Thiệt đơn thiệt kép nếu cứ mù quáng coi công ty như gia đình

Ý kiếnThứ Bảy, 02/07/2022 06:55:00 +07:00
(VTC News) -

Coi công ty như gia đình là sai lầm tai hại nhất của người lao động, không chỉ khiến họ thiệt đơn thiệt kép mà còn dễ tổn thương bởi cảm giác bị phản bội.

Tôi rất đồng tình với tác giả bài viết "Coi công ty như gia đình là lời phỉnh phờ chỉ có lợi cho các sếp". Rất tiếc là thông điệp này vẫn luôn được nhiều doanh nghiệp sử dụng để kích thích sự hăng say cống hiến, kêu gọi lòng trung thành và gắn bó của các nhân viên đối với công ty. Thông điệp này tỏ ra hiệu quả đối với các nhân viên trẻ nhiều nhiệt huyết, và cũng từng khiến rất nhiều người thất vọng, cảm thấy niềm tin và tình cảm của mình bị phản bội.

Lòng nhiệt thành của họ và "cái bánh vẽ" của sếp tạo nên sự gắn kết, đồng lòng đồng sức để đưa doanh nghiệp vượt qua khó khăn để lớn mạnh thêm, nhưng dần dần những điều không ổn sẽ phát lộ và ngày càng rõ rệt. Sẽ đến lúc người lao động nhận ra, nếu coi "công ty như gia đình, sếp và nhân viên như anh em một nhà" thì khi cần một bên nào đó chịu thiệt thòi, hy sinh, phần đắng chát này luôn bị đẩy cho họ. 

Có rất nhiều tác hại khi chúng ta coi công ty là gia đình. Thứ nhất, sẽ không có sự rạch ròi về quyền lợi và nghĩa vụ giữa công ty và người lao động. Chuyện này giống như một nàng dâu phụ mẹ chồng bán bún vậy. Cô ấy làm việc quần quật gấp mấy lần nhân viên phục vụ thuê ngoài và cả ô sin, làm cho gia đình mà, đương nhiên phải tận tâm tận sức. Thế nhưng làm sao cô ấy có thể đòi tính công sá rạch ròi được. Nếu nàng dâu dám làm thế, mẹ chồng và những người khác sẽ nhìn cô như một kẻ không ra gì.

Ở công ty cũng vậy, nhân viên sẽ ngần ngại, khó mở lời với sếp khi muốn đòi hỏi những quyền lợi mà họ đáng được hưởng. Nếu đề cập, họ cũng dễ buông xuôi khi sếp không đáp ứng mà thay bằng một lời hứa suông với giọng điệu người anh cả trong nhà. Thật khó mà đòi tăng lương, tăng thưởng nếu sếp không tự nguyện làm thế.

Thiệt đơn thiệt kép nếu cứ mù quáng coi công ty như gia đình - 1

(Ảnh minh họa)

Thứ hai, với tinh thần coi công ty như gia đình, bạn sẽ luôn phải trung thành và toàn tâm toàn ý với nó, và rất dễ dẫn đến "bỏ quên" gia đình thật sự của mình. Trong khi đó, công ty lại không có nghĩa vụ phải trung thành hay hết lòng với bạn. Khi công ty khó khăn, bạn sẽ phải chia sẻ bằng việc nỗ lực nhiều hơn trong khi lương, thưởng giảm; còn công ty dễ dàng sa thải bạn nếu tình hình tài chính buộc lãnh đạo phải giảm biên chế. Thế là bạn bị đuổi ra khỏi "gia đình", tổn thương và thất vọng vì cảm giác bị phản bội.

Thứ ba, bạn sẽ bỏ lỡ rất nhiều cơ hội phát triển bản thân, cơ hội có vị trí và mức lương tốt hơn ở một công ty khác, chỉ vì bạn nghĩ chỗ làm hiện tại là gia đình mình và mình cần chung thủy, chung lưng đấu cật với nó. Bạn nhận được rất nhiều lời mời hấp dẫn từ các nhà tuyển dụng, cũng suy nghĩ, cân nhắc rất nhiều nhưng rồi lại cảm thấy day dứt, có lỗi nếu rời đi, cảm thấy nếu bỏ tới chỗ tốt hơn là tham vàng phụ ngãi, là không có tình nghĩa. Nhưng công ty lại không thể cư xử tình nghĩa với bạn nếu điều đó đi ngược lại lợi ích của nó. 

Vì thế, đừng bao giờ thực sự coi công ty là gia đình, dù rằng làm ở đâu cũng cần nỗ lực, hết mình mới mong có thành tựu và được đãi ngộ tốt. Điều quan trọng là bạn phải rạch ròi trong tư tưởng, xác định được vị trí của công việc, công sở và những mối quan hệ riêng tư. Nếu không, khi nhận về những thua thiệt và tổn thương, bạn không thể trách ai ngoài chính mình.

(*) Ý kiến độc giả không nhất thiết trùng với quan điểm của VTC News.

Bạn có đồng tình với ý kiến trên? Hãy chia sẻ quan điểm của bạn ở box bình luận bên dưới.

Hải Anh
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp