Thi tốt nghiệp 2014, vì sao Bộ GD-ĐT đưa ra 4 môn?

Giáo dụcThứ Năm, 13/02/2014 07:09:00 +07:00

(VTC News)- Lãnh đạo Bộ GD-ĐT tiếp tục đưa ra lý giải về các vấn đề dư luận quan tâm trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014.

Hiện nay, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014 đang đến gần nhưng Bộ GD-ĐT vẫn chưa công bố chốt phương án cuối cùng. Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho biết sẽ tiếp tục lắng nghe ý kiến từ dư luận và sẽ quyết định trong thời gian sớm nhất.
Trước khi Bộ GD-ĐT đưa ra phương án thi tốt nghiệp THPT cho năm 2014, nhiều ý kiến đóng góp để hoàn thiện kỳ thi này.
Miễn thi 20% hợp lý?
Góp ý cho dự thảo về đổi mới thi tốt nghiệp năm 2014, PGS-TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng việc Bộ GD-ĐT có đưa ra tỉ lệ 20% học sinh giỏi, hạnh kiểm tốt được miễn tốt nghiệp là không hợp lý.
thi tốt nghiệp THPT 2014

Việc miễn thi tốt nghiệp 20% liệu có xảy ra nhiều tiêu cực?

“Trước đây, Bộ GD&ĐT cũng đã từng miễn thi tốt nghiệp THPT cho một số đối tượng học sinh. Năm đầu, tỷ lệ này chiếm 5%, nhưng các năm sau “ào ào” tăng lên. Theo tôi, với cách quản lý của chúng ta hiện nay, việc miễn thi là không nên tràn lan như vậy mà chỉ miễn thi cho một số đối tượng đạt giải cao trong các kỳ thi quốc tế và các kỳ thi quốc gia”, ông Nhĩ phân tích thêm.
Những học sinh giỏi, có thành tích học tập trong cấp THPT tốt thì không nhất thiết phải miễn thi, vì những học sinh này chắc chắn sẽ đỗ tốt nghiệp.
Mặc dù Bộ GD-ĐT tính toán, nếu miễn thi tốt nghiệp cho 20% học sinh thì sẽ tiết kiệm được 20% chi phí cho phòng thi , cho đội ngũ giáo viên, trông thi… nhưng lại không bù lại được những nguy cơ từ tiêu cực trong thi cử.
Nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cũng bày tỏ quan điểm: “Tôi nghĩ, không có trường hợp nào được miễn thi ở đây, đây là một kỳ thi đánh giá quốc gia thì tất cả mọi người phải tham gia đánh giá”.
Miễn như vậy khó tránh khỏi xảy ra tiêu cực trong việc chạy điểm, chạy lớp. Bên cạnh đó, việc miễn thi sẽ hình thành tâm lý tự kiêu trong một số bạn trẻ.
Ngoài ra, PGS-TS Trần Xuân Nhĩ cũng cho rằng bằng tốt nghiệp THPT không chỉ có tính chất đánh giá trong một quốc gia mà còn có tính chất quốc tế. Vì thế, để cấp bằng tốt nghiệp THPT thì nhất định các học sinh phải trải qua kỳ thi sát hạch, đánh giá chất lượng.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển (Ảnh: Phạm Thịnh)
Trả lời về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho rằng chủ trương miễn thi cho một bộ phận học sinh xuất sắc là thực hiện định hướng của Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 sẽ giảm tốn kém cho xã hội, tạo động lực để học sinh phấn đấu học tập, rèn luyện toàn diện trong quá trình học THPT, nhất là ở lớp 12, phối hợp kết quả đánh giá trong quá trình học với đánh giá cuối kỳ, cuối năm học.
Những học sinh nếu miễn thi sẽ được xếp loại tốt nghiệp dựa theo kết quả học tập, rèn luyện cả năm lớp 12 nhưng vẫn được quyền đăng ký dự thi tốt nghiệp để được xét công nhận và xếp loại tốt nghiệp như đối với học sinh dự thi.
