếu thốn đã chạm đến mức cùng cực khi ngay cả tiền giấy cũng hiếm hoi ở “vương quốc” dầu mỏ này.

Venezuela đã bước sang năm thứ ba liên tục với cuộc khủng hoảng kinh tế, chính trị vô cùng nặng nề và phức tạp.

Từ một “vương quốc” dầu mỏ, Venezuela đã và đang trở thành một quốc gia nghèo đói, thiếu thốn đủ mọi thứ, chất lượng cuộc sống của người dân ngày càng đi xuống.

Vào thời đại của thế kỷ 21, có lẽ rất là hiếm hoi khi còn tồn tại một quốc gia, nơi mà người dân phải đi lục thùng rác để tìm kiếm đồ ăn, rồi từ người dân đến trí thức phải vượt biên, bán dâm ở các quốc gia khác.

Thật sự, tình cảnh của Venezuela rất đáng quan ngại, liệu “vương quốc” dầu mỏ này có sụp đổ? Liệu Chính phủ của ông Maduro có đủ khả năng cứu vãn đất nước khỏi tình trạng hiện tại?

1

 Thiếu đủ thứ, giờ lại thiếu cả tiền mặt, cuộc sống của người dân Venezuela bị dìm vào bể khổ. (Ảnh: Internet)

Theo nhận định của Tổ chức tiền tệ thế giới (IMF), 2018 sẽ là một năm cực kỳ vất vả đối với Venezuela, lạm phát ở đây sẽ tăng vọt, lý do là bởi đồng tiền ở đây đang mất giá trị nhanh chóng.

Cũng theo IMF, vào năm 2018, GDP của Venezuela sẽ giảm khoảng 15%, và sao với 16% vào năm 2016 thì tình hình qua ba năm chẳng khác nhau là bao.

Giới chuyên môn cũng cho rằng, năm nay tỷ lệ thất nghiệp ở Venezuela sẽ tăng 30%, mọi thứ giá cả sẽ tăng hơn 13.000%, tương đương với khoảng 130 lần!

Vào những ngày đầu của cuộc khủng hoảng, mọi thứ diễn ra một cách chậm chạp và ai cũng nghĩ rằng đó chỉ là vấn đề tạm thời, rồi Chính phủ sẽ giải quyết được, Venezuela sẽ lại phục hồi, tiếp tục là một cường quốc ở châu Mỹ.

Nhưng sự thật hoàn toàn khác, sau ba năm, cuộc khủng hoảng vẫn tiếp tục. Mọi thứ hàng hoá, thuốc men, lương thực đền vắng bóng ở các cửa hàng; tâm lý của người dân trở nên hỗn loạn.

Những cuộc biểu tình bắt đầu diễn ra ở các thành phố nhỏ - nơi sinh sống của những tầng lớp nghèo khó; rồi sau đó dần lan ra khắp cả nước.

Ông Maduro đã thực sự nghiêm túc trừng trị rất nhiều quan chức của Chính phủ khi phát hiện ra họ đã cất trữ khối lượng lớn lương thực, thực phẩm, thuốc men, quần áo trong nhà từ rất lâu. Mặc dù thu hồi được hàng hoá nhưng cũng không đủ để phục vụ nhu cầu ngày càng lớn.

Nếu sự thiếu thốn các thứ hàng hoá trên có thể khắc phục bằng cách mua hàng xách tay từ nước ngoài vào, nhưng mới đây một mặt hàng khác đã trở nên khan hiếm vô cùng ở quốc gia này. Đó là tiền.

Mọi chuyện bắt đầu ở hai thành phố Tachira và Lara, khi mà những người về hưu như thường lệ đến nhà băng nhận lương hưu, nhưng lần này họ không những đã phải đợi hàng tiếng đồng hồ, mà còn không nhận được một đồng nào.

Câu chuyện trở nên tồi tệ hơn khi nó lan dần ra hai thành phố khác là Maracaibo và Cabimas. Những người về hưu bắt đầu biểu tình, đòi tiền hưu.

