Thiệt đơn thiệt kép trong việc bán hạt nhựa PP của Lọc hóa dầu Bình Sơn

Kinh tếThứ Hai, 19/11/2018 17:51:00 +07:00

Nhà máy Sơ sợi Đình Vũ (PVTEX) - một trong 12 dự án "đại dự án" khó khăn của ngành Công Thương được cho là đang có hướng sáng để xử lý, thoát khỏi nhóm dự án này.

Tuy nhiên, vướng mắc lại đang xảy ra trong việc tổ chức bán sản phẩm nhựa PP của Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), đơn vị vận hành Nhà máy Lọc dầu Dung Quất.

Những bất ổn trong việc bán PP của BSR

Theo báo Dân trí, những người am hiểu ngành dầu khí đều hiểu rằng, một trong những yếu tố quyết định để PVTEX thoái khỏi tình trạng khó khăn hiện nay lại liên quan đến khâu tiêu thụ sản phẩm nhựa PP của BSR. Nhưng chính khâu tổ chức bán sản phẩm này của BSR trong nhiều năm qua lại rất có vấn đề, cần phải chấn chỉnh lại để đem lại lợi ích cho chính BSR và cả ngành dầu khí.

Theo thông tin từ PVN, quá trình bán PP của BSR diễn ra từ năm 2010 đến nay, chia làm 3 giai đoạn, nhưng ở cả 3 giai đoạn này, từ chỗ việc bán theo từng lô cho đến khi bán theo hợp đồng dài hạn, việc tổ chức bán hàng đều bất hợp lý nên việc tiêu thụ không ổn định, chưa tạo được thị trường, việc bán hàng khó khăn.

Pvre

 PVTex đã sống lại sau thời gian dài đắp chiếu. (Ảnh: VNN).

Thực tế, thời gian qua, việc BSR đồng ý cho 5 đối tác kể trên bao tiêu sản phẩm hạt nhựa PP của lọc dầu Dung Quất lại xuất hiện nhiều yếu tố bất hợp lý.

Theo thiết kế, hàng năm lọc dầu Dung Quất sản xuất khoảng 150.000 tấn hạt nhựa PP các loại. Trước năm 2018, BSR tổ chức bán đấu giá. Nhưng bắt đầu từ 2018 toàn bộ sản lượng theo kế hoạch (12.500 tấn/tháng) được BSR bán theo hợp đồng dài hạn cho 5 khách hàng kể trên với thời hạn hợp đồng 4 năm (từ 2018-2021) và đàm phán giá hàng năm. Riêng lượng hàng vượt kế hoạch BSR ký một phụ lục hợp đồng bán 100% cho OPEC.

Kết quả của Đoàn kiểm tra PVN về công tác tiêu thụ sản phẩm, trong đó có việc bao tiêu hạt nhựa PP này ở lọc dầu Dung Quất cho thấy có dấu hiệu khác thường.

Theo tìm hiểu, việc lọc dầu Dung Quất lựa chọn 5 đối tác vào đàm phán để lập tiêu chí chọn Nhà bao tiêu và đàm phán hợp đồng bao gồm 5 công ty kể trên là vi phạm nguyên tắc minh bạch, công bằng. Bởi việc mời hạn chế một số đối tác vào đàm phán để đưa ra tiêu chí lựa chọn nhà phân phối là không phù hợp về nguyên tắc cạnh tranh và quyền tự quyết của BSR.

Đáng chú ý, trong 5 đối tác mua hạt nhựa PP của BSR, thì ngay sau đó 2 công ty là DMC và PVBuilding đã bán trao tay ngay tại xưởng PP của BSR cho công ty OPEC để kiếm lời. Cụ thể, PVBuilding hưởng chênh 8 USD/tấn còn DMC hưởng chênh 3 USD/tấn.

Như vậy tiêu chí đưa ra để chọn nhà thầu đủ năng lực cho phân phối hạt nhựa PP của BSR hoàn toàn không có tác dụng và bị lợi dụng. Các công ty bán trao tay kiếm lời ngay mà không tạo giá trị gia tăng cho hệ thống phân phối, quảng bá sản phẩm PP của BSR cũng như mong dợi mà tạo cơ hội độc quyền cho một công ty.

Điều này cũng bộc lộ giá term do BSR xác định chưa sát thị trường nếu BSR bán thẳng cho khách hàng mua trao tay từ DMC và PVBuilding thì còn giúp tăng lợi chuận cho BSR từ 3-8 USD/tấn.

Thế “độc quyền” ấy được dẫn chứng bằng các con số cụ thể. Đó là BSR bán cho OPEC khối lượng 4.100 tấn/tháng theo hợp đồng term dài hạn, chiếm 33% sản lượng của nhà máy (4.100 tấn/12.500 tấn). Ngoài ra, toàn bộ lượng hàng sản xuất vượt kế hoạch (khoảng 2.000 tấn/tháng) được bán toàn bộ cho OPEC. Như vậy, OPEC được mua tối đa lên tới 6.100 tấn/tháng, chiếm 42% sản lượng của nhà máy.

