Phương pháp mới cấy lúa hàng biên

Sản phẩmThứ Ba, 18/07/2017 15:19:00 +07:00

Đây là phương pháp cấy một hàng sông hẹp cách nhau khoảng 15cm, tiếp đó cấy một hàng sông rộng cách nhau khoảng 40cm, khóm cách khóm khoảng 15cm, trung bình khoảng 13 – 16 khóm/m2.

anh8

Người nông dân ứng dụng phương pháp cấy lúa hàng biên (Ảnh minh họa) 

Được biết, đây là sáng chế của KS Chu Văn Tiệp. Sáng chế này ngay từ đầu đã được GS. TS Vũ Hoan - Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Hà Nội, TS Nguyễn Văn Biếu - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội các ngành sinh học Hà Nội giúp đỡ nhân rộng và phổ biến, tập huấn chuyển giao cho nhiều địa phương trên cả nước.

Điểm đặc thù của phương pháp cấy lúa hiệu ứng hàng biên là biến mọi khóm lúa trong ruộng đều thành khóm ven bờ, mỗi m2 chỉ cấy 8-16 khóm tùy đặc điểm riêng của giống về chiều cao, dạng hình tán lá, sức đẻ nhánh… thay vì cấy 40-50 khóm theo các phương pháp thông thường. Cứ hai hàng lúa cách nhau 18-25 cm cách nhau một khoảng trống rộng 38-65cm.

Phương pháp này phát huy được hiệu ứng hàng biên giữa 2 hàng sông rộng, ánh sáng được chiếu trực tiếp vào gốc, thân lúa, kích thích lúa phát triển nhanh, đẻ sớm và ít sâu bệnh.

Phương pháp này được cấp bằng độc quyền sáng chế tháng 9/2015, được trao Giải thưởng Vifotec năm 2015. Tại Hội chợ triển lãm Khoa học và Công nghệ quốc tế được tổ chức ở Hàn Quốc năm 2016, phương pháp cấy lúa hiệu ứng hàng biên đã được Hàn Quốc trao huy chương đồng và Thái Lan trao huy chương vàng.

Phương pháp cấy lúa hiệu ứng hàng biên đã được hàng nghìn hộ nông dân tại 20 địa phương (như Vĩnh Phúc, Thái Bình, Hà Nam, Hà Nội, Hải Phòng…) ứng dụng trên diện tích hàng vạn hécta.

Kết quả cho thấy, nhờ phương pháp cấy giúp tận dụng quy luật hiệu ứng hàng biên tối ưu và quy luật sức tạo bông tối ưu/khóm này, nông dân giảm được ít nhất 1/3 chi phí công lao động, giống, thuốc trừ sâu bệnh, phân bón nhưng tăng được 10-20% năng suất do cây lúa sử dụng ánh sáng cho quang hợp triệt để hơn, bộ rễ phát triển tốt hơn, đẻ khỏe, ít sâu bệnh, giảm tiêu tốn nước, giảm phát thải khí nhà kính, tăng cường hệ vi sinh vật đất có ích, khôi phục dần hệ sinh thái môi trường đất ruộng lúa… Chi phí làm ra 1kg thóc giảm 500 - 2.000 đồng so với các cách cấy khác, sản phẩm gạo làm ra sạch hơn.

Lệ Chi
Bình luận
vtcnews.vn