Thi sĩ vác cưa, đeo dùi đục đi… tuyển vợ 16 lần

Phóng sự - Khám pháThứ Năm, 07/04/2011 06:00:00 +07:00

(VTC News) - Riêng cái dốc Văn Giang, thi sĩ Đăng Hành đã “xơi tái” 4 bà liền. Điều lạ là cả 4 bà này đều biết nhau.

(VTC News) - Riêng cái dốc Văn Giang, thi sĩ Đăng Hành đã “xơi tái” 4 bà liền. Điều lạ là cả 4 bà này đều biết nhau, đều biết anh chàng thợ mộc kiêm thi sĩ đa tình bậc nhất.


Với người làng Khoan Tế, thi sĩ Nguyễn Đăng Hành đích thị là một kẻ điên, một tay khùng, một tên hão huyền bậc nhất. Các cụ trong làng chê thơ Đăng Hành bậy bạ, sexy, chả có tư tưởng, nên câu lạc bộ thơ ca của làng nhất định không kết nạp anh làm thành viên. Anh bảo, từ ngày tập thơ Hỏi của Đăng Hành ra đời, anh nhận được tổng cộng 200 lá thư mà phần lớn là thư… chửi.

Không vào được câu lạc bộ thơ làng, chẳng vào được hội của Trung ương, Nguyễn Đăng Hành tự lập cho mình một câu lạc bộ, trụ sở đặt tại ngôi nhà cấp 4 dột nát, giữa vườn hoang, có tên là “Độc thi nhất quán”. Cả câu lạc bộ chỉ có mỗi ông Nguyễn Đăng Hành, với 4 bút danh Lãn Tử, Kinh Thi, Đăng Lam, Tú Huyết và nhất quyết không tuyển thêm hội viên nào. Thi sĩ Đăng Hành sống theo kiểu tứ bể giai huynh đệ, bốn biển là nhà, đâu đâu cũng có bạn thơ và hễ gặp bất kỳ ai yêu văn chương, là gã đè ra đọc thơ cả ngày.

Tập thơ Hỏi của thi sĩ Đăng Hành. 

Ngày đầu quen Nguyễn Đăng Hành, thi sĩ đã hỏi: “Cậu có đọc thơ bao giờ không?”. Chỉ chờ tôi trả lời: “Thi thoảng”, lập tức Đăng Hành lôi tập thơ ra tặng. Lại còn kính cẩn ghi: “Kính biếu nhà thơ Phạm Ngọc… (dù cả đời tôi chưa làm câu thơ nào)! Kính phiền nhà thơ xem giúp! Kính ơn!”. Tập thơ chỉ có tên nhõn một chữ “Hỏi”, mà “Thơ Hỏi” thì có nghĩa là “Thở”. Thơ phải là “hơi thở”, hơi thở cuộc sống, hơi thở tình yêu và cả cái hơi thở tình dục. Nguyễn Đăng Hành thích nói thật, nói sổ toẹt và thơ anh cũng sổ toẹt cái ý nghĩ, cái ham muốn, cái dục vọng, cái đểu giả. Hỏi anh thích thơ ai, Đăng Hành tuyên bố chỉ thích thơ… Vi Thùy Linh.

Phải công nhận rằng, thơ của anh thợ mộc Nguyễn Đăng Hành rất hay. Chẳng thế mà, trong tập thơ Hỏi (NXB Lao Động), cả chục nhà văn, nhà thơ có tiếng đã không tiếc lời khen. Chỉ học hết lớp 7, và cả đời chỉ có 2 nghề là thợ mộc và đóng gạch, làm được thơ khiến những nhà thơ lẫy lừng như Chử Văn Long hết lời ca ngợi, cũng là một thành tích. Tôi cứ băn khoăn tự hỏi, liệu những người đàn bà kia có phải vì yêu thơ mà ngã vào vòng tay kẻ đa tình vừa khùng vừa điên Nguyễn Đăng Hành?

Thi sĩ Đăng Hành nghèo đến nỗi phải nhặt bia mộ bỏ đi làm giá kê bát đĩa. 

Ngoài tài làm thơ, thi sĩ Nguyễn Đăng Hành có tài ăn nói, hót như khướu. Ngay cả cái biện luận cho hành động cưới tới 16 bà, cũng thấy rằng, nó đầy chất nhân văn chứ chả phải xấu xa, đểu cáng gì.

“Tớ thề với cậu, tới lấy tới 16 bà chính thức, nhưng các bà ấy chưa từng đánh ghen, chưa từng tranh cướp thằng Hành” – thi sĩ Đăng Hành tự hào khoe vậy. Điều thi sĩ Đăng Hành nói chẳng phải bịa, cứ nhìn cái cách hai bà dọn dẹp, nấu nướng, ăn cùng, ngủ cùng Đăng Hành, đủ biết họ như chị, như em. Và lạ hơn nữa, cả 24 đứa con, dù chẳng mấy khi gặp nhau, nhưng hễ tề tựu đông đủ ở ngôi nhà rách nát làng Khoan Tế, lớn bé đều coi nhau như anh em ruột thịt và xưng hô với bà lớn, bà bé nhất nhất là mẹ. Kể cả anh con cả, tuổi đúng bằng cô vợ út của bố, cũng một điều mẹ, hai điều mẹ.

Nguyễn Đăng Hành và bạn thơ. 

Mỗi lần cưới thêm vợ, Đăng Hành đều làm một việc quang minh chính đại, ấy là chở bà vợ tương lai đến trình diện đủ vợ cả, vợ hai, vợ tư, vợ mười. Họ chuyện trò với nhau, moi móc đủ tính xấu của Nguyễn Đăng Hành, nào là đa tình phóng đãng, nào là nghèo rớt mùng tơi, nào là vô trách nhiệm không ai bằng (nghèo như Đăng Hành, tài sản chỉ có mấy trăm bài thơ, thì lấy gì mà có trách nhiệm), vậy nhưng, sau một số ngày suy nghĩ, họ đều gật đầu đồng ý lên xe hoa. Bà cả, bà út cùng hai mấy đứa con đều góp mặt mổ lợn, mổ gà, lo cho cái đám cưới chu toàn.

Ngoài ra, trước khi cưới vợ, Đăng Hành còn tuyên bố với bà vợ tương lai: “Anh sẽ giúp đỡ nghiêm chỉnh, nhưng anh thích tự do. Ngoài thơ ca, anh là thằng vô tích sự nhất trên đời. Anh không làm ra vật chất, nên đừng hy vọng gì ở anh, vì càng hy vọng sẽ càng thất vọng. Anh là chỗ đường cùng mà em tìm đến. Còn nhìn thấy tương lai, em cứ việc lên đường. Nhưng trước khi đi với thằng khác thì em nói trước với anh 2 ngày. Nói rồi, em đi đâu thì đi, đi với thằng nào cũng được”.

Hai bà vợ và những đứa con ở dốc Văn Giang. 
 

Có một điều lạ là, tất cả 16 bà, sau khi đã động phòng hoa chúc với thi sĩ, thì không có bà nào lên xe hoa lần nữa, dù Đăng Hành tuyệt đối ủng hộ các bà đi tìm hạnh phúc riêng. Đăng Hành cũng chả giấu gì, rằng mấy ông bạn thơ, khi làm bạn với Đăng Hành, cứ mắt lơ mày láo nhòm vợ anh. Có ông nhà thơ nổi tiếng, tưởng mấy bà vợ Đăng Hành là thứ gái đú, ai cưỡi cũng được, đã buông lời ong bướm, gạ gẫm, nhưng đều thất bại. Chuyện đó Đăng Hành biết thừa, Đăng Hành chả thèm chấp, vì với Đăng Hành, giống đực mà mê gái cũng là lẽ thường tình.

Nói về tài cán, ngoài làm thơ, thi sĩ Nguyễn Đăng Hành chỉ có mỗi tài thợ mộc. Treo cưa gác đục thì có thêm nghề đóng gạch, nhưng làm việc tùy hứng. Từng đi lính cán bộ dân vận, làm cán bộ xây dựng ở huyện, chuyên môn đóng bàn tủ, rồi về hưu non năm 1981, giờ lĩnh lương chưa tới triệu bạc. Hồi trẻ Đăng Hành đẹp giai ngời ngời, đẹp giai đến nỗi, có một hoa khôi ở Văn Giang, nhất định không chịu chọn một trong hai công tử con quan đất Văn Giang và Gia Lâm, mà đến ngủ ròng rã hàng năm với anh thợ mộc trình độ lớp 7 Nguyễn Đăng Hành.

Thi sĩ Đăng Hành và bà vợ thứ... 

Quãng đời làm thợ mộc của Đăng Hành, chính là thời kỳ tuyển vợ hăng hái nhất. Sau khi về hưu, Đăng Hành phóng xe “ba bét nhè” đi khắp gầm trời, lưng đeo cưa (không phải kiếm), hông đeo đục (không phải súng) làm thợ mộc. Ai thuê gì, Đăng Hành làm việc đó. Từ đóng giường tủ, bàn ghế, đến cái máng lợn, anh đều làm được. Cứ ngày cưa xẻ đục đẽo, tối lại rậm rựt làm thơ.

Có lẽ, cưa đục giỏi, làm thơ hay, tài nói chuyện thiên bẩm, đã khiến những người đàn bà gặp thi sĩ Đăng Hành chết mê chết mệt, rồi chấp nhận làm lẽ. Riêng cái dốc Văn Giang, thi sĩ Đăng Hành đã “xơi tái” 4 bà liền. Điều lạ là cả 4 bà này đều biết nhau, đều biết anh chàng thợ mộc kiêm thi sĩ đa tình bậc nhất.

Giờ đây, tuy đã ngót 60, song chưa một ngày thi sĩ Đăng Hành ngồi yên một chỗ. Anh bảo, cái tên Đăng Hành, có nghĩa là lên đường, đã ám vào cuộc đời anh, nên ngồi một chỗ quá một tiếng là anh không thể chịu nổi. Nếu không đi khắp các tỉnh Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Hà Nội để gặp gỡ, bình thơ, uống rượu với các nhà thơ, thì cũng đi thăm lần lượt các bà vợ. Có những chuyến “đăng hành” bình thơ của Đăng Hành dài đến nửa tháng. Thế nên, nhiều nhà thơ tỉnh lẻ, đã phong Đăng Hành là người yêu thơ nhất Việt Nam!

Chỉ có tài làm thơ mà lấy được... 16 vợ! 

Thi sĩ Đăng Hành nói vui: “Đất nước này sợ mất điện, chứ riêng Đăng Hành thì không bao giờ sợ mất điện”. Hễ Hà Nội bị cắt điện, anh sẽ “chuồn” ngay về Hưng Yên, Bắc Ninh, Hà Nội, Hải Dương hoặc Thái Bình. Mỗi ngày, anh có thể ăn sáng với một bà ở Long Biên, qua cầu Thanh Trì thăm bà Thường Tín, xuống phà qua sông Hồng ăn trưa với 4 bà dốc Văn Giang, chiều về Kẻ Sặt thăm bà Hải Dương, rồi tối về ngủ với bà Bắc Ninh hoặc Thái Bình. Sau mấy năm trốn mất điện, thi sĩ Đăng Hành thấy rằng, chả có lúc nào ngành điện cắt cùng lúc 6 tỉnh.

Thi sĩ Nguyễn Đăng Hành chính thức kết thúc cuộc trường kỳ tuyển vợ vào tuổi 53, tức là cách nay 7 năm, với cô vợ út, là giáo viên ở Bắc Ninh. Sau cuộc hôn nhân này, cho ra đời 2 đứa con, đứa bé mới chập chững biết đi, Đăng Hành tuyên bố sẽ không cưới thêm bất kỳ bà nào nữa và cũng chấm dứt thẳng thừng cái việc cho con. Tất nhiên, chả ai tin cái lời tuyên bố phát ra từ miệng kẻ đa tình bậc nhất ấy.

Mới đây, cô vợ út tỉ tê với chồng, rằng: “Anh ơi, anh hãy làm một việc thiện cuối cùng, ấy là cho cô bạn thân của em một đứa con. Bạn em là công nhân, đã tuổi băm rồi mà vẫn đơn chăn gối chiếc”. Nhưng, thi sĩ Nguyễn Đăng Hành chối phắt: “Thôi, anh chào vĩnh biệt. Anh giờ 60 rồi, chất lượng tinh trùng giảm sút, lão hóa rồi, sản phẩm mà không khỏe mạnh, thông minh, không khéo gây tội ác, gánh nặng cho xã hội. Nhỡ nó bị “đao”, ngớ ngẩn thì sao?”. Thi sĩ Đăng Hành cũng không giấu giếm, rằng từ ngày anh tuyên bố “giải nghệ”, có không ít bà đến nhờ vả, nhưng anh nhất mực từ chối.


                 Tự Bạch

                                   Đăng Hành
Bắc Hồng có Nguyễn Đăng Hành
Vợ thì không có “nhân tình” vài xâu
Con thì con bí con bầu
“Giống thì giống Nhật giống Tầu giống Tây”
Bạn bè đó đó đây đây
Hèn sang lớn bé mưa mây tức thì…
Đăng Hành tức lão Kinh Thi
Đài nghe công cộng tivi xem nhờ
Gia tài bầu rượu túi thơ
Giang sơn điền sản vẫn chưa thèm đòi
Bầu trời trái đất rong chơi
Rượu thơ, thơ rượu mặc đời đảo điên
An nhàn vô sự - Thần tiên.

Còn tiếp…

Phạm Ngọc Dương
Bình luận
vtcnews.vn