Thị trường chứng khoán cuối năm 2018 sẽ ra sao?

Kinh tếThứ Hai, 23/07/2018 14:42:00 +07:00

Thị trường chứng khoán Việt Nam từ nay tới cuối năm nhiều khả năng sẽ suy thoái do đã có một giai đoạn phát triển quá nóng hồi đầu năm; ngoài ra, những biến động của nền kinh tế trong nước và thế giới sẽ tiếp tục tác động tới sự ổn định của thị trường trong thời gian tới.

Vẫn còn nhiều thử thách

Loại trừ những thông tin thời sự, khó có thể đoán trước và dự đoán được, thị trường chứng khoán Việt Nam từ nay tới cuối năm sẽ phải đối mặt với nhiều thông tin bất lợi, gây suy thoái thị trường.

0126_DSC_0043

Thị trường chứng khoán sẽ chịu nhiều tác động từ tình hình kinh tế trong và ngoài nước. (Ảnh: KinhteVN)

GDP năm 2018 có thể đạt mức 6,71%, tăng trưởng xuất khẩu cả năm dự báo ở mức 12,11%, thặng dư thương mại ở mức 1,2 tỷ USD, lạm phát bình quân năm 2018 đạt 3,39%. Tăng trưởng 6 tháng đầu năm đã đạt kết quả tích cực, là 7,08%. Điều này đã giảm áp lực điều hành trong nửa cuối của năm 2018 nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm.

Theo Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), nửa đầu năm 2018 đã trôi qua với không ít điểm sáng. Dù vậy, một số băn khoăn như mức độ chuyển biến về chất lượng tăng trưởng chưa thực sự rõ nét, áp lực lạm phát, khả năng duy trì đà cải cách kinh tế vĩ mô… vẫn là một câu hỏi lớn.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, diễn biến kinh tế vĩ mô trong 6 tháng cuối năm có thể chịu ảnh hưởng của một số yếu tố.

07_qxjo 3

 Hiện tượng "bong bóng" bất động sản đã được cảnh báo trong thời gian vừa qua.  

Về vấn đề tăng trưởng quá nóng của bất động sản, hiện tượng "bong bóng" bất động sản đã được cảnh báo khi thị trường này tăng trưởng quá nóng trong thời gian vừa qua. Kể cả trong trường hợp "bong bóng" không vỡ, ít nhiều bất động sản sẽ suy thoái khiến cho quá trình xây dựng chậm lại, tăng trưởng kém, nợ xấu của các DN tăng cao.

Tiếp đến, vấn đề nợ công và nợ xấu ngân hàng. Có vẻ như, vấn đề nợ xấu ngày càng phình to sau quá trình tái cấu trúc hệ thống. Sự chuyển hoá trên các báo cáo tài chính, nợ xấu vẫn là của các ngân hàng và điều này gây hệ lụy cho nền kinh tế.

Về nợ công có xu hướng tăng lên khi nợ vay ngày càng nhiều trong khi tỷ lệ trả thấp, CPI tăng, tỷ giá gia tăng khiến cho số nợ có thể gia tăng.

Các vấn đề quốc tế ngày càng phức tạp

Trong khi đó, tình hình thế giới đang có nhiều diễn biến phức tạp. Cả thế giới đều dõi theo các cuộc đấu giữa hai siêu cường kinh tế Mỹ - Trung. Nhiều người đặt ra câu hỏi, liệu có hay không chiến tranh thương mại trên toàn thế giới?

Đây là vấn đề ứng xử của các nước lớn. Tuy nhiên, nếu xảy ra xung đột thương mại, khả năng cuộc chiến tiền tệ sẽ khá khốc liệt mà ở đó những nước có nền kinh tế nhỏ bé sẽ chịu thiệt hại lớn.

Cuộc chiến thương mại hiện mới chỉ dừng lại ở hai nước là Mỹ và Trung Quốc. Mới đây. Tổng thống Mỹ tiếp tục ra thông điệp có thể áp thuế lên 505 tỷ đô la Mỹ hàng hoá của Trung Quốc.

Nếu điều này là thật thì sự ảnh hưởng của nó sẽ rất lớn, khi ấy căng thẳng sẽ leo thang đáng kể; sự ảnh hưởng của kinh tế Mỹ, kinh tế Trung Quốc đến thương mại các nước khác, hay toàn cầu là rất lớn.

Cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới sẽ tác động lên cán cân xuất nhập khẩu các nước có giao thương với họ. Mặt khác, những biến động bất thường của đồng USD và Nhân dân tệ cũng sẽ tác động lên đồng nội tệ của các nước, cán cân thương mại vì thế sẽ đảo lộn.

Đối với kinh tế Việt Nam là một nước nhập khẩu rất nhiều từ Trung Quốc, ảnh hưởng của chiến tranh thương mại có thể gây nhiều hệ lụy cho nền kinh tế.

Trước hết, do sản xuất phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, sự ảnh hưởng của đồng USD trong thanh toán thương mại là rất lớn. Khi đồng USD tăng lên, tiền đồng mất giá, việc nhập khẩu sẽ ngày càng khiến cho chúng ta mất nhiều tiền hơn; nợ công lớn, các doanh nghiệp kinh doanh ngày càng gặp khó, đầu vào cao, đầu ra khó khăn, nhiều DN có thể lỗ hoặc dẫn đến phá sản…

Sản xuất đình trệ dẫn đến xuất khẩu vì thế cũng sẽ bị ảnh hưởng... Điều này cũng sẽ tác động tới nền kinh tế, ảnh hưởng tới mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm.

Đó là những viễn cảnh không mấy sáng sủa khi cuộc chiến thương mại toàn cầu nổ ra. Tuy nhiên, nhìn nhận những nguy cơ để chuẩn bị cho những tình huống xấu nhất lại là điều cần làm. Trong giai đoạn vừa qua, có thể thấy, sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ và các bộ ngành đã giúp cho nền kinh tế đạt được mức tăng trưởng khả quan. Việc chuẩn bị cho những tình huống xấu sẽ giúp cho nền kinh tế đất nước tránh khỏi những cú sốc và vững vàng đối phó với những khó khăn trong giai đoạn tiếp theo.

Sự ổn định của nền kinh tế sẽ là một trong những yếu tố quan trọng giúp cho thị trường chứng khoán Việt Nam giữ được sự ổn định trong suốt thời gian vừa qua và cả trong những tháng cuối năm. Tuy nhiên, những thử thách, thách thức vẫn đang còn ở phía trước do thị trường vừa trải qua một đợt tăng trưởng quá nóng hồi đầu năm.

 Video: Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang diễn ra thế nào?

Việt Vũ - Ái Châu
Bình luận
vtcnews.vn