Thiếu niên tạt axit đoàn cưỡng chế: Vì sao hoãn phiên xử phúc thẩm?

Pháp luậtThứ Ba, 02/02/2016 08:50:00 +07:00

Thẩm phán Lê Quang Hùng - Phó Chánh án TAND tỉnh Long An, nói rõ lý do tạm hoãn phiên phúc thẩm xét xử vụ án "thiếu niên tạt axít công an" tại Long An.

(VTC News) - Thẩm phán Lê Quang Hùng nói rõ lý do tạm hoãn phiên phúc thẩm xét xử vụ án "thiếu niên tạt axít công an" tại Long An. 

Sáng 1/2/2016, Tòa án nhân tỉnh Long An mở phiên xét xử phúc thẩm đối với Nguyễn Mai Trung Tuấn (SN 2000, ngụ huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An) tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện Thạnh Hóa, Long An.

Nhiều người dân đến tham dự, lực lượng cảnh sát, công an tham gia bảo vệ phiên tòa nghiêm ngặt. Đặc biệt, có đến 9 luật sư thuộc Đoàn luật sư TP.HCM và Đoàn luật sư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có mặt nhận bào chữa miễn phí cho bị cáo Tuấn.

Tuy nhiên, sau đó phiên tòa đã tạm hoãn với nhiều lý do. Nhằm hiểu rõ hơn bản chất vụ việc, chiều cùng ngày, phóng viên VTC News đã có cuộc phỏng vấn Thẩm phán Lê Quang Hùng - Phó Chánh án TAND tỉnh Long An, chủ tọa phiên xét xử.
 Thẩm phán Lê Quang Hùng (trái)
- Thưa ông, lý do vì sao phiên tòa tạm hoãn?

Thể theo ý kiến của các luật sư đưa ra đề nghị triệu tập thêm người như bị hại và cha mẹ bị cáo, kể cả những người trong hội đồng giám định thương tích, tôi thấy điều này cũng xác đáng, cần thiết nên HĐXX đã họp bàn và thống nhất tạm hoãn phiên tòa.

Thật ra, những vấn đề đó chỉ là nguyên nhân thứ yếu. Theo luật, nguyên tắc phúc thẩm, ai kháng cáo thì chỉ cần triệu tập người đó thôi.

- Các luật sư cho rằng, trước đây ông đã thể hiện quan điểm cá nhân trên báo chí về mức án mà tòa sơ thẩm cấp huyện đưa ra, vì vậy nếu hôm nay, ông ngồi ghế thẩm phán thì có thể không khách quan nên họ yêu cầu thay đổi thẩm phán, ông thấy thế nào?

Ngày 26/11/2015 tôi có phát biểu ý kiến trên báo Pháp luật TPHCM. Tuy nhiên, khi đó tôi với vai trò phát ngôn viên của cơ quan pháp luật. Tôi chỉ phát biểu theo trình tự thủ tục tố tụng, có đúng hay sai thôi, còn nội dung xử bao nhiêu tháng, bao nhiêu năm thì khi đó HĐXX vận dụng theo pháp luật.

Luật sư lo rằng tôi có phát biểu trên mặt báo đã nêu quan điểm rồi nên tôi xét xử không khách quan. Nếu nói vậy thì không đúng, hồ sơ cấp dưới xét xử sơ thẩm, tôi đâu có liên quan gì đâu.

Còn lúc xét xử phúc thẩm tôi phải xem hồ sơ, đối chiếu chứng cứ, chi tiết mọi vấn đề mới giải quyết vụ án. Vụ án này có trình tự phúc thẩm nên phúc thẩm khác sơ thẩm, phúc thẩm ai kháng cáo thì chỉ gọi người đó thôi, không phải gọi hết như sơ thẩm.
 Các luật sư tham gia bào chữa phiên phúc thẩm
- Như vậy, những cá nhân trong Hội đồng giám định tỷ lệ thương tích không cần có mặt cũng được?

Những người trong Hội đồng giám định trước đó đã có văn bản gửi cho tôi. Họ báo cáo chi tiết vụ việc, nêu vấn đề có ý kiến phản ánh cho rằng kết quả giám định của họ không khách quan, cần làm rõ. Tôi cũng đã có văn bản yêu cầu tổ chức giám định trả lời khiếu nại đó thì họ cũng có trả lời rồi. Họ khẳng định sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu làm sai. 

Việc các luật sư yêu cầu cần sự có mặt của những người trong Hội đồng giám định để làm rõ vấn đề vụ án, tôi thấy cũng xác đáng nên đây cũng là một trong các lý do HĐXX đồng ý tạm hoãn phiên tòa.

- Về cá nhân, ông đánh giá thế nào về vụ án này?

Hồ sơ vụ việc tôi đã xem kỹ, tuy nhiên vấn đề thế nào phải tùy theo diễn biến, chứng cứ mới, tình tiết mới nếu có, tôi không thể đưa ra mức án trong khi chưa xét xử xong, có lẽ các luật sư cứ nghĩ rằng tôi đã chuẩn bị "án bỏ túi" từ trước rồi nhưng đâu phải vậy. 

Các luật sư đưa ra lý do cần giảm án, án oan, hay cho bị cáo được tại ngoại... vấn đề này cần xem xét, thẩm vấn lại, đánh giá xem cho kỹ, đối chiếu còn có tội hay không, hay giảm hình phạt cũng phải xem xét. Kháng cáo thì đương nhiên phải xem xét hết, không thể đưa ra mức án trước được, nếu biết trước thì đưa ra xử phúc thẩm làm gì.
 Bị cáo Nguyễn Mai Trung Tuấn
- Kết luận thương tích ban đầu của Bệnh viện Chợ Rẫy xác nhận bị hại chỉ thương tật 16%, trong khi đó, tại Trung tâm y tế huyện Thạnh Hóa (Long An) lại lên đến 35%, vì sao lại có sự cách biệt khá xa như vậy?

Tôi không thể đánh giá theo quan điểm cá nhân được, vì không phải nghiệp vụ chuyên môn của mình, mình nói theo cảm tính thì không được. Và hiện tại do vụ án tạm hoãn nên tôi cũng chưa đưa ra nhận định cái nào đúng, cái nào sai, nhưng cơ quan chuyên môn họ đưa ra trưng cầu cái đó là quan trọng, cần xem xét diễn biến, cái nào hợp lý theo đúng quy định trình tự pháp y.

- Theo ông tính pháp lý của kết luận thương tích của Bệnh viện Chợ Rẫy và Trung tâm y tế huyện Thạnh Hóa cái nào hơn?

Cần phải xem cái nào đúng theo trình tự đúng theo quy định, Bệnh viện Chợ rẫy không có trưng cầu, mà ở đây pháp y tỉnh Long An tổng hợp hết các y chứng giấy tờ thương tích liên quan theo chuyên môn.

Theo đó, mình xem xét, đối chứng, đối chất để căn cứ đưa ra quyết định. Tôi nghĩ, cơ quan giám định thương tích họ không thể làm cảm tính được, họ làm phải có căn cứ, nếu có cảm tính họ cũng không dám làm, bởi họ tự chịu trách nhiệm trước pháp luật mà, ai sai sẽ bị xử lý.

- Theo hồ sơ vụ án, bị cáo Tuấn với tội danh "cố ý gây thương tích", nhưng các luật sư lại yêu cầu xem xét lại bởi hành vi của bị cáo chỉ là "chống người thi hành công vụ", điều đó có không, thưa ông?

Không có, luật sư không nói vấn đề đó.

- Câu hỏi cuối, đứng góc độ nhân văn, bị cáo Tuấn có được cho tại ngoại, ăn Tết và đi học trở lại?

Bị cáo Tuấn đang bị giam giữ, muốn gì phải thẩm tra lại, mức độ nào, có tội hay không, đặc biệt là tuổi vị thành niên, quy định thế nào đều căn cứ vào luật pháp. 

- Cảm ơn ông!
Theo cáo trạng của VKSND huyện Thạnh Hóa, sáng 14/4/2015, đoàn cưỡng chế huyện Thạnh Hóa đến nhà cha mẹ Tuấn vận động chấp hành quyết định cưỡng chế của UBND huyện này về giải tỏa đất làm dự án bờ kè thị trấn Thạnh Hóa.

Tuy nhiên, cha mẹ Tuấn không chấp hành mà vận động nhiều người trong gia đình cố thủ, dùng chai xăng, bình gas, dao, kéo, gậy, búa, acid chống trả đoàn cưỡng chế.

Thời điểm đó, Tuấn (đang là học sinh lớp 9/5 Trường THCS thị trấn Thạnh Hóa) đã dùng ca đựng acid tạt vào lưng Trung tá Nguyễn Văn Thủy (Trưởng Công an xã Thạnh An) làm nạn nhân bị thương tật 35%.

Sau đó Tuấn bỏ trốn nên bị Công an huyện Thạnh Hóa ra quyết định truy nã. Đến ngày 6/8/2015, Tuấn bị bắt khi đang đi chăn vịt tại tỉnh Bình Thuận.

Tháng 9/2015, TAND huyện Thạnh Hóa đã xử sơ thẩm, phạt 12 bị cáo (trong đó có cha mẹ Tuấn) tổng cộng 33 năm tù về tội chống người thi hành công vụ (Điều 257 BLHS).

Riêng Tuấn bị khởi tố, truy tố về tội cố ý gây thương tích theo khoản 3 Điều 104 BLHS (khung hình phạt từ năm năm tù đến 15 năm tù).

Sáng 24/11, TAND huyện Thạnh Hóa đã đưa Tuấn ra xử sơ thẩm. Do Tuấn chưa thành niên, cha mẹ của Tuấn đang vướng vòng lao lý nên cậu ruột của Tuấn là người giám hộ cho Tuấn. Kết thúc phiên xử, tòa đã phạt Tuấn 4 năm 6 tháng tù, buộc cha mẹ Tuấn phải liên đới bồi thường cho người bị hại hơn 40 triệu đồng.

Video: Bị tạt axit vì tố cáo chính quyền tham nhũng


Phan Cường(thực hiện) 
Bình luận
vtcnews.vn