Thị trường tuần qua: Chao đảo vì 'bom nợ' Evergrande, đường bay nội sắp mở cửa

Thị trườngThứ Bảy, 25/09/2021 07:47:00 +07:00
(VTC News) -

Tài chính thế giới chao đảo vì Evergrande, Phú Quốc lùi thời gian đón khách quốc tế, đường bay nội địa sắp mở cửa... là tin thị trường nổi bật tuần qua 17/9 - 24/9.

“Bom nợ” Evergrande chực nổ, cổ đông tháo chạy

Evergrande (Tập đoàn Hằng Đại), từng tuyên bố có 1.300 dự án nhà ở tại hơn 280 thành phố của Trung Quốc, đang ôm cục nợ hơn 300 tỉ USD chưa biết xoay xở ra sao. Nếu nó sụp đổ, hàng triệu người mua nhà trả trước và các nhà thầu nhỏ sẽ chết đứng.

Hố nợ của Evergrande đã làm rung chuyển thị trường toàn cầu. Giới kinh tế cảnh báo rằng sự sụp đổ của Evergrande có thể trở thành "thời khắc Lehman" của Trung Quốc - ám chỉ sự phá sản của ngân hàng Lehman Brothers đã gây ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Sự kiện này ngay lập tức gây áp lực giảm lớn tới các chỉ số chính của Phố Wall: Dow Jones mất hơn 600 điểm trong phiên giao dịch 20/9. Thị trường chứng khoán Hong Kong, châu Âu cũng giảm mạnh.

Tuy nhiên, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã xoa dịu tình hình bằng cách bơm ròng 4 lần với 300 tỉ NDT (46 tỉ USD).

Tại Việt Nam, giới đầu tư chứng khoán cũng lo lắng về tác động của sự kiện này, khiến chỉ số VN-Index đi xuống. Giới chuyên gia nhận định Evergrande tuy không tác động dây chuyền tới Việt Nam nhưng cần cảnh giác với những rủi ro tiềm ẩn khi DN phát hành trái phiếu, đặc biệt trong BĐS.

Thị trường tuần qua: Chao đảo vì 'bom nợ' Evergrande, đường bay nội sắp mở cửa - 1

Thị trường tài chính, bất động sản thế giới chao đảo vì nguy cơ Evergrande vỡ nợ.

Loạt group chứng khoán "khủng" bỗng dưng biến mất

Một, hai ngày gần đây, các group chứng khoán lâu đời và có số lượng thành viên đông đảo đột nhiên biến mất khỏi mạng xã hội Facebook. Nguyên nhân được cho là có thể do chiến dịch truy quét nội dung đang được Facebook thực hiện. 

Thực trạng này khiến nhiều nhà đầu tư lo lắng. Vì ngoài là nơi trao đổi giữa các nhà đầu tư, các nhóm chứng khoán trên còn là "địa bàn" được nhiều nhân viên môi giới của các công ty chứng khoán tìm kiếm khách hàng.

Theo giá thị trường, với quy mô đến hàng trăm ngàn thành viên, mỗi nhóm này có giá thị trường từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng.

Loạt cổ phiếu bị bán tháo mạnh sau nghi vấn thao túng

Trong phiên giao dịch 23/9, nhiều cổ phiếu liên quan đến Louis Capital bị bán tháo mạnh. 

Đáng chú ý, sự việc trên diễn ra trong bối cảnh nhiều nhà đầu tư nghi vấn các cổ phiếu này đã bị thao túng, "thổi giá". Bởi chỉ từ mốc 1.000 - 3.000 đồng, nhiều cổ phiếu trong nhóm đã trải qua hàng chục phiên tăng trần, giá tăng đến hàng trăm %.

Chẳng hạn từ mức giá 11.900 đồng vào phiên đầu tháng 8, cổ phiếu TGG của Louis Capital giờ đã đạt đỉnh 74.800 đồng. Trong vòng một quý gần đây, mã chứng khoán này biến động giá tăng hơn 900%. Nếu xét từ đầu năm nay, cổ phiếu TGG chỉ có giá quanh mốc 1.120 đồng, tức đến nay có biến động tăng hơn 5.800%.

Xoay quanh nghi vấn thao túng giá, Louis Capital khẳng định: "Không thực hiện bất kỳ hành vi nào để tác động về giá cổ phiếu cũng như thao túng thị trường chứng khoán".

Phú Quốc lùi thời gian đón du khách quốc tế, Quảng Nam xin được thí điểm

Theo kế hoạch, Phú Quốc sẽ thí điểm đón khách du lịch quốc tế trong vòng 6 tháng, kể từ đầu tháng 10. Nhưng kế hoạch này chỉ được thực hiện sau khi người dân và người lao động tại TP. Phú Quốc được tiêm đủ liều vaccine, trong khi thực tế tỷ lệ này vẫn chưa đạt yêu cầu. Trong khi đó, tính đến trưa 23/9, Phú Quốc đã có 62 ca F0. 

Trước diễn biến mới, Phú Quốc sẽ lùi thời điểm đón du khách đến cuối tháng 11 hoặc đầu tháng 12.

Trong khi đó, tỉnh Quảng Nam mới đây lại có kiến nghị xin đón khách du lịch quốc tế đến Hội An. Giám đốc Sở VHTTDL Quảng Nam Nguyễn Thanh Hồng cho biết, nếu thí điểm ở Phú Quốc thành công, địa phương đang chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để đón khách đến Hội An theo mô hình chuyến bay charter, hộ chiếu vaccine.

Trước mắt, Quảng Nam sẽ đón khách du lịch nội địa từ tỉnh, thành phố kiểm soát được dịch COVID-19 và du khách tiêm đủ 2 liều vaccine.

Thị trường tuần qua: Chao đảo vì 'bom nợ' Evergrande, đường bay nội sắp mở cửa - 2

Phú Quốc lùi thời gian đón thí điểm du khách quốc tế. 

"Nóng" cuộc đua bay thẳng Việt - Mỹ

Vietnam Airlines vừa hoàn thành toàn bộ tài liệu và công tác chuẩn bị để Cục An ninh Vận tải Mỹ (TSA) xem xét phê chuẩn, trên cơ sở đó Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) sẽ cấp phép cho hãng khai thác các chuyến bay thẳng thường lệ giữa Việt Nam và Mỹ. VNA tự tin sẽ trở thành hãng hàng không Việt đầu tiên được cấp phép bay thẳng thường lệ đến Mỹ - quốc gia có hàng rào, thủ tục pháp lý và an ninh hàng không khắt khe bậc nhất thế giới.

Trong khi đó, ngày 21/9, tại New York, Mỹ, hãng hàng không Bamboo Airways công bố đường bay thẳng Việt - Mỹ và ra mắt Aviaworld (liên doanh của Aviareps AG) với vai trò Tổng đại lý chính thức của hãng tại thị trường Mỹ. Bamboo Airways xác định đây là thời điểm thích hợp để đẩy mạnh, thực hiện những bước tiến mới nhằm mở đường bay thẳng thương mại thường lệ đầu tiên giữa Việt - Mỹ của Bamboo Airways.

Masan bất ngờ rót vốn vào mạng di động ảo

Công ty TNHH The Sherpa - thuộc Tập đoàn Masan vừa công bố hoàn tất mua lại 70% cổ phần của Công ty Cổ phần Mobicast với tổng giá trị tiền mặt là 295,5 tỷ đồng, mở đầu sang lĩnh vực viễn thông. Đây là một start-up trong lĩnh vực mạng di động ảo (MVNO), sở hữu thương hiệu mạng Reddi tích hợp hoàn chỉnh các dịch vụ viễn thông.

Việc mở rộng sang lĩnh vực viễn thông được xem là bước đầu để Masan số hóa hệ sinh thái tiêu dùng “Point of Life” để xây dựng hệ sinh thái sản phẩm, dịch vụ tích hợp xuyên suốt từ offline đến online, thông qua kết hợp với cơ sở dữ liệu khách hàng của Reddi.

Reddi là MVNO đầu tiên tại Việt Nam đầu tư xây dựng nền tảng E-MVNO hoàn chỉnh, Reddi cung cấp cho khách hàng trải nghiệm trực tuyến và hướng đến chuyển đổi thành siêu ứng dụng dựa trên dịch vụ cốt lõi là dịch vụ di động.

Start-up này sẽ được tiếp cận độc quyền đến tập khách hàng của Masan thông qua các điểm bán trực tiếp và trực tuyến trên toàn quốc. 

Vietnam Airlines phát hành gần 800 triệu cổ phiếu

Vietnam Airlines đã chào bán 800 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu từ ngày 5/8 đến 14/9, tương ứng số tiền thu được là hơn 7,6 tỷ đồng.

Sau khi hoàn thành đợt phát hành cổ phiếu này, vốn điều lệ của Vietnam Airlines tăng lên 22.143 tỷ đồng, tương đương gần 1 tỷ USD. Các cổ đông lớn nhất của Vietnam Airlines với tỷ lệ sở hữu tương ứng là Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (55,20%), Tổng công ty Đầu tư Kinh doanh vốn Nhà nước (31,14%) và Tập đoàn ANA (5,62%).

Trước đó, vào tháng 7 vừa qua, Đại hội cổ đông thường niên năm 2021 của Vietnam Airlines đã thông qua phương án phát hành thêm cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ với quy mô 8.000 tỷ đồng.

Chuẩn bị khai thác trở lại đường bay nội địa

Bộ GTVT đang lấy ý kiến dự thảo kế hoạch tổ chức hoạt động vận tải hành khách trong thời gian các địa phương nới lỏng giãn cách. Trong đó, chuẩn bị phương án mở lại các chuyến bay chở khách trên toàn quốc.

Về điều kiện đối với người điều khiển phương tiện (tổ bay) và nhân viên hàng không khác tham gia dây chuyền phục vụ chuyến bay, Bộ GTVT yêu cầu: Đã được tiêm tối thiểu 1 mũi vaccine phòng COVID-19 ít nhất sau 14 ngày (tính từ ngày tiêm). Tổ bay có Giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2.

Đối với hành khách, có 2 phương án được đề xuất. Phương án 1, hành khách phải thực hiện nghiêm “Nguyên tắc 5K” và quy định phòng, chống dịch của Bộ Y tế.

Phương án 2, ngoài việc thực hiện nghiêm “Nguyên tắc 5K”, hành khách phải đáp ứng một trong các tiêu chí: Đã tiêm đủ liều vaccine trong đó liều cuối cùng đã được tiêm ít nhất 14 ngày và không quá 12 tháng tính đến thời điểm đi trên phương tiện, có chứng nhận tiêm chủng trên Sổ sức khỏe điện tử hoặc Giấy chứng nhận tiêm chủng đủ liều của cơ sở tiêm chủng.

CÔNG HIẾU
Bình luận
vtcnews.vn