Thiên vị tại SEA Games: Thượng đế cũng phải... khóc

Thể thaoChủ Nhật, 22/12/2013 07:00:00 +07:00

(VTC News) – Thiên vị chủ nhà đã gần như trở thành “truyền thống” ở mỗi kì SEA Games. Và chính điều này đã khiến sức hấp dẫn của kì Đại hội này ngày càng giảm.

(VTC News) – Thiên vị chủ nhà đã gần như trở thành “truyền thống” ở mỗi kì SEA Games.

Có lẽ, nếu Thượng đế được chứng kiến những màn thiên vị trắng trợn càng ngày càng “lộng hành” ở SEA Games 27 thì chắc chắn Ngài sẽ phải… phát khóc. Bởi ở đây, ngay cả những VĐV đẳng cấp Olympic cho đến nhà đương kim vô địch Thế giới cũng phải gục ngã.
Bụt chắc cũng không dám hỏi Quỳnh "vì sao con khóc?" 
Olympic, Thế giới đều thua SEA Games
Do thể hình, thể trạng không thật sự nổi trội lẫn lịch sử phát triển đầy biến động, Đông Nam Á luôn bị coi là “vùng trũng” của thể thao Thế giới, đặc biệt là ở những môn cơ bản Olympic như điền kinh, bơi lội, thể dục dụng cụ… Ngay cả ở Asiad – kì Đại hội thể thao châu Á, điều trên vẫn đúng. 
Chính vì thế, bất cứ một VĐV nào chỉ cần đạt đủ tiêu chuẩn để tham dự Oympic hay từng đoạt huy chương ở ASIAD đều được luôn được coi “đẳng cấp vượt trội” so với các đồng nghiệp ở Đông Nam Á. Điều này cũng tương tự như với những nhà vô địch Thế giới xuất thân từ vùng Đông Nam Á.
Ấy thế mà, những VĐV đạt đẳng cấp Olympic hoặc đang là đương kim vô địch Thế giới (tính trong năm 2013) đều phải thảm bại và khóc hận trong nỗi uất ức khó diễn tả thành lời trên sàn đấu ở SEA Games.
... bởi Bụt không phải là trọng tài 
Đầu tiên phải kể đến là trường hợp của Nguyễn Thị Thanh Phúc ở nội dung đi bộ 20km nữ. Thanh Phúc hiện đang là đương kim Á quân châu Á, đủ tiêu chuẩn tham dự Olympic 2008 và dường như không có đối thủ ở Đông Nam Á. Thế nhưng, từng đó chưa đủ để Phúc chiến thắng VĐV Myanmar vốn chẳng ai biết tên và đành chấp nhận chiếc HCV trong nước mắt khi đối thủ sử dụng công phu "chạy bộ". 
Trường hợp thứ hai, ở môn Muay Thái, Việt Nam có hai nhà ĐKVĐ Thế giới năm 2013 là Nguyễn Trần Duy Nhất và Bùi Thị Quỳnh. Cả hai đã chứng tỏ được sự vượt trội của mình bằng những chiến thắng chẻ tre để tiến vào trận bán kết (Nhất) và chung kết (Quỳnh). Tuy nhiên cả hai bị trọng tài xử thua một cách hết sức vô lí, bởi, Nhất và Quỳnh đều đã “đánh cho nhừ tử” đối phương, thậm chí còn khiến đối thủ khiếp hãi, chỉ còn biết chạy quanh sân để tránh bị ăn đòn thêm.

Hai nhà vô địch thế giới thất bại ở SEA Games
 Hai nhà vô địch thế giới thất bại tức tưởi ở SEA Games 27

Ở những trường hợp khác, đáng kể đến là ở môn thể hình, hai VĐV đẳng cấp thế giới, lần lượt là đương kim Á quân và Quán quân Thế giới Phạm Văn Mách và Nguyễn Anh Thông chỉ có thể giành HCĐ và HCB. 
Đặc biệt là ở bài thi biểu diễn của Phạm Văn Mách, nhạc nền biểu diễn chẳng những bị phát chậm mà còn sai với bản Mách đã chọn khiến anh biểu diễn không thực sự thoải mái. Chỉ chờ có thế, Ban trọng tài đã đủ lí do gạt anh khỏi vị trí đứng đầu.
... và Bụt càng không phải là máy tính 
Không trọng tài cũng… máy tính
Những trường hợp phải khóc hận trên bục trao huy chương được nêu ở trên chỉ là một vài ví dụ điển hình nhất mà các VĐV Việt Nam phải hứng chịu. Dẫu biết, trọng tài thiên vị là điều hoàn toàn có thể hiểu được, bởi con người thì nhiều khi sai sót là điều không thể tránh khỏi, 
Nhưng đến cả máy tính vốn vô tâm, vô cảm cũng thiên vị thì chắc Thượng đế cũng phải ôm đầu, gục ngã trong sự uất ức.

Trong trận bán kết giữa nhà đương kim vô địch SEA Games 2011 hạng cân 81kg nam - Lương Quốc Toản với đối thủ Kistianus của Indonesia, võ sỹ của Việt Nam khiến đối thủ phải tối tăm mặt mũi với những cú ra đòn uy lực. Tuy nhiên, kết quả cuối cùng người giành chiến thắng chung cuộc lại là võ sỹ của Xứ sở vạn đảo. 
Bức xúc vì kết quả bất công, lãnh đội boxing Việt Nam – ông Vũ Đức Thịnh chạy từ khán đài xuống bàn ban tổ chức để kiến nghị. Bất ngờ hơn khi ông Thịnh được Tổng thư ký Liên đoàn Boxing Đông Nam Á trả lời: “3 trên 5 trọng tài đã chấm cho võ sĩ Việt Nam thắng, nhưng máy chấm kết quả lại chọn 3 người trong đó 2 trọng tài cho võ sĩ Indonesia thắng nên mới có kết quả 2-1”.
Đến khi nào SEA Games mới hết thiên vị chủ nhà, trọng tài xử ép...? 
Đúng là không ở đâu mà thiên vị, sự bất công trong thể thao lại lộ liễu, trắng trợn như ở SEA Games. Và nếu các VĐV có là Thượng đế chắc hẳn cũng có lúc ôm mặt bật khóc. Bằng không, hãy chuyển đổi quốc tịch hai năm một lần tương ứng với quốc gia đăng cai, cơ hội giành HCV sẽ rộng mở. Điều này là bất khả thi. Thế nên, nếu SEA Games cứ tổ chức như thế này, chúng ta sẽ còn chứng kiến thêm biết bao mồ hôi, công sức, tiền bạc trôi theo những giọt nước mắt cay đắng.
Đôi khi giá trị của những chiếc HCV SEA Games lại buồn như thế.

Hoàng Tùng
Bình luận
vtcnews.vn