Trong điều kiện bệnh thành tích chưa được giải quyết triệt để và vấn đề kỷ cương, kỷ luật còn phải được tăng cường, nếu không khống chế tỷ lệ được miễn thi thì sẽ có thể xuất hiện việc các trường nới lỏng khâu kiểm tra, đánh giá để có nhiều học sinh được miễn thi không thực chất.
Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho rằng chính việc khống chế tỷ lệ sẽ tạo nên sự cạnh tranh lành mạnh, góp phần đảm bảo việc kiểm tra đánh giá được nghiêm túc, việc xét miễn thi được thực hiện theo quy trình thống nhất, đảm bảo công khai, minh bạch.
 “Cùng với quá trình và kết quả chấn chỉnh kỉ cương để việc kiểm tra, đánh giá phản ánh đúng kết quả học tập của học sinh thì tỷ lệ miễn thi có thể được tăng thêm  và tiến đến toàn bộ học sinh đạt chuẩn đều được miễn thi”, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển thông tin thêm.
Ngoài ra, Bộ GD-ĐT đã áp dụng phương pháp đánh giá PISA để đánh giá chất lượng giáo dục các tỉnh/thành phố, tới đây sẽ công bố kết quả và sẽ tiến hành định kỳ. Dựa trên kết quả PISA, sẽ có sự phân biệt tỷ lệ miễn thi tốt nghiệp cho các địa phương.
Phải thi ngoại ngữ
Cũng góp ý cho dự thảo thi tốt nghiệp THPT về số lượng các môn thi, PGS-TS Trần Xuân Nhĩ cũng không đồng tình khi Bộ chỉ bắt buộc học sinh thi 2 môn (Toán, Ngữ Văn), thi 2 môn tự chọn trong đó không có môn Ngoại ngữ.
Vị chuyên gia này cho rằng, Toán là môn giúp đánh giá tư duy học sinh, Ngữ văn để rèn về cách diễn đạt, hành văn và ngoại ngữ phải là môn công cụ.
“Nếu không đưa môn ngoại ngữ thành môn bắt buộc thì làm sao chúng ta có thể hội nhập được? Có một thực tế là học sinh Việt Nam có trình độ ngoại ngữ thuộc loại kém nhất trong khu vực. Chúng ta đã hội nhập từ khá lâu, nhưng không biết ngoại ngữ, không giao tiếp được thì chúng ta hội nhập với ai?”, ông Nhĩ đặt ra câu hỏi.
Mặc dù Bộ GD-ĐT có giải thích là do sự thiếu đồng đều trong cách giảng dạy ngoại ngữ giữa các địa phương nên chưa bắt buộc, nhưng tâm lý chung của học sinh vẫn là môn nào không thi thì đều coi thường và không học.
Tùy thuộc vào điều kiện của từng địa phương, Bộ có thể “châm chước” để lựa chọn một môn khác thay cho môn ngoại ngữ hoặc ra đề thi có mức độ phù hợp với từng vùng.
Và chỉ trong một vài năm nữa, Bộ cần bắt buộc tất cả các địa phương đều phải thi ngoại ngữ với một trình độ như nhau.
Trả lời về vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho rằng do điều kiện khó khăn khách quan, nên việc dạy - học môn ngoại ngữ ở trường phổ thông rất khác nhau giữa các vùng miền.  Do vậy, dự thảo đề xuất phương án đưa môn ngoại ngữ là môn thi khuyến khích.
“Qua các kênh thông tin khác nhau, lãnh đạo Bộ GD-ĐT có nhận được đề xuất đưa môn ngoại ngữ là môn thi tự chọn (để nâng cao vị trí của môn học này và khuyến khích việc dạy và học môn ngoại ngữ). Chúng tôi sẽ thảo luận, cân nhắc vấn đề này một cách nghiêm túc và cầu thị”, ông Hiển thông tin thêm.
Bình luận
vtcnews.vn