Thi sỹ Hoàng Nhuận Cầm 'Viết chờ sen lên' cùng tác giả Trần Nam Phong

Văn hóa - Giải tríThứ Tư, 16/10/2019 14:39:00 +07:00

“Bầu trời đời thực thường buông xuống một cơn mưa hay một trận mưa, còn bầu trời ở đây chỉ buông xuống đôi hạt mưa là bầu trời của thi ca, của tâm hồn".

Đó là những lời bình của thi sỹ Hoàng Nhuận Cầm về tác phẩm thơ Viết chờ sen lên của tác giả Trần Nam Phong.

Theo nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm, Viết chờ sen lên là một tập thơ khá đầy đặn về mọi lẽ được chia làm ba phần: Phần thứ nhất là “Nơi bắt đầu”; Phần thứ hai mang tên vừa gợi mở lại vừa mênh mông như “Thời gian” và phần thứ ba báo trước những khám phá khi tác giả đến với “Mật mã không gian” của tâm hồn.

“Có lẽ không nên và không thể vội vã đối với thơ ca, nhất là những bài thơ đã ẩn chứa sau mỗi câu chữ một cái gì đó - Vậy bạn đọc thân mến! Hãy cùng với tôi thong thả đến với từng phần một, như chính nhà thơ Trần Nam Phong của chúng ta đã nhẹ nhàng cầm lấy cây bút và thong thả Viết chờ sen lên.

tran-nam-phong

 Tác giả "Viết chờ sen lên" Trần Nam Phong.

Ấn tượng đầu tiên của nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm về tập thơ là trạng thái nửa thực nửa ảo trong thi pháp của tác giả - "Có tới ít nhất bốn lần Trần Nam Phong nhắc tới những giấc chiêm bao, mỗi lần nhắc một khác, nhưng tựu trung đều cố gắng chạm tới ý nghĩa nhân sinh của cõi con người. Vấn đề quả là quá lớn lao, nhưng may mắn thay và cũng kỳ lạ thay, nhà thơ đã tìm được một cách diễn đạt nhẹ nhàng như không: Mang theo cái mộng làm người/ Đơn sơ thao thiết nửa đời còn xa/Trời làm đôi hạt mưa hoa/Nửa thương, nửa nhớ như là chiêm bao - (Gió cành đa)".

“Bầu trời đời thực thường buông xuống một cơn mưa hay một trận mưa, còn bầu trời ở đây chỉ buông xuống đôi hạt mưa là bầu trời của thi ca, của tâm hồn, của riêng Trần Nam Phong".

Những giấc chiêm bao nối theo nhau tựa như một cứu cánh – dắt nhà thơ chân lấm tay bùn đi qua bao tiếng khóc nụ cười trên cánh đồng chữ nghĩa thấm đẫm gian lao: Thời gian lấy nhớ làm quên/Lấy mưa làm nắng qua miền hanh hao/ Ta về cày ải chiêm bao/ Cày lên cát trắng gió lào tuổi thơ - (Gửi người đi xa).

Ấn tượng tiếp theo là tiếng gọi mẹ ơi cùng với tiếng mõ từ bi, cứ da diết và ngân nga đâu đó trên từng trang viết. Nhắc tới mẹ cũng chính là nhắc tới cội nguồn, nhắc tới quê hương từ thủa nhà thơ cất tiếng khóc chào đời – một quê hương bình dị mà lung linh ảo huyền và khiến chúng ta phải nặng lòng đến thế: Nắng mưa đắp đổi vuông tròn/ Nắng cong đòn gánh, mưa mòn võng ru/ Cột kèo dựng giữa thiên thu/ Sen thơm vào hạ, cu gù lũy tre - (Về quê).

hoang-nhuan-cam

Thi sỹ Hoàng Nhuận Cầm. 

Và bên hương sen thơm cùng với ấm áp tiếng cu gù – là tiếng mõ của yêu thương khe khẽ vang lên từ trái tim dành cho trái tim – những trái tim không có tuổi, những trái tim trẻ mãi không già với tình yêu đôi lứa, với tình yêu cội nguồn: Ước chi sau ngàn năm thức dậy/ Lại thấy em trên mặt địa cầu/ Em vấn vít tơ hồng trước ngõ/ Em mơ màng đôi mắt bồ câu - (Gửi em ngàn năm sau).

“Có một điều gì đó rất đỗi thiêng liêng và thanh cao, nhưng rất khó để diễn đạt thành lời – Tôi đành lặng im lắng nghe những lời thơ, đúng ra là những lời khấn thầm thì, những lời khấn nghẹn ngào của chính tác giả”, Hoàng Nhuận Cầm viết.

Tác giả Trần Nam Phong quê ở Hà Tĩnh. Ông là Cử nhân khoa Văn - Trường Đại học Sư phạm Huế, Cử nhân Chính trị - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Thạc sỹ Chính trị học- Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội). Hiện ông đang là Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Hà Tĩnh.

Linh Phi (ghi)
Bình luận
vtcnews.vn