Thí sinh chém gió cười chảy nước mắt trong bài thi môn Văn

Giáo dụcChủ Nhật, 08/07/2018 07:08:00 +07:00

Thí sinh cho rằng khoai sắn chính là "tiềm lực của đất nước", có em lại khoe quen nhà thơ Nguyễn Duy từ năm lớp 9 và than phiền ông này cứ "hỏi hoài từ năm này qua năm khác".

Kì thi THPT Quốc gia năm 2018 đã kết thúc, song giám khảo môn Ngữ văn tại TP.HCM vẫn còn dư âm về những bài viết ngô nghê, buồn cười của thí sinh. 

Theo đánh giá của nhiều giáo viên, đề thi Ngữ văn năm nay khó. Cũng chính vì vậy, nhiều thí sinh đã có những "sáng tạo" vô tiền khoáng hậu trong bài thi tạo nên thảm hoạ văn chương.

Một giám khảo ở quận Tân Bình cho biết, câu 1 phần Đọc hiểu là thể thơ tự do nhưng có những thí sinh vẫn không biết. Có em trả lời là thể thơ lục bát, thể thơ tự luận.

Câu 2 của phần Đọc hiểu yêu cầu chỉ ra các yếu tố thuộc tiềm lực tự nhiên của đất nước thì thí sinh viết bừa là khoai, sắn.

Còn giám khảo khác ở huyện Hóc Môn gặp thí sinh than phiền về nhà thơ Nguyễn Duy. Đó là câu 3 phần Đọc hiểu, nêu tác dụng của câu hỏi tu từ thì thí sinh viết: "Ông Nguyễn Duy này em đã quen từ năm học lớp 9 với bài thơ "Ánh trăng". Ông cứ hỏi hoài từ năm này sang năm khác, hết lớp 9 giờ đến 12".

luyen-thi-lop-10-1735455

 

“Ta ca hát quá nhiều về tiềm lực/tiềm lực còn ngủ yên”, thời buổi này ai cũng bận rộn thì lấy thời gian đâu mà ca hát. Mọi người đi làm về là ăn cơm rồi ngủ, mai lại đi làm, cuộc sống cứ như thế không ca hát gì", một giám khảo ở Gò Vấp nhớ nguyên văn câu 4 bài thi.

Đến phần Nghị luận xã hội bàn về sứ mệnh đánh thức tiềm lực đất nước của mỗi cá nhân, một thí sinh đưa ra khái niệm chắc chắn: "Sứ mệnh có nghĩa là thiên sứ. Vì mỗi người trên trời xuống trần đều mang trên mình sứ mệnh để thực hiện nhiệm vụ cao cả thiêng liêng", giám khảo huyện Nhà Bè nhớ lại.

Riêng phần Nghị luận văn học, liên hệ về “vẻ đẹp của hình ảnh chiếc thuyền ngoài xa" và "cảnh bạo lực của gia đình hàng chài” với “cảnh phố huyện lúc đêm khuya" và "hình ảnh đoàn tàu” thì thí sinh tha hồ chém gió. Lí do, rất nhiều thí sinh không nắm vững cốt truyện và quên tên nhân vật.

Nhiều giám khảo ở quận 8 cho biết, thí sinh nhầm lẫn hoàn cảnh sáng tác của tác phẩm, bịa ra tên tác phẩm rồi lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia. 

"Chiếc thuyền ngoài xa" in trong tập "Bến xe", có hai anh em đợi tàu, hai đứa trẻ tên Lan và Na", một giám khảo chấm thi chia sẻ.

Bên cạnh đó, khi miêu tả vẻ đẹp của cảnh biển vào buổi sáng mù sương, thí sinh nhầm sang bức tranh vào buổi hoàng hôn trong cơn mưa phùn thật kiêu sa, hùng dũng, con thuyền xé sóng vượt vào bờ.

"Đến đoạn người đàn bà hàng chài bị chồng đánh, thí sinh tưởng tượng ra đoạn đối thoại: "Chuyện nhà tôi cứ để tôi lo. Tôi không cần anh nhảy vào đây. Người đàn bà làng chài vừa la vừa chửi anh chụp ảnh tên Phùng", một thí sinh viết.

Cá biệt, một thí sinh bịa đặt câu chuyện nhuốm màu bán hàng online: "Chiếc thuyền ngoài xa là một truyền thuyết kể về câu chuyện tình lãng mạn. Trên chiếc thuyền có một thiếu nữ đẹp. Một hôm chàng trai đến ship hàng cho cô gái nên đã đem lòng yêu cô. Rồi họ nên vợ nên chồng, sinh ra một đàn con. Từ ngày có con, cuộc sống trở nên nghèo khó, người chồng không giúp gì được cho vợ ngoài việc bạo lực gia đình", thí sinh tự tin khẳng định.

PHAN THẾ HOÀI
Bình luận
vtcnews.vn