Thị trường quà Tết thiếu nhi, hàng Trung Quốc “bao sân”

Kinh tếThứ Bảy, 21/05/2011 07:08:00 +07:00

(VTC News) - Mua quà gì cho bé vừa đẹp vừa an toàn vào dịp Tết thiếu nhi 1/6 là câu hỏi khiến nhiều phụ huynh đau đầu?

(VTC News) – Nhiều phụ huynh “đau đầu” vì không biết mua quà gì cho con vào dịp Tết thiếu nhi 1/6 khi mà “rừng” đồ chơi tràn lan nhưng không phải món đồ nào cũng phù hợp và an toàn.

Hàng Trung Quốc “bao sân”

Còn nửa tháng nữa mới tới Tết thiếu nhi 1/6 nhưng phố Lương Văn Can, Hàng Mã, chợ Đồng Xuân, Hà Nội – những khu được coi là “thủ phủ” đồ chơi trẻ em đã sẵn sàng phục vụ thượng đế “nhí”.

Chị Hằng, chủ một cửa hàng trên phố này cho hay: “Năm nay giá cả leo thang nên nhu cầu mua sắm cũng giảm hơn nhưng chúng tôi vẫn nhập hàng đều như năm ngoái vì… trẻ con vẫn được sinh ra”. Lý do của chị Hằng khá hài hước nhưng lại phản ánh đúng thực tế là không ông bố bà mẹ nào có thể dừng việc mua cho con một món quà vào ngày Tết dành riêng cho chúng.

Trong vai người đi mua quà cho tập thể, PV VTC News nhận được sự “hướng dẫn” nhiệt tình của các tiểu thương trên phố này. Có thể nói rằng đến 90% mặt hàng đều là hàng Trung Quốc, ngay cả những hàng được dán mác “made in Viet Nam” thì cũng chỉ là “nghi binh” với người tiêu dùng.

Hàng xuất xứ Trung Quốc vẫn tiếp tục "bao sân" thị trường đồ chơi trẻ em trong nước. 

Theo “mốt” của các em nhỏ hiện nay, nhà cung cấp đã có đủ các loại Robot trái cây, siêu nhân Benthen, búp bê Babie, búp bê thiên thần, quạt cầm tay… Giá các mặt hàng này được các tiểu thương “nhìn mặt đọc giá” với người mua hàng.

Chị bán hàng đon đả chào giá với chúng tôi: “Mua nhiều cho tập thể thì lấy giá bán buôn: Robot trái cây đúng giá 65.000đ/con, siêu nhân Benthen giá 80.000đ/bộ (3 siêu nhân), búp bê Babie loại nhỡ giá 70.000đ/bộ, búp bê thiên thần 120.000 đ/bộ (3 búp bê). Những hàng này, chị mà bán lẻ thì toàn hơn trăm nghìn cả đấy!”.

Ngay kế bên quầy đồ chơi của chị Hằng, cô Mai đang thoăn thoắt sắp xếp lại số hàng chủ yếu là rô bốt, siêu nhân và các loại quạt nhựa chạy bằng pin cầm tay cho trẻ em cho biết: Khắp khu phố này (Lương Văn Can - pv)  nếu muốn mua đồ chơi “hợp mốt thời thượng” của trẻ con hàng Việt Nam thì “không bói ra được đâu”, vì hàng do doanh nghiệp Việt sản xuất chủ yếu là mấy đồ chơi về trí tuệ bằng gỗ, nhựa; còn để hợp với thị hiếu của trẻ con bây giờ thì chỉ có hàng Trung Quốc bởi “họ nắm bắt nhu cầu rất nhanh, cứ phim ảnh hoạt hình nào ra mắt là sau đó ít lâu có luôn đồ chơi hình đó”.

Khảo sát thêm một số điểm bán hàng “Đồ chơi trí tuệ”, ghi nhận của chúng tôi cho thấy chất lượng hàng hóa từ bao bì sạch sẽ, rõ nét hơn; hàng đa số được làm bằng liệu gỗ và nhựa cứng với giá dao động từ 150.000đ – 400.000đ/bộ. Chủ hàng “chân tình” nói: “Hàng này anh đặt của các cơ sở sản xuất trong nước, toàn hàng Việt Nam chất lượng cao nên cứ yên tâm. Mua đồ chơi trí tuệ làm quà là đẳng cấp cao rồi đấy!”. Tuy nhiên, khi lật ngược xuôi mãi, chẳng tìm thấy nơi ghi đơn vị sản xuất đâu thì chủ hàng giải thích: “Cái vỏ cũ bị rách khi vận chuyển nên phải đóng mới bằng cái này, không có nhãn mác” (!?).

Không chỉ trên các phố, chợ trung tâm bán đồ chơi trẻ em mà kể cả các nhà sách, siêu thị, cửa hàng dành cho bé… vẫn tràn ngập đồ chơi xuất xứ Trung Quốc.

Đại diện một hiệu sách trên phố Tây Sơn (Đống Đa) cho biết nếu không nhập hàng Trung Quốc thì chẳng biết bán hàng gì. Đồ chơi trẻ em ở đây được lựa chọn kỹ hơn một chút như không có trò bạo lực, màu nhựa cũng sáng sủa hơn để tránh loại có độc cho trẻ em. Tất nhiên, việc lựa chọn này cũng theo “cảm quan” của người bán hàng mà thôi vì cũng không có bảng tiêu chuẩn nào được niêm yết để cả người mua và người bán phân biệt được.

Luôn bắt kịp xu hướng của trẻ em, màu sắc bắt mắt, giá rẻ là lợi thế cạnh tranh của hàng Trung Quốc so với hàng trong nước. 

Tại một cửa hàng dành cho mẹ và bé, gian đồ chơi trẻ em cũng được trưng bày gọn gàng, bắt mắt và chủ yếu là hàng chất lượng cao (!?). Các đồ chơi bằng gỗ, nhựa, theo chủ hàng trên phố Thái Hà thì đều là hàng nhập khẩu “xịn”. Tất nhiên, là hàng nhập khẩu từ… Trung Quốc là chính.

Chị Nam Lan, phụ huynh có con 3 tuổi đứng tần ngần trước quầy hàng đồ chơi: "Không biết phải chọn cái nào cho con vì quá nhiều mặt hàng, bắt mắt thì con thích nhưng mẹ lại sợ, an toàn mẹ thích thì con lại không ưng."

Mơ hồ tem chất lượng

Đã có một thời, báo chí gióng lên tiếng chuông cảnh báo về tình trạng đồ chơi trẻ em kém chất lượng, gây hại đến sức khỏe. Các cơ quan chức năng đã vào cuộc bằng việc ráo riết chặn nguồn hàng nhập lậu từ Trung Quốc, ra các chế tài xử phạt, quy định kiểm soát chất lượng… Tuy nhiên, dường như, mọi việc vẫn chỉ dừng lại ở mức “xử lý tình huống”.

Bộ Khoa học  & Công nghệ đã quy định, đồ chơi trẻ em được phép lưu thông trên thị trường phải qua chứng nhận hợp quy và có gắn tem CR. Theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6238 - 1: 1997 về An toàn đồ chơi trẻ em - yêu cầu phải ghi đầy đủ quy định về nhãn mác (tên nhãn hiệu, địa chỉ nhà sản xuất, đơn vị nhập khẩu,…) và hướng dẫn sử dụng cũng như lời cảnh báo thích hợp, đặc biệt đối với loại đồ chơi không được để cho trẻ em dưới 36 tháng tuổi sử dụng.


Trên thực tế, hầu hết các sản phẩm được bày bán trên thị trường hiện nay chưa dán tem CR. Không những thế, cả người bán và người mua đều mơ hồ khái niệm “tem CR là gì?”. Nói như chị Hằng – tiểu thương tại chợ Đồng Xuân, Hà Nội thì: “Chẳng biết cái CR là gì? Mà nếu buộc phải có cái tem CR đó mới bán được hàng thì... Đến tem chống hàng giả của Viện Khoa học hình sự còn làm giả được thì chắc cái tem CR đấy cũng không khó lắm nhỉ?”


Còn với người tiêu dùng thì  khái niệm tem CR càng xa vời hơn. Chị Minh Thư (phố Lê Duẩn, Hà Nội) ngơ ngác: “Chưa nghe cái tem ấy bao giờ? Hay là có mà mình không biết nhỉ? Đi mua đồ cho con thì chỉ tránh mấy cái nhìn nó “dại dại” mắt ra thôi chứ có biết quy chuẩn với hợp chuẩn nào đâu?”.

Sẽ xử phạt từ 10 - 15 triệu đồng nếu không dán tem CR

 

- Ngày 15/4/2010 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn đồ chơi trẻ em (QCVN3:2009/BKHCN) có hiệu lực. Theo đó, các loại đồ chơi trẻ em đều phải được kiểm soát chất lượng và có dấu hợp quy (Tem CR).

 

- Ngày 15/9/2010, quy định này bắt đầu có hiệu lực. Cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra các đơn vị sản xuất, kinh doanh,nhập khẩu đồ chơi trẻ em trên địa bàn. Những loại đồ chơi trẻ em không có dấu hợp quy (Tem CR) sẽ bị xử phạt theo NĐ54, với mức phạt từ 10 đến 15 triệu đồng.

 
Bài, ảnh:
Hoài Nam

Bình luận
vtcnews.vn