Thị trường chứng khoán lao dốc không phanh, nhà đầu tư 'chết đứng'

Kinh tếThứ Hai, 04/05/2015 04:32:00 +07:00

Trong phiên giao dịch đầu tiên của tháng 5, nhà đầu tư chứng khoán được phen “chết đứng” khi các chỉ số tuột dốc.

(VTC News) – Trong phiên giao dịch đầu tiên của tháng 5, nhà đầu tư chứng khoán được phen “đứng hình” khi các chỉ số tuột dốc.

Các chỉ số lao dốc

“Sell in may and go away” – “Bán trong tháng 5 và ra đi” là kinh nghiệm được bao thế hệ nhà đầu tư chứng khoán chia sẻ và trở thành “danh ngôn” của giới tài chính. Cộng thêm việc VN-Index giảm đáng kể trong phiên cuối cùng của tháng 4, nhà đầu tư đã chuẩn bị sẵn tinh thần chờ đón những điều không suôn sẻ trong tháng 5.

Thế nhưng, chẳng ai lường trước được kịch bản “bi kịch” của phiên giao dịch đầu tiên trong tháng 5. Đầu phiên, nhà đầu tư tham gia thị trường với tâm lý thăm dò là chính. Vì vậy, VN-Index biến động nhẹ, khi giữ được sắc xanh, khi chỉ giảm 2 điểm.

Tới phiên chiều, VN-Index thực sự khiến nhà đầu tư đứng ngồi không yên với đà trượt dốc liên tục và sâu. Đóng cửa phiên 3/5, VN-Index giảm 17,32 điểm, tương ứng 3,08% và dừng ở mức 545,08 điểm. VN30-Index giảm 16,63 điểm, tương ứng 2,8% và chốt ở mức 576,52 điểm.

chứng khoán
Nhà đầu tư "đứng hình" nhìn chứng khoán "lao dốc" 
Trên sàn Hà Nội, điều tương tự cũng diễn ra. HXN-Index lao dốc xuống 79,95 điểm sau khi mất 2,8 điểm, tương đương 3,38%. HNX30-Index là chỉ số “rơi” mạnh nhất khi mất 6,29 điểm, tương đương 4% và đóng cửa ở mức 150,95 điểm.

Thị trường giảm sâu khi các “trụ đỡ” của thị trường đều bị “gãy”. Ngoài VSH, các “ông lớn” trong rổ VN30 đều rơi mạnh, thậm chí có mã giảm sàn. 3 mã giảm sàn là ITA, OGC và FLC. OGC giảm 200 đồng/CP xuống 3.800 đồng/CP. FLC giảm 700 đồng/CP xuống 9.700 đồng/CP. ITA giảm 400 đồng/CP xuống 6.400 đồng/CP. Cả 3 mã này đều thuộc nhóm bất động sản.

Một số blue-chip khác cũng “góp công” lớn vào đà rơi của VN-Index có thể kể đến như MSN, HSG, KDC, FPT. MSN giảm 4.000 đồng/CP xuống 77.000 đồng/CP. HSG giảm 2.500 đồng/CP xuống 35.300 đồng/CP. KDC giảm 2.500 đồng/CP xuống 41.500 đồng/CP. FPT giảm 2.100 đồng/CP xuống 49.400 đồng/CP.

Không nằm trong nhóm blue-chip nhưng GAS vẫn là cổ phiếu có ảnh hưởng rất lớn đến thị trường. Hôm nay, tầm ảnh hưởng này tiếp tục được khẳng định khi GAS mất tới 3.500 đồng/CP và rơi xuống mức 62.500 đồng/CP.

Điểm sáng hiếm hoi của thị trường chính là thanh khoản được cải thiện. Nếu đầu phiên, nhà đầu tư dè dặt đặt lệnh mua thì cuối phiên khi VN-Index giảm sâu, lượng tiền đổ vào thị trường ngày càng mạnh. Dừng phiên sáng, thanh khoản trên sàn Tp.HCM đạt gần 670 tỷ đồng. Nhưng kết phiên, giá trị giao dịch vọt lên 1.774,410 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số trước kỳ nghỉ lễ.

“Lao dốc” đến bao giờ?

Anh Trần Trung Kiên, nhà đầu tư trên sàn Tân Việt cho rằng chứng khoán đang không được quan tâm khi tin tức từ Đại hội cổ đông của các doanh nghiệp chưa đủ sức hâm nóng thị trường. Ngoài ra, việc OGC bị bán sàn hơn 11,1 triệu cổ phiếu cũng ảnh hưởng không nhỏ tới tâm lý nhà đầu tư.

Đó là nhận định của anh Kiên khi chứng khoán đang trong giờ mở cửa. Còn nguyên nhân tại sao các chỉ số đua nhau lao dốc trong phiên chiều, anh Kiên lắc đầu không hiểu vì sao.

Trong khi đó, ông Nguyễn Khắc Duẩn, Giám đốc công ty tư vấn đầu tư S&D cho rằng việc VN-Index đi xuống đã được các nhà đầu tư dự báo từ trước. Sau khi phiên giao dịch cuối cùng của tháng 4 diễn ra ảm đạm, nhà đầu tư tin rằng VN-Index phải mất thêm thời gian để lấy lại đà tăng.

“Dù vậy, cũng không ai lường trước được VN-Index có thể giảm mạnh như vậy trong ngày hôm nay” – ông Duẩn cho biết.

Theo ông Duẩn, có nhiều nguyên nhân khiến các chỉ số trên sàn chứng khoán đua nhau lao dốc. Thứ nhất chính là Thông tư 36 của Ngân hàng Nhà nước đang tín dụng vào chứng khoán. Điều đó ảnh hưởng mạnh tới thanh khoản, từ đó khiến các chỉ số đi xuống.

Ngoài ra, trước kỳ nghỉ 30/4, nhà đầu tư nước ngoài đẩy mạnh bán ròng. Động thái này của khối ngoại vừa tác động tới thanh khoản, vừa tác động tới tâm lý nhà đầu tư vì hiện tại thị trường phụ thuộc khá nhiều vào khối ngoại.

Việc Oceanbank bị Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng cũng ít nhiều ảnh hưởng tới tâm lý nhà đầu tư. Theo ông Duẩn, nhà đầu tư đang mất niềm tin vì rủi ro chính sách khá lớn. Họ sợ rơi vào mà cổ đông Oceanbank vừa trải qua. Đó là đang nắm giữ cổ phiếu Oceanbank thì bất ngờ mất trắng. Tâm lý này khiến nhà đầu tư e dè với các cổ phiếu tạo thanh khoản lớn như FLC hay ITA.

Trả lời cho câu hỏi liệu VN-Index “lao dốc” đến bao giờ, ông Duẩn khẳng định hiện vẫn chưa lường được mức độ giảm của VN-Index. Và VN-Index phải mất thêm một thời gian nữa mới lấy lại được đà tăng.

Bảo Linh

Bình luận
vtcnews.vn