Vấn nạn thiếu tiền mặt đã lan rộng một nhanh chóng ra các thành phố khác trên cả nước. Việc thiếu tiền mặt dẫn đến vấn đề nghiêm trọng là thiếu sức lao động.

Gần như toàn bộ hệ thống giao thông công cộng ở các thành phố bị ngừng trệ,  nhân viên và người lao động không muốn làm việc vì họ nhận ra rằng, thiếu tiền là thiếu tất cả.

Họ có thể trả một cái giá không hề rẻ cho một bộ quần áo, vì đồng tiền mất giá và phải mua ở nước ngoài xách tay về. Nhưng bây giờ, đến tiền mặt cũng không có thì họ hoàn toàn tuyệt vọng.

Mặc dù trong tài khoản họ có tiền, nhưng lại không thể ra nhà băng rút được, bởi ở đây cũng không còn một tờ tiền giấy nào. Thiếu tiền mặt còn ảnh hưởng tới cả các tiểu thương, chẳng ai có tiền mặt cả, ai cũng hỏi xem có chuyển khoản được không; cho dù họ đi mua một nải chuối.

Ở thành phố Falcon – một trong những thành phố du lịch nổi tiếng của Venezuela cũng phải hứng chịu vấn đề tương tự, người dân ở đây không thể tiếp tục trả 12.000 bolivar, tương đương với 30.000VNĐ để đi xe buýt hàng ngày. Rồi còn nhiều thứ khác mà họ phải sự dụng đến tiền để mua, nhưng bây giờ đến tiền cũng không có!

Sự thiếu thốn tiền mặt trong xã hội Venezuela được cho là một trong những hậu quả của nền kinh tế đã bị cùng kiệt mà không hề có bất cứ hành động nào nhằm cứu vãn tình trạng đó.

Để tự giải quyết các vấn đề này, người dân đã phải sang tận biên giới Colombia để mua tiền mặt của Venezuela. Đây là những đồng tiền đã được những kẻ đầu cơ mang sang đó từ trước, có lẽ những kẻ này là một trong những nguyên nhân dẫn tới việc thiếu tiền mặt ở Venezuela.

Video: Siêu lạm phát, dân Venezuela phải dùng cân để đếm tiền

Tại biên giới, người Venezuela sẽ phải mua lại tiền mặt của quốc gia mình với cái giá cắt cổ. Thường thì họ se phải trả 100%  giá trị, nhiều khi có thể hơn tuỳ vào người bán, tuỳ thời điểm có ít người hay nhiều người mua.

Còn ngay tại Venezuela, những kẻ đầu cơ cũng tranh thủ cơ hội này để kiếm chác, họ biết rằng dù phải trả giá rất đắt, người dân vẫn sẽ làm vì nhu cầu cho cuộc sống quá nhiều.

Cho tới thời điểm hiện tại, thiếu tiền mặt chưa chạm tới thủ đô Caracas, nhưng theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế thì, đó là điều không sơm thì muộn, mặc dù Caracas là trung tâm văn hoá, chính trị, kinh tế nhưng ở đây tình hình cũng không mấy khả quan hơn các nơi khác.

Trong khi người dân đang bị dồn đến sự cùng cực, Chính phủ của ông Maduro vẫn không ngừng đổ tội cho các thế lực thù địch, mà cụ thể là Mỹ và các quốc gia đồng minh đã hậu thuận cho các lực lượng chống phá lại ông Maduro

Mặc dù không có hiệu quả cao nhưng ông Maduro đã và đang thực hiện nhiều biện pháp nhằm cải thiện cuộc sống cơ bản của người dân, nhưng thực chất đó chỉ là những biện pháp mang tính cấp cứu cho một sự sụp đổ ở ngay trước mắt.

Phong Sơn
Chuyên đề: Tin Kinh tế
Bình luận
vtcnews.vn