Thi THPT Quốc gia 2018: Thí sinh nên ‘cai’ Facebook, Zalo

Giáo dụcThứ Năm, 24/05/2018 16:00:00 +07:00

Thầy giáo Trần Quốc Sắc - Tổ trưởng chuyên môn trường THPT Nguyễn Trường Tộ (Đắk Lắk) khuyên thí sinh nên ‘cai’ Facebook, Zalo để tránh sao nhãng khi ôn thi THPT Quốc gia.

Chỉ còn một tháng nữa kỳ thi THPT Quốc gia 2018 sẽ diễn ra. Thời gian nước rút này thí sinh đang cuống cuồng ôn thi kỳ.

Thầy giáo Trần Quốc Sắc - Tổ trưởng chuyên môn trường THPT Nguyễn Trường Tộ (tỉnh Đắk Lắk) đưa ra một số gợi ý:

1102_IMG_20180524_080406

 Thầy giáo Trần Quốc Sắc.

Thí sinh đặt chỉ tiêu 'cho phép' sai mấy câu

Đối với những em kiến thức và kỹ năng chưa trọn vẹn, các em nên hệ thống lại toàn bộ nội dung, nên đánh dấu những đơn vị kiến thức học chưa được tốt, những đơn vị kiến thức đã chắc chắn để từ đó các em có thời gian hoàn thiện.

Đối với những em đã cơ bản học xong các đơn vị kiến thức, thời gian này các em nên rèn luyện kỹ năng làm bài hay nói cách khác là luyện đề.

Đối với kỳ thi THPT Quốc gia, môn Địa lý nằm trong tổ hợp KHXH, thời gian thi cho mỗi môn là 50 phút, nhưng thực tế các em có thêm 10 phút (từ khi phát đề đến lúc làm bài đối với môn trắc nghiệm là 10 phút), nên trung bình các em có 1,5 phút để làm 1 câu. Theo tôi, các em nên có một số sự chuẩn bị sau:

Về đề thi: Các em nên lấy đề thi của các Sở GD-ĐT các tỉnh, có thể lên các diễn đàn ôn thi tải về. Hiện tại có rất nhiều Sở Giáo dục ra đề thi thử như Hà Nội, Bắc Ninh, TP.HCM, Nghệ An, Thái Bình...

Khi chọn đề thi thử từ các Sở Giáo dục là rất an toàn về nội dung, các em không nên lấy từ nguồn khác vì nội dung câu hỏi, cấu trúc đề và mức độ phân hóa đề còn nhiều sai sót đễ dẫn đến sự hoang mang cho thí sinh.

Về thái độ: Các em nên đặt mình vào trạng thái tâm lí đang là thí sinh dự thi, nghiêm túc, căn thời gian đúng 50 phút, đặt chỉ tiêu cho phép sai mấy câu. Tại sao như vậy?

Thực tế làm bài thi thử ở nhà, hay trên lớp học thì tâm lý học sinh rất thoải mái, nhưng trong phòng thi thực sự là rất căng thẳng, các em phải chuẩn bị và tập dượt tránh tình trạng căng thẳng về tâm lý.

Tại sao làm 50 phút, vì thi thử các em làm đáp án trên đề, còn thi thật các em buộc phải tô trên tờ giấy làm bài trắc nghiệm.

Còn lý do tại sao lại đặt chỉ tiêu cho phép sai, bởi phần lớn các em đã xác định chỉ tiêu mình phải đạt bao nhiêu điểm để thi đậu vào trường nào đó. Do vậy chỉ tiêu điểm của các môn thành phần các em cũng đã chuẩn bị.

Ví dụ, môn Địa lý cần đạt 9,0 điểm thì thi thử chỉ được sai tối đa 2 - 3 câu, thi thật cho phép sai tối đa 4 câu.

Đã có thí sinh điểm 10 năm ngoái chia sẻ, em lấy chỉ tiêu 9,5 Địa lý nên trong thi thử em luôn nỗ lực rất cao, chỉ cho phép mình sai 1 câu, thi thật về cũng nói với thầy là tối đa em sai một câu thực tế thì không sai câu nào. Áp lực cho phép giới hạn trả lời sai cũng là cách rèn áp lực trong phòng thi.

Nếu cần thiết có thể khóa tài khoản mạng xã hội của mình

Về tâm lý thi, nghiêm túc là rất cần thiết, nên tập trung cao độ. Các em hãy quan niệm là mình làm đúng và giữ lấy lập trường này nhằm tránh sự phân tâm về đáp án của các bạn xung quanh.

Đã có rất nhiều thí sinh mất điểm vì ngoại cảnh, ảnh hưởng bởi cách làm của người khác. Đây là biểu hiện của sự thiếu lập trường làm bài.

Xác định mục đích thi thử: Có thể là đánh giá lại năng lực của mình, kiểm tra lại kết quả ôn tập, rèn kỹ năng làm bài...

Qua bài thi thử chúng ta cần rút ra được những kinh nghiệm gì? Các em phải trả lời được tại sao mình làm sai câu đó? Các em đừng bao giờ hi vọng là làm nhiều đề thi thử để khi thi thật đúng tủ. Hay quá bận tâm đến những câu quá khó vì số lượng các câu này trong đề rất ít, thậm chí là không có.

Nếu chẳng may sai câu nào đó, có thể vì kiến thức các em chưa vững, hiểu sai câu hỏi, không đủ thời gian, kỹ năng xử lý chưa tốt.

Sai do kiến thức chưa vững các em nên học lại toàn bộ đơn vị kiến thức có liên quan đến câu hỏi trả lời sai.

Nếu sai do không hiểu câu hỏi, đây là trường hợp phổ biến. Thường các em đọc câu hỏi quá nhanh, không xác định vấn đề trọng tâm câu hỏi, nhiều câu hỏi dễ nhưng đáp án khó, vấn đề này các em nên gặp giáo viên để nhờ tư vấn thêm tại sao lại sai, tại sao đáp án đó lại đúng nhằm rút ra bài học.

Sai do thiếu thời gian, các em nên phân bổ lại, những câu dễ làm trước, câu dài và khó làm sau, câu Atlat làm nhanh…

Sai về kỹ năng thì buộc phải ôn lại, kỹ năng xử lý số liệu, đọc Atlat, vẽ biểu đồ, nhận xét bảng số liệu…

Ngoài ra, các em nên lập một nhóm để thi thử và có xếp loại nhằm tạo không khí hứng khởi và ganh đua, tốt nhất xin các giáo viên có kinh nghiệm đứng ra tổ chức thi thử, sau thi có đánh giá và tổng kết.

Điều cuối tôi muốn nói là các em đừng cố làm nhiều đề, như vậy các em lại không có thời gian ôn luyện. Quan trọng nữa là sức khỏe, đừng gồng mình học đến 2 - 3h sáng. Các em nên học lúc tâm lý và thể trạng thoải mái, nên chơi thể thao kết hợp ăn ngủ đúng giờ.

Thực tế đã có em khóa các tài khoản mạng xã hội của mình như zalo, facebook... nhằm tập trung tư tưởng ôn thi.

Video: Phụ huynh mời thầy phong thủy cầu cho con đỗ kỳ thi đại học áp lực nhất thế giới

>>> Đọc thêm: Đề thi THPT Quốc gia 2018 sẽ thế nào?

Giáo viên Trần Quốc Sắc
Bình luận
vtcnews.vn