Ngoài ra, hai công ty DMC và PVBuilding bán trao tay ngay cho OPEC với lượng hàng tối thiểu là 2.500 tấn/tháng.

Điều này có nghĩa, tổng lượng hàng OPEC mua trực tiếp và gián tiếp lên tới 8.600 tấn/tháng, chiếm gần 60% sản lượng của nhà máy lọc dầu Dung Quất.

Thế độc quyền gây khó khăn cho lọc dầu Dung Quất trong việc có điều chỉnh các khách hàng mới mở rộng thị trường tránh rủi ro. Các đối tác câu kết với nhau làm giá gây thiệt hại cho BSR về kinh tế và giảm sự chủ động trong sản xuất kinh doanh như hiện nay khi muốn bán cho đối tác khác để thực hiện các chủ trương kinh tế - chính trị.

“Thiệt đơn thiệt kép” vì cách lựa chọn đối tác

Theo báo Lao động, nói về các đối tác của BSR, có thể thấy nhiều vấn đề cần được cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ.

Việc mời hạn chế chỉ có 5 đối tác này đã vi phạm nguyên tắc cạnh tranh và quyền tự quyết của BSR, tạo nên nguy cơ thao túng thị trường, thiệt hại dễ nhận thấy nhất là sản phẩm của BSR bị giảm cạnh tranh và từ đó dẫn tới lợi ích của BSR bị xâm phạm.

Nghi hoặc càng bị đẩy cao về việc có hay không “cài cắm” doanh nghiệp “quân xanh” trong 5 đối tác của BSR khi 2 trong số 4 doanh nghiệp đã lập tức bán hàng trao tay để thu ăn chênh lệch cho Nhựa OPEC ngay tại xưởng PP của BSR.

Rõ ràng, 2 đơn vị này đã không đáp ứng được tiêu chí “nhà thầu đủ năng lực cho phân phối PP của BSR” bởi đối tác đã không những không tạo được giá trị gia tăng cho hệ thống phân phối, quảng bá sản phẩm của BSR mà còn tạo cơ hội cho Nhựa OPEC tăng tính độc quyền trong cung cấp nguồn hàng ra thị trường.

Trong khi đó BSR “bị qua mặt” mất trắng một phần lợi nhuận của lô hàng ngay trong xưởng sản xuất của chính mình khi bộc lộ rõ giá xác định chưa sát thị trường, nếu BSR bán thẳng còn có thể tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp .

Liên quan đến việc bán hạt nhựa PP của lọc dầu Dung Quất, theo thông tin trên báo Vietnamnet, Đoàn kiểm tra của PVN đã có đánh giá. Cụ thể, mặc dù quy chế và quy trình nội bộ liên quan đến việc bán sản phẩm PP là tương đối đầy đủ nhưng quá trình thực hiện thực tế không phù hợp với quy chế đã ban hành. Chưa thực hiện theo chỉ đạo của Tập đoàn Dầu khí về việc sửa đổi quy trình đấu giá.

Đặc biệt từ năm 2018, phương án bán sản phẩm PP mà BSR trình Tập đoàn để xem xét và phê duyệt đã không tuân thủ Quy chế kinh doanh sản phẩm của BSR. Do đó BSR cần phải xem xét lại tính khả thi và tính hiệu quả của các quy chế này.

Ngoài ra, do không có quy chế, quy trình nội bộ để thực hiện công tác đánh giá thị trường tiêu thụ và khách hàng nên trong quá trình triển khai dẫn tới việc các tiêu chí lựa chọn khách hàng tiêu thụ chưa thực sự phù hợp nên có thể dẫn tới hạn chế khách hàng tham gia tiêu thụ sản phẩm PP của Dung Quất hoặc chưa đảm bảo tính cạnh tranh, minh bạch khi xử lý tình huống, đặc biệt đối với các đơn vị là công ty con hoặc đơn vị trong ngành...

Do đó đoàn kiểm tra kiến nghị BSR cần rà soát lại việc xây dựng quy chế nội bộ để đảm bảo các quy chế nội bộ có tính áp dụng và khả thi trong quá trình thực hiện, đảm bảo hàng lang pháp lý cho việc tiêu thụ sản phẩm PP. Đồng thời Tập đoàn cần có đánh giá về tính cần thiết của việc quản lý tiêu thụ sản phẩm PP đối với BSR. Ngoài ra, BSR cần củng cố công tác pháp lý hợp đồng để đảm bảo hạn chế tối đa rủi ro cho BSR; củng cố công tác dự báo và đánh giá thị trường để đảm bảo có thể dự báo tốt hơn và sát hơn với biến động của thị trường từng loại sản phẩm.

Riêng đối với việc bán sản phẩm PP cho Công ty An Phát, đề nghị BSR có báo cáo tổng thể, chi tiết về toàn bộ sự việc với Tập đoàn và đề xuất phương án xử lý đảm bảo phù hợp với quy chế nội bộ của BSR và các quy định pháp luật hiện hành.

Ngọc Vy
Bình luận
vtcnews.vn