Thi THPT Quốc gia 2018: Đề Toán quá dài và khó, không phù hợp với kỳ thi THPT

Giáo dụcThứ Sáu, 29/06/2018 11:42:00 +07:00

Đó là khẳng định của thầy giáo Trần Mạnh Tùng - giáo viên trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội về đề thi Toán kỳ thi THPT Quốc gia 2018.

Là người theo dõi các kỳ thi đại học hơn chục năm nay nhưng chưa năm nào thầy Trần Mạnh Tùng - giáo viên trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội lại thấy thí sinh thi xong buồn và thất vọng như năm nay. Thậm chí, có nhiều em bước ra cổng trường đã sà vào bố mẹ và khóc nức nở.

Thầy Tùng cho biết: “Tôi trực tiếp giải đề Toán trong 90 phút, bản thân thấy đề dài và khó. Theo đó, hơn 10 người trong diễn đàn giáo viên Toán đều than đề năm nay quá khó. Không chỉ vậy, nhiều chuyên gia Toán cũng lên tiếng đề dài và khó, không phù hợp với kỳ thi THPT Quốc gia”.

36337546_10155947671790326_4259982218983636992_n

Thầy giáo Trần Mạnh Tùng bất ngờ vì đề Toán năm nay quá dài và khó. (Ảnh: Hoàng Bách)

Thầy giáo này nhận xét: “Đề Toán có 50 câu làm trong 90 phút (trung bình 1,8 phút/câu) nhưng lại có quá nhiều câu khó (gần 50%). Theo tôi, trong đề Toán, từ câu 26 trở đi đã bắt đầu khó; còn từ câu 36 trở đi thì rất khó. Như vậy, học sinh giỏi ở THPT cũng khó mà làm được”.

“Hơn chục câu cuối, nhiều câu phải mất 20 tới 15 phút mới làm được. Năm nay, đề vượt sức của thí sinh khi đề đã trắc nghiệm hóa tự luận”, thầy Tùng khẳng định.

Theo thầy giáo Trần Mạnh Tùng,  đề Toán khó ảnh hưởng tiêu cực đến các thí sinh kỳ thi THPT Quốc gia 2018. “Đề Toán khó khiến thí sinh căng thẳng trong phòng thi, buồn chán trong các buổi thi kế tiếp, thất vọng vì mục tiêu đã đặt ra trước đấy, xấu hổ với gia đình... Bên cạnh đó, còn tạo áp lực nặng nề cho thầy và trò trong năm học tới”, thầy Tùng nói.

Thầy giáo Tùng nhận định, vấn đề luyện thi, dạy thêm lại bùng phát trước đề thi THPT Quốc gia năm nay đều khó. Theo thầy, vấn đề này khó tránh khỏi vì so sánh giữa đề thi và sách giáo khoa thì khác nhau một trời một vực.  Hơn nữa, đề khó còn gây hiệu ứng xã hội không tốt khi đi ngược lại với chủ trương giảm tải, giảm áp lực thi cử (Nghị quyết 29 Quốc hội); Xa rời mục tiêu đào tạo môn Toán.

Thầy Trần Mạnh Tùng mong muốn Bộ GD-ĐT lắng nghe ý kiến nhiều chiều, khách quan đề đánh giá đề thi nói chung và đề Toán nói riêng; Công khai cách chọn đáp án A-B-C-D để giáo viên, học sinh tham khảo; Giảm độ khó ở đề thi THPT Quốc gia trong năm tới.

Ngoài ra, Bộ cần công bố đề minh họa sớm, khoảng tháng 9 hoặc 10 năm 2019. (Công bố 3 đề minh họa như năm 2017).

Video: Những thí sinh đặc biệt nhất kỳ thi THPT Quốc gia 2018

Lưu Ly
Bình luận
vtcnews.vn