Thi năng khiếu vào Học viện Báo chí Tuyên truyền đặc biệt thế nào?

Giáo dụcThứ Sáu, 04/03/2016 01:06:00 +07:00

Tuyển sinh năng khiếu báo chí: Lãnh đạo Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã chia sẻ những điểm mới khi dự thi vào trường năm 2016.

(VTC News) – Lãnh đạo Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã chia sẻ những điểm mới khi dự thi vào trường năm 2016.

Trả lời phỏng vấn VTC News, PGS.TS Lưu Văn An – Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết, năm nay trường vẫn giữ nguyên chỉ tiêu tuyển sinh là 1.550 với 28 chuyên ngành đào tạo.

Tuy nhiên, trong mùa tuyển sinh năm 2016, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cũng đưa ra nhiều điểm đổi mới để nâng cao chất lượng đào tạo.
PGS.TS Lưu Văn An – Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền
PGS.TS Lưu Văn An – Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền trao đổi với VTC News về điểm mới trong tuyển sinh năm 2016 (Ảnh: Phạm Thịnh) 

Đề thi năng khiếu báo chí thế nào?

PGS.TS Lưu Văn An cũng cho biết năm 2016, Học viện Báo chí và Tuyên truyền tiếp tục sử dụng bài thi năng khiếu để lựa chọn sinh viên vào chuyên ngành báo chí. Đề thi năng khiếu gồm 3 phần (10 điểm), làm bài trong 150 phút.

Phần 1, đề thi đưa ra hình thức trắc nghiệm (3 điểm) bao gồm kiến thức của các môn Văn, Sử, Địa, Giáo dục công dân.

Phần 2, đề thi sẽ đưa ra một văn bản sai và yêu cầu thí sinh phải phát hiện chỗ sai để sửa thành văn bản hoàn chỉnh (3 điểm).

Phần thi này thường sử dụng các bài báo đã đăng trên các báo uy tín và có trích dẫn đầy đủ, chính xác. Đề thi nhằm kiểm tra tư duy logic, hệ thống của thí sinh.


Đối với những thí sinh có cách làm hay dù không đúng 100% với đáp án cũng sẽ được cho điểm. Nhà trường luôn khuyến khích thí sinh có cách làm sáng tạo nhưng vẫn hợp lý.

Phần 3, đề thi sẽ đưa 1 vấn đề chính trị, kinh tế hoặc xã hội để thí sinh bình luận, đưa ra quan điểm và chính kiến của mình qua bài viến ngắn (4 điểm). Bài luận của thí sinh được yêu cầu chỉ từ 300-400 chữ.

PGS An cho biết đề thi yêu cầu thí sinh thể hiện kiến thức về các sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội. Đó cũng là những kiến thức nền mà những nhà báo tương lai cần có.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng đề thi năng khiếu vào trường năm 2015 quá khó so với học sinh phổ thông. Từ việc đánh giá kết quả tuyển sinh năng khiếu báo chí năm 2015, PGS An cho biết nhiều bài thi đạt chất lượng cao. Chính vì vậy, chất lượng sinh viên các chuyên ngành báo chí được nâng lên rõ rệt.

Trong mùa tuyển sinh năm 2015, nhà trường cũng đã tuyển được nhiều thí sinh có năng khiếu báo chí, có đam mê với nghề báo.

“Đề thi tuyển mà khó thì cũng không quan trọng. Đề thi khó thì khả năng phân loại thí sinh càng cao”, Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền nhấn mạnh.

Năm 2015, nhà trường cũng đã công khai đề thi và đáp án môn thi năng khiếu để các thí sinh có thể kiểm tra.

“ Những thí sinh dự thi vào trường năm 2016 có thể tham khảo mẫu đề đã công bố”, PGS Lưu Văn An lưu ý.
Sinh viên khoa Phát thanh - Truyền hình (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) thực hành kỹ năng quay phim và phỏng vấn
Sinh viên khoa Phát thanh - Truyền hình (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) thực hành kỹ năng quay phim và phỏng vấn 

Cảm thụ hình ảnh thế nào?

Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền cũng chia sẻ điểm mới trong tuyển sinh năm nay tập trung vào chuyên ngành báo ảnh, quay phim. Năm 2016, Học viện Báo chí và Tuyên truyền sẽ phỏng vấn trực tiếp thí sinh vào 2 chuyên ngành này.

Đối với ngành báo ảnh và quay phim, hiện tại hội đồng tuyển sinh của trường đang thảo luận và đưa một số hình thức phỏng vấn dự kiến sẽ được thực hiện.

“Chúng tôi có đưa ra một loạt ảnh, yêu cầu thí sinh lắp ráp theo chủ để và thuyết minh; đưa ra 1 bức ảnh yêu cầu thí sinh phân tích về góc độ chính trị, xã hội mà bức ảnh phản ánh; đưa ra 1 bức ảnh bắt thí sinh cắt làm 2 - 3 bức khác và nói về ý đồ của mình; đưa máy ảnh cho thí sinh chụp 1 bức bất kỳ trong khuôn viên trường thi và thuyết minh…”, PGS An đưa ra một số ví dụ về bài thi có thể ra.

Ông An cũng cho rằng để làm tốt được bài thi này, thí sinh phải có sự tìm hiểu về bố cục hình ảnh, về nội dung bức ảnh để từ đó có những phân tích chính xác nhất.

“Chúng tôi sẽ đưa ra nhiều phương án tuyển sinh để phát hiện ra năng khiếu của từng thí sinh”, PGS An khẳng định.

Ngoài ra, thí sinh dự thi vào chuyên ngành báo hình cũng cần tiêu chuẩn về chiều cao và sức khỏe.

Lý giải về điều này, PGS Lưu Văn An cho biết trong quá trình đào tạo, sinh viên thuộc chuyên ngành quay phim bắt buộc phải có một số tố chất cơ bản chiều cao, sức khỏe để có thể tác nghiệp thuận lợi.

“Bây giờ nếu người quay phim có chiều cao, có sức khỏe thì đó là lợi thế lớn khi đi tác nghiệp”, PGS An dẫn chứng.

Bên cạnh đó, đối với ngành báo ảnh, sinh viên cần có trình độ cảm nhận về hình ảnh, hình khối, khuôn hình, bố cục.

Để đảm bảo công bằng khi