"Thiết kế" bức thư giới thiệu như ý thế nào?

Tổng hợpChủ Nhật, 05/12/2010 11:17:00 +07:00

(VTC News) – Hầu hết trường CĐ và ĐH nước ngoài đều yêu cầu thư giới thiệu trong quá trình tuyển sinh, đặc biệt là các chương trình học bổng.

(VTC News) – Hầu hết mọi trường cao đẳng và đại học nước ngoài đều yêu cầu thư giới thiệu trong quá trình tuyển sinh, đặc biệt là các chương trình học bổng. Dưới đây là một vài lưu ý cần thiết cho những người đang hoàn thành hồ sơ để đi du học có được một lá thư giới thiệu phù hợp.

Thư giới thiệu là một lá thư từ một người nào đó đủ điều kiện để chứng thực khả năng học tập và tiềm năng của bạn có thể phát huy tốt trong khóa học sắp tới. Thư giới thiệu đóng vai trò rất quan trọng, vì nó nói những sự thật về người ứng viên trong khi bản đăng ký (application) không thể hiện rõ được. (Hầu hết thông tin mà bản đăng ký cung cấp thường chỉ là về ngành học, điểm, xếp loại, nền tảng gia đình…)

Vậy làm sao để có được một lá thư giới thiệu phù hợp với mong muốn của bạn?

Một thư giới thiệu tốt sẽ tăng giá trị cho bạn. Ảnh minh họa.
Đầu tiên là việc chọn người viết thư giới thiệu cho mình. Bạn nên chọn những thầy cô giáo, hay những người quản lý hiểu rõ phong cách làm việc hay sở thích học tập của bạn. Nếu họ là những người có uy tín, có bằng cấp cao thì bức thư của bạn càng được đánh giá cao.

Yêu cầu họ viết thư giới thiệu thông qua một buổi gặp mặt trực tiếp, không nên chỉ đề nghị qua email. Trong buổi nói chuyện này, bạn có cơ hội để nói nhiều hơn về mong muốn và định hướng của mình trong chương trình du học mà bạn đang ứng tuyển. Từ đó có thể nói lên những điều cụ thể mà bạn muốn họ đề cập đến trong thư.

Bức thư nên được hoàn thành trước hạn cuối 2 đến 3 ngày. Bạn hãy nói với người giới thiệu rằng họ hãy cố gắng nhấn mạnh những điểm đặc biệt ở bạn (ví dụ như những ưu điểm hay lập trường hoặc lĩnh vực mà bạn đang theo đuổi đầy triển vọng...).

Tuy vậy, tuyệt đối đừng bắt họ phải nói dối. Bạn hãy giữ lại một bản sao của bức thư này vì nó có thể cần thiết trong tương lai.

Nếu người giới thiệu yêu cầu bạn viết sẵn bức thư, họ sẽ chỉnh sửa lại và ký xác nhận thì bạn đừng ngạc nhiên mà hãy viết nó như ý bạn mong muốn vì đó là điều phổ biến.

Bạn hãy đọc đi đọc lại nội dung bức thư, kiểm tra về hình thức để đảm bảo rằng nó không bị viết sai chính tả hay bị nhàu, dính bẩn.

Và cuối cùng, đừng quên gửi thư cảm ơn những người đã viết thư giới thiệu cho bạn.

Hy vọng rằng với những kinh nghiệm trên đây, cơ hội nhận được những lá thư giới thiệu như ý sẽ tăng lên và bạn sẽ sớm đạt được mục đích của mình.

 Thu Trang (theo http://scholarship-positions.com)


Bình luận
vtcnews.vn