Thị trường bất động sản TP.HCM sụt giảm trong 5 tháng đầu năm

Bất động sảnChủ Nhật, 24/06/2018 16:07:00 +07:00

Trong báo cáo gửi UBND TP.HCM về thực trạng và giải pháp phát triển thị trường bất động sản (BĐS) 5 tháng đầu năm 2018, HoREA cho biết, thị trường BĐS TP.HCM có biểu hiện sụt giảm so với cùng kỳ năm 2017.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đánh giá, sau giai đoạn bị khủng hoảng đóng băng, thị trường BĐS đã phục hồi và đi vào chu kỳ tăng trưởng trở lại kể từ cuối năm 2013.

Năm 2015, thị trường BĐS đã đạt mức tăng trưởng cao; năm 2016 có sự sụt giảm nhẹ; năm 2017 thì trưởng trở lại, mức tăng khoảng 4,07% so với năm 2016, đóng góp 0,21% trong tổng mức tăng trưởng GDP của cả nước theo số liệu của Tổng cục thống kê, và tiếp tục xu thế tái cấu trúc thị trường, tái cơ cấu đầu tư để có sự tập trung phát triển mạnh hơn phân khúc nhà ở vừa túi tiền đáp ứng nhu cầu thực của người tiêu dùng.

Phân khúc nhà ở trung cấp và nhà ở bình dân chiếm tỷ trọng khoảng 60-70% thị trường, là phân khúc chủ đạo của thị trường BĐS thành phố, có tính thanh khoản cao nhất, góp phần đảm bảo an sinh xã hội về nhà ở cho người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp, công nhân lao động, sinh viên và người nhập cư.

IMG_8083 copy

  Ông Lê Hoàng Châu (Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM). 

Tuy nhiên, thị trường BĐS thành phố trong hơn 5 tháng đầu năm 2018 đã có biểu hiện sụt giảm so với cùng kỳ năm 2017.

Cụ thể, tổng số dự án đủ điều kiện huy động vốn đưa ra thị trường là 29 dự án giảm 9,4% so với 32 dự án đã đưa ra thị trường cùng kỳ năm 2017. Tổng số căn nhà đưa ra thị trường là 9.174 căn (gồm có 8.690 căn hộ chung cư và 484 căn nhà thấp tầng), giảm 44,5% so với 16.506 căn cùng kỳ năm 2017. Trong đó, phân khúc căn hộ cao cấp có 3.828 căn, giảm 25,9% so với 5.164 căn cùng kỳ năm 2017.

Tuy nhiên, tỷ lệ căn hộ cao cấp lại chiếm đến 41,8% thị trường, tăng nhiều so với cùng kỳ năm 2017 (chiếm 31,3%). Phân khúc căn hộ trung cấp có 3.465 căn, giảm 32,6% so với 5.136 căn cùng kỳ năm 2017. Tỷ lệ căn hộ trung cấp chiếm 37,7% thị trường, cao hơn so với cùng kỳ năm 2017 (chiếm 31,1%).

Phân khúc căn hộ bình dân có 1.881 căn, giảm mạnh đến 69,7% so với 6.206 căn cùng kỳ năm 2017. Tỷ lệ căn hộ bình dân chỉ chiếm 20,5%, giảm gần một nửa so với cùng kỳ năm 2017 (chiếm 37,6%).

Theo ông Châu, nguồn thu ngân sách thành phố từ đất tăng hàng năm, chiếm tỷ trọng khoảng 10% tổng nguồn thu. Năm 2015, thu tiền sử dụng đất đạt 10.669 tỷ đồng; năm 2016, thu tiền sử dụng đất khoảng 12.000 tỷ đồng; năm 2017, thu hơn 21.000 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 9,5%; hơn 5 tháng đầu năm 2018, đã thu 8.811,8 tỷ đồng tiền sử dụng đất, đạt 60,7% tổng dự toán, tăng 0,75%, đã thu 2.013,4 tỷ đồng tiền thuê đất, đạt 36,6% dự toán, giảm 16,9% so với cùng kỳ.

Nguồn vốn tín dụng vào thị trường BĐS thành phố đã tăng từ năm 2015 đến nay. Năm 2015, đạt khoảng 140.000 tỷ đồng, chiếm 12,3% tổng dư nợ; năm 2016, đạt khoảng 150.000 tỷ đồng, chiếm 10,6% tổng dư nợ; năm 2017, đạt khoảng 180.000 tỷ đồng, chiếm 10,7% tổng dư nợ; hơn 5 tháng đầu năm 2018, đạt khoảng 202.000 tỷ đồng, chiếm 10,8% tổng dư nợ (cao hơn mức bình quân cả nước).

mua-mua-sai-gon (1)

Theo HoREA, thị trường BĐS TP.HCM có biểu hiện sụt giảm so với cùng kỳ năm 2017.

Nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI), một trong những thước đo kết quả hội nhập của nền kinh tế, của thị trường BĐS nước ta, có xu thế tăng dần trong những năm gần đây, trong đó, thị trường BĐS thường giữ vị trí thứ 3 trong việc thu hút vốn FDI, đồng thời, bổ sung thêm nguồn vốn quan trọng cho doanh nghiệp trong xu thế các ngân hàng thương mại đang dần hạn chế cấp tín dụng BĐS.

Riêng TP.HCM, có năm thị trường BĐS giữ vị trí thứ nhất trong các năm 2015, năm 2017, và 05 tháng đầu năm 2018. Năm 2015, đạt 1,497 tỷ USD (chiếm 53,3%); năm 2016, có sự sụt giảm, chỉ đạt 1 tỷ USD; năm 2017, tăng mạnh, đạt 1,01 tỷ USD; trong 5 tháng đầu năm 2018, đạt 216,3 triệu USD.

Tính đến hết năm 2017, toàn thành phố có 7.372 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư gần 45 tỷ USD. Các nguồn vốn FDI vào thị trường BĐS là từ Nhật Bản, Hàn quốc, Singapore, Hongkong, Đài Loan, Hoa Kỳ, và gần đây là Trung quốc.

Điển hình tại TP.HCM là Công ty Liên doanh Phú Mỹ Hưng; Công ty Nam Long hợp tác với Hankyu Hanshin Toho Group, và Nishi Nippon Railroad (Japan); Công ty Tiến Phước, Trần Thái hợp tác với Keppel Land (Singapore); Công ty Tiến Phát hợp tác với Sanyo Home (Japan); CII hợp tác với Hongkong Land; Sơn Kim Land hợp tác với Hankyu Hanshin; Capitaland, VinaCapital, Lotte, Dragon Capital... cũng là những nhà đầu tư BĐS lớn tại Việt Nam.

Nguồn kiều hối gửi về nước hàng năm giữ ở mức trên dưới 10 tỷ USD, trong đó, TP.HCM chiếm khoảng 50%, và có khoảng 21% đầu tư vào BĐS.

>> Đọc thêm: Điều tra sai phạm tại Dự án khu dân cư Bắc Rạch Chiếc

Thy Huệ
Bình luận
vtcnews.vn