Thị trường Trung Quốc ‘hắt hơi’, nông sản Việt điêu đứng: Lại lộ ‘tử huyệt’ vì virus corona

Kinh tếThứ Ba, 04/02/2020 07:19:00 +07:00
(VTC News) -

Dịch viêm phổi do virus corona bùng phát và lan nhanh buộc Trung Quốc phải đóng cửa biên giới khiến nông sản Việt lại thêm lần nữa nhận “quả đắng”.

Nhiều chuyên gia nhận định, xuất khẩu nông sản Việt Nam đang phụ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc. Trong những kịch bản có sự tổn thương về thương mại giữa hai quốc gia, có thể thấy Việt Nam luôn chịu ảnh hưởng nặng nề hơn.

Nông sản Việt nhận “quả đắng” vì corona

Trung Quốc là thị trường tiêu thụ nông sản lớn nhất của Việt Nam. Khi dịch viêm phổi do virus corona bùng phát, buộc Trung Quốc phải đóng cửa biên giới, hoạt động xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc gần như “tê liệt”.

Chia sẻ với VTC News, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Long An - nơi có diện tích trồng thanh long lớn nhất miền Tây – cho biết, hiện sản lượng thanh long tồn kho khoảng 1.900 tấn. Dự báo sản lượng thanh long thu hoạch toàn tỉnh (từ 28/1 đến 13/2) ước tính khoảng 63.000 tấn. Nếu hoạt động xuất khẩu gặp khó khăn, số thanh long này chưa biết tiêu thụ đi đâu.

Thị trường Trung Quốc ‘hắt hơi’, nông sản Việt điêu đứng: Lại lộ ‘tử huyệt’ vì virus corona - 1

Anh Nguyễn Thanh Hải (40 tuổi, huyện Châu Thành) lo lắng trước việc vườn thanh long đến kỳ thu hoạch nhưng bán không ai mua. (Ảnh: Thanh Tiến)

Trong khi đó, nhiều nông dân trồng thanh long tại huyện Châu Thành (Long An) cho biết, trước Tết, nhiều thương lái vào tận vườn đặt cọc trước với giá từ 30.000 - 37.000 đồng/kg. Thế nhưng hiện tại không ít trường hợp chấp nhận bỏ cọc, không thu mua.

Ông Trần Anh Kiệt (52 tuổi, huyện Châu Thành) cho biết, vườn thanh long sắp tới ngày thu hoạch song chưa biết bán cho ai. “Nhiều khi chán muốn bỏ luôn cho rồi. Trái chín mà để lâu không bán được cũng tự động nứt rồi hỏng. Còn bán với giá mấy ngàn một kg không đủ tiền xông đèn với thuê nhân công hái nữa”, ông Kiệt than.

Ngồi thất thần bên vườn thanh long đang chín đỏ, anh Nguyễn Thanh Hải (40 tuổi, huyện Châu Thành) cho hay cả tuần nay anh lo lắng đến mất ăn mất ngủ. Với giá thanh long thu mua trước Tết, anh Hải ước tính 5 công thanh long có thể thu về từ 100 đến 120 triệu đồng, nhưng với tình cảnh hiện nay anh gần như mất trắng.

Theo ông Huỳnh Thái Thanh, Chủ tịch Hội Nông dân xã An Lục Long (huyện Châu Thành), xã An Lục Long có 1.300 ha thanh long chủ yếu ruột đỏ, hiện khoảng 100 ha đang cho trái. Trước Tết, nhiều nông dân đã có hợp đồng với thương lái, nhưng do dịch bệnh nên các thương lái chấp nhận bỏ tiền cọc.

Ông Nguyễn Quốc Trịnh - Chủ tịch Hiệp hội thanh long Long An - cho biết tổ chức này đã họp lại công tác thu mua và thống nhất cố gắng mua hàng cho người dân với mức giá khoảng 10.000 đồng/kg. Tuy nhiên đây chỉ là phương án tạm thời, về lâu dài cần có giải pháp hữu hiệu để giải quyết dứt điểm.

Không chỉ thanh long, nhiều mặt hàng khác như dưa hấu, bí xanh, khoai lang, sầu riêng, xoài... giá đang lao dốc do việc ngừng thông quan các cửa khẩu với Trung Quốc đẩy nhiều nông dân vào cảnh gần như mất trắng. Nhiều xe hàng chở nông sản đến các cửa khẩu không qua được phải quay đầu hoặc đổ bỏ hàng vì hỏng.

Thị trường Trung Quốc ‘hắt hơi’, nông sản Việt điêu đứng: Lại lộ ‘tử huyệt’ vì virus corona - 2

Dưa hấu cũng đang gặp khó khăn về đầu ra do hàng không được xuất qua thị trường Trung Quốc. (Ảnh: Ngọc Khánh)

Theo ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn), Trung Quốc đang kéo dài kỳ nghỉ Tết Nguyên đán vì lo ngại dịch bệnh viêm phổi do virus corona. Nhiều doanh nghiệp nước này cũng cho cán bộ công nhân viên nghỉ đến hết Rằm tháng Giêng âm lịch (tức ngày 8/2 dương lịch).

Thực trạng này sẽ tác động mạnh đến hàng hóa nông sản của Việt Nam. Do hệ thống nhà hàng khách sạn của Trung Quốc giảm nhu cầu ăn uống nên sức mua giảm. Trong khi đó, trung tâm giao dịch nông sản Giang Nam (Quảng Tây) - đầu mối trung chuyển hàng hóa lớn nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc - hiện nghỉ giao dịch đến hết ngày 8/2.

Việc giao dịch các chợ biên giới vốn là phương thức giao dịch phổ biến của Việt Nam từ trước đến nay với hai tỉnh Quảng Tây, Vân Nam cũng hạn chế đến hết ngày 8/2. Do đó một số doanh nghiệp Trung Quốc nhập hàng nông sản của Việt Nam bị ảnh hưởng.

Rủi ro vì phụ thuộc thị trường Trung Quốc

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, tính đến trưa 31/1, số container chất đầy hoa quả nằm chờ tại bãi xe cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) lên tới 117 container đông lạnh, mỗi xe chở từ 13 - 18 tấn hoa quả. Hầu hết container quả đang nằm chờ tại biên giới do Việt Nam và Trung Quốc dừng giao thương hàng hóa để hạn chế dịch corona lây lan.

Ghi nhận thực tế hoạt động giao thương tại các cửa khẩu Tân Thanh, Hữu Nghị, Đồng Đăng, Chi Ma (Lạng Sơn) đình trệ, vắng lặng, khác hẳn khung cảnh tấp nập những năm trước. Ông Lê Văn Chất, Trạm trưởng Trạm kiểm soát biên phòng Tân Thanh, cho biết từ khi xuất hiện dịch corona, số lượng nông sản, hoa quả xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Tân Thanh những ngày qua giảm mạnh. “Những ngày nghỉ Tết, mỗi ngày bãi xe của khẩu Tân Thanh tiếp nhận khoảng 50 container hoa quả, chủ yếu là thanh long nằm chờ để xuất sang Trung Quốc, con số này chỉ bằng 1/10 lượng xe thông quan qua cửa khẩu Tân Thanh trước thời điểm nghỉ tết”, ông Chất nói.

Thị trường Trung Quốc ‘hắt hơi’, nông sản Việt điêu đứng: Lại lộ ‘tử huyệt’ vì virus corona - 3

PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá (Bộ Tài chính).

PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá (Bộ Tài chính) cho biết nông sản của Việt Nam đang lệ thuộc lớn vào thị trường tiêu thụ Trung Quốc. Trong bối cảnh dịch bệnh do virus corona bùng phát, Việt Nam và Trung Quốc tạm đóng cửa biên giới, hoạt động xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc cả tiểu ngạch lẫn chính ngạch có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

“Trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát, lan rộng và ngày càng nghiêm trọng, Trung Quốc đóng cửa thị trường, hàng nông sản của Việt Nam chắc chắn bị ảnh hưởng lớn. Nguyên nhân do nông sản, thủy sản là nhóm hàng xuất khẩu truyền thống của Việt Nam sang Trung Quốc, luôn chiếm tỷ trọng khoảng 20% trong tổng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này”, ông Long nói.

Theo TS Lê Đăng Doanh, nguyên là Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế trung ương, dịch viêm phổi do chủng mới của virus corona là một “tai nạn” đối với xuất khẩu mặt hàng nông sản của Việt Nam. “Đây là thách thức lớn cho xuất khẩu nông sản khi nhiều mặt hàng đang vào chính vụ, nhất là các mặt hàng chủ lực”, TS Lê Đăng Doanh cho biết.

Đáng chú ý, theo ông Doanh, vấn đề nông sản Việt phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc không phải là câu chuyện mới mà là một câu chuyện dài kỳ. Tuy nhiên, không hiểu vì sao đến thời điểm này, các mặt hàng nông sản của Việt Nam vẫn chưa thực sự tìm được hướng đi ổn định. “Thực tế này đặt ra những cảnh báo mới về vấn đề xuất khẩu nông sản qua Trung Quốc này cả tiểu ngạch cũng như chính ngạch của Việt Nam”, nguyên là Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế trung ương nói.

Thị trường Trung Quốc ‘hắt hơi’, nông sản Việt điêu đứng: Lại lộ ‘tử huyệt’ vì virus corona - 4

TS Lê Đăng Doanh, nguyên là Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế trung ương.

Theo PGS.TS Ngô Trí Long, việc trên 70% mặt hàng rau, quả của Việt Nam xuất khẩu qua Trung Quốc khiến ngành này và nền nông nghiệp Việt Nam nói chung đối mặt với nhiều rủi ro. Đã đến lúc chúng ta phải thay đổi phương cách tiếp thị thương mại và phát triển thị trường, nhất là với những sản phẩm Việt Nam coi là sản phẩm chiến lược.

“Thị trường xuất khẩu nông sản của Việt Nam cần được mở rộng, đa dạng để tránh phụ thuộc quá mức vào Trung Quốc. Bên cạnh đó, chúng ta cũng phải hiện đại hóa nền nông nghiệp, đẩy mạnh sự liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp, cơ sở nghiên cứu để tạo ra những sản phẩm chất lượng, phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế”, PGS.TS Ngô Trí Long nhìn nhận.

Chủ động ứng phó

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đánh giá nếu dịch viêm phổi do virus corona gây ra kéo dài, việc thông thương, đi lại tại các cửa khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc bị hạn chế thì chắc chắn lưu lượng hàng hóa thông qua các cửa khẩu sẽ bị ảnh hưởng.

Do đó các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp kinh doanh nông sản cần lường trước tình huống doanh nghiệp Trung Quốc không thể nhận hàng để có giải pháp thay đổi phương thức giao hàng, chuyển hướng xuất khẩu hoặc tiêu thụ trong nước cho phù hợp.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần bám sát tình hình, trao đổi thường xuyên với đối tác để nắm được những thay đổi phát sinh trong trường hợp bất khả kháng do dịch bệnh gây ra.

Các địa phương có đường biên giới với Trung Quốc cũng cần theo dõi chặt chẽ hoạt động giao thương của cư dân biên giới để đảm bảo có biện pháp quản lý đồng bộ với hoạt động thương mại thông qua các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu quốc gia.

Thanh Tiến - Hoàng Hưng
Bình luận
vtcnews.vn