Thi quốc gia chung, phân luồng sau THCS thế nào?

Giáo dụcThứ Tư, 19/02/2014 07:18:00 +07:00

(VTC News) - Bên cạnh hướng tới 1 kỳ thi quốc gia duy nhất để lấy kết quả xét tuyển ĐH, CĐ, việc phân luồng học sinh sau THCS cũng được các chuyên ra góp ý.

Vừa qua, chuyên đề đổi mới giáo dục tương lai hướng tới 1 kỳ thi quốc gia chung được VTC News khởi xướng đã nhận được được hàng trăm nghìn lượt bạn đọc quan tâm, hàng nghìn bình luận, góp ý của độc giả và các chuyên gia.

Học sinh cần phải học toàn diện để hướng tới một kỳ thi quốc gia chung

Sau khi ý kiến của PGS-TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, về việc tiến tới gộp 2 kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng trở thành một kỳ thi quốc gia chung từ năm 2015 được đăng tải, tòa soạn tiếp tục nhận được nhiều ý kiến tâm huyết của các chuyên gia, cựu quan chức ngành giáo dục.

Nhà giáo Nhân dân, GS-TS Võ Tòng Xuân cho rằng thí sinh muốn vào đại học, cao đẳng, bên cạnh bằng tốt nghiệp THPT, phải có thêm “chứng chỉ trình độ sẵn sàng”

GS.TSKH Lâm Quang Thiệp, Nguyên Vụ trưởng Vụ giáo dục Đại học cũng khẳng định việc tiến tới kỳ thi quốc gia chung và học sinh có thể tham gia dự thi từ 2 lần/ năm đến 4 lần/ năm.

Ngày 13/2, trong Hội nghị quán triệt Nghị Quyết Trung ương 8, khóa XI và triển khai nhiệm vụ năm học 2013 -2014 khối các Sở GD-ĐT, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng trong tương lai ngành giáo dục phải tiến tới mô hình một kỳ thi, một bài thi nhưng vẫn đánh giá đúng năng lực của học sinh.

Sau đó, các chuyên gia giáo dục tiếp tục khẳng định phải tiến hành bỏ điểm sàn đại học, cao đẳng ngay trong năm 2014 không ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục đại học.

Tiếp tục khẳng định tính tất yếu cần phải tiến tới một kỳ thi quốc gia chung, nhiều chuyên gia còn đưa ra nhiều phải pháp đồng bộ cho giáo dục Việt Nam.

Bên cạnh đó, việc phân luồng học sinh sau THCS cũng phải được thực hiện một cách nghiêm túc và quyết liệt.
Báo điện tử VTC News xin giới thiệu những gợi ý về việc phân luồng học sinh sau THCS của PGS- TS Trần Xuân Nhĩ qua bài viết sau.
kỳ thi quốc gia chung

 Việc phân luồng sau THCS cũng vô cùng quan trọng trong việc đổi mới căn bản toàn diện giáo dục

Trước mắt, ổn định hệ thống giáo dục phổ thông như hiện nay” theo nghị quyết Hội nghị Ban chấp hành Trung ương lần thứ 8. Theo tôi từ nay đến 2018 hệ thống giáo dục phổ thông tạm giữ 12 năm bao gồm: (Tiểu học: 5 năm, THCS: 4 năm), THPT: 3 năm.
Bầu chọn
Có nên tổ chức một kỳ thi quốc gia chung?

Bậc trung học phổ thông nên phân thành 3 luồng với khoảng 50% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học trường THPT để đào tạo tiếp lên cao đẳng, đại học; khoảng 25% học sinh học trường phổ thông có học nghề 2-3 năm, khoảng 25% học sinh học trường nghề ngắn hạn từ 6 tháng - 1 năm tại các trung tâm giáo dục thường xuyên và được bổ túc trình độ văn hóa trung học phổ thông.
Chương trình trung học phổ thông 3 năm trong giai đoạn chuyển tiếp (2014 - 2018) nên giành 1 năm học Anh văn, 2 năm còn lại có thể phân thành 3 ban (Kinh tế, Xã hội, Tự nhiên) hoặc 4 ban (Kinh tế, Xã hội, Toán-lý và Hóa sinh).
Đây là cơ hội rất thuận lợi để nâng cao trình độ tiếng Anh cho học sinh THPT, tạo điều kiện cho Việt Nam sớm hội nhập trong khu vực và thế giới.
Đối với học sinh cấp THCS ngay từ năm học 2014-2015 cần tăng cường học Anh văn ngay từ lớp đầu cấp.
Từ Năm học 2018-2019 trình độ Anh văn học sinh tốt nghiệp THCS đã khá lên rồi, lúc bấy giờ bậc THPT có thể bỏ đi năm học ngoại ngữ Anh văn chuyển tiếp và hệ phổ thông chỉ còn lại 11 năm.
Khi chuyển bậc THPT học 2 năm sẽ giảm được sự căng thẳng về quy mô như hiện nay, sẽ dành được 1/12 ngân sách của toàn xã hội ( Gồm của nhà nước và của nhân dân) để đầu tư trở lại cho ngành giáo dục. Chất lượng giảng dạy, học tập chắc chắn sẽ được nâng lên.
Số trường THPT trong cả nước hiện nay có khoảng gần 2.800 trường có thể phân hóa và cải tạo thành 3 loại trường trên. Đào tạo lại đội ngũ giáo viên cấp THPT từng bước đảm bảo giảng dạy ở 3 loại trường trên.
Hệ thống giáo dục phải nhanh chóng chuyển sang hệ giáo dục mở, nghĩa là phải nhanh chóng xóa bỏ tất cả các rào cản, tạo điều kiện để người dân tiếp cận thuận lợi với giáo dục.

 PGS-TS Trần Xuân Nhĩ đưa ra kế hoạch phân luồng sau THCS để tiến tới 1 kỳ thi quốc gia chung

Những rào cản hiện nay như việc thi cử nặng nề, quy định tuổi tác theo học các bậc học.
Nghiên cứu giảm số năm học ở Đại học từ 4 năm xuống 3 năm (trừ một số trường đặc biệt: y khoa, nghệ thuật).
Bầu chọn
Bỏ điểm sàn đại học, cao đẳng từ 2014 có ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục?

Xét về góc độ bậc học thì hệ thống giáo dục quốc dân của Việt Nam nên thiết kế như sau:
Bậc giáo dục Tiểu học: 5 năm.
Trung học cơ sở: 4 năm
Trung học phổ thông: 2 năm
Trung học phổ thông có nghề: 2 đến 3 năm
Trung học bổ túc nghề: 6 tháng đến 1 năm, tùy theo nghề đồng thời học chương trình bổ túc văn hóa THPT.
Cao đẳng: Từ 2 đến 3 năm. Có thể lấy học sinh có chứng chỉ THPT hoặc liên thông từ Trung học nghề hoặc cao đẳng nghề.
Đại học: Từ 3 đến 4 năm, trừ một số trường có yêu cầu đào tạo đặc biệt như Y Khoa. Có thể lấy học sinh liên thông từ Cao đẳng
Việc đánh giá môn học, bậc học phải dựa vào kết quả quá trình học của học sinh và cuối môn học hoặc cuối bậc học (Tiểu học, THCS).
Các học sinh học hết THPT, các môn học đạt từ điểm trung bình trở lên, đạo đức từ khá trở lên, các hoạt động kỹ năng sống đạt yêu cầu được cấp chứng chỉ THPT.  
Chứng chỉ này có giá trị đăng ký học THPT có nghề, trung học nghề và dự thi kỳ thi tốt nghiệp phổ thông quốc gia.
Những học sinh tốt nghiệp THPT quốc gia được cấp bằng và được đăng ký vào học các trường Đại học, Cao đẳng. Cách tổ chức như thế này có thể thực hiện ngay năm 2014 hoặc chậm là 2015.
Các trường đại học, cao đẳng được quyền tự chủ tuyển sinh theo chỉ tiêu Bộ GĐ-ĐT giao dựa trên khả năng (cơ sở vật chất và đội ngũ cán bộ giảng dạy) theo phương thức xét tuyển, xét tuyển kết hợp với thi tuyển hoặc tổ chức thi tuyển theo điều 34 luật đại học.
Điều này có thể thực hiện ngay năm học 2014-2015 nếu Bộ tập trung tổ chức thi tốt nghiệp Phổ thông trung học 2013-2014 có chất lượng.
Bộ không nên tổ chức 2 kỳ thi trong 1 mùa hè (Thi tốt nghiệp phổ thông và thi tuyển sinh Đại học, Cao đẳng) vừa tốn kém, vừa nặng nề, vừa không phù hợp với luật đại học và Nghị quyết 29/NQTW.
Độc giả có đồng ý với quan điểm của tác giả? Hãy gửi ý kiến bình luận cho chúng tôi theo ô thảo luận cuối bài viết để làm sáng tỏ vấn đề rất lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến tương lai đất nước này. 
Bình luận
vtcnews.vn