Trường Đại học Giao thông Vận tải ươm mầm những tài năng trẻ

Sản phẩmThứ Sáu, 20/04/2018 07:31:00 +07:00

Sáng 20/4, tại Trường Đại học Giao thông Vận tải Hà Nội, Hội nghị Tổng kết Nghiên cứu Khoa học của sinh viên năm học 2017 – 2018 đã diễn ra, quy tụ nhiều sản phẩm, kết quả nghiên cứu khoa học xuất sắc của sinh viên trong trường.

Đây là hoạt động thường niên của Trường Đại học Giao thông Vận tải nhằm phát huy sự năng động, sáng tạo trong tiếp cận khoa học và tìm ra các giải pháp công nghệ phù hợp với thực tiễn của sinh viên, từ đó có thể cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực khoa học công nghệ.

Hoạt động là cơ hội cho các sinh viên áp dụng kiến thức vào thực tế, có thể làm nghiên cứu khoa học ngay khi vẫn còn ngồi trên ghế nhà trường và phát triển ước mơ, hòa bão trở thành những cán bộ khoa học trong tương lai.

anh1 (1)

PGS.TS Nguyễn Duy Việt – Phó hiệu trưởng nhà trường phát biểu tại hội nghị.

Một trong những đề tài đạt giải xuất sắc là đề tài của nhóm sinh viên do thầy giáo Chu Tiến Dũng, giảng viên Bộ môn Vật lý, Khoa Khoa học Cơ bản, Trường Đại học Giao thông Vận tải hướng dẫn nghiên cứu.

Đề tài với tên gọi “Tìm hiểu vật liệu Nano Composit từ tính – bán dẫn và khả năng xử lí Xanh Methylene” thu hút nhiều sự quan tâm tại Hội nghị. Nhóm thiết kế xây dựng mô hình xử lí nước ô nhiễm tách lọc bằng từ trường của hệ thống nam châm điện. Mô hình này kết hợp với các hạt nano Fe3O4-ZnO hứa hẹn mang lại khả năng xử lí triệt để chất ô nhiễm trong nước thải trong tương lai gần.

Để đạt được thành quả này, thầy Dũng cho biết: “Lãnh đạo Nhà trường đã rất quan tâm đến hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên, tạo điều kiện cơ sở vật chất, hỗ trợ kinh phí, giúp đỡ và động viên tinh thần để sinh viên thực hiện tốt nhất đề tài nghiên cứu khoa học”.

Theo đó, năm học 2017 – 2018, Nhà trường đã triển khai thực hiện 614 đề tài từ tất cả các khoa và phân hiệu tại TP.HCM. Các đề tài xuất phát từ ý tưởng của sinh viên hoặc những vấn đề nhánh trong các đề tài nghiên cứu khoa học các cấp của giảng viên.

anh2 (1)

PGS.TS Nguyễn Duy Tiến -  Phó trưởng phòng Khoa học công nghệ của Trường đang trao đổi hoạt động nghiên cứu KH&CN cùng sinh viên.

Nét nổi bật của công tác sinh viên nghiên cứu khoa học năm nay là số lượng các đề tài tập trung theo các định hướng giảng dạy và nghiên cứu của Trường, Khoa được duy trì ổn định, thu hút sự tham gia hướng dẫn của nhiều giảng viên trẻ.

Nhiều đề tài có ý nghĩa thực tiễn lớn, đóng góp giải quyết những vấn đề trong lĩnh vực quản lý và xây dựng, sửa chữa công trình giao thông; định hướng phát triển giao thông vận tải, bảo vệ môi trường, an toàn giao thông; cơ khí hóa giao thông, những vấn đề ứng dụng công nghệ thông tin, điện – điện tử trong giao thông vận tải, cơ sở hạ tầng…

PGS.TS Nguyễn Duy Tiến, Phó trưởng phòng Khoa học công nghệ của Trường cho biết: “Đây là năm thứ 33 nhà trường tổ chức hoạt động này, Trường luôn chú trọng và hỗ trợ tối đa cho các nghiên cứu và triển khai ứng dụng thực tiễn của sinh viên như hỗ trợ kinh phí thực hiện đề tài cao, có những hình thức khen thưởng kịp thời để khích lệ các em, hỗ trợ các đề tài phối hợp giữa sinh viên – giảng viên từ cấp trường lồng ghép lên cấp cơ sở, cấp bộ…”

anh3 (1) 4

PGS.TS Nguyễn Thanh Sang – Trưởng Bộ môn Vật liệu Xây dựng – Khoa Kỹ thuật Xây dựng – Trường ĐH Giao thông Vận tải cùng nhóm SV nghiên cứu.

Đề tài “Nghiên cứu ảnh hưởng của hàm lượng xỉ lò cao nghiền mịn thay thế một phần xi măng trong tổ hợp chất kết dính ba thành phần đến độ bền của Bê tông cát” cũng là một trong những đề tài được nhận giải xuất sắc trong Hội nghị tổng kết kỳ này.

Là giảng viên hướng dẫn nhóm nghiên cứu, PGS.TS Nguyễn Thanh Sang – Trưởng Bộ môn Vật liệu Xây dựng – Khoa Kỹ thuật Xây dựng cho biết:

“Các em đều là những người đam mê, tài năng, cho nên ngay từ khi bắt đầu nhận đề tài, tất cả đều miệt mài hăng say. Có đêm, các em còn ngủ lại phòng thí nghiệm để sáng tạo, đưa ra nhiều ý tưởng. Đề tài nghiên cứu có tính ứng dụng thực tiễn cao bởi nó xuất phát từ thực tế.

Video: Kết nối chuyển giao công nghệ

Nguyên liệu nghiên cứu và sản xuất được sử dụng hoàn toàn từ các nguồn nguyên liệu trong nước: Cát nghiền, cát nhiễm mặn và các loại phụ phẩm thải loại như tro bay, tro thải từ nhà máy nhiệt điện, xỉ gang thép…Sản phẩm nghiên cứu mang tính thân thiện với môi trường và là một trong những sản phẩm thuộc nhóm Bê tông sinh thái đang rất được quan tâm hiện nay”

Tại hội nghị, đã có 42 giải nhất, 78 giải nhì, 99 giải ba và 41 giải khuyến khích được trao cho các nhóm nghiên cứu tại cơ sở Hà Nội.

Phan Minh
Bình luận
vtcnews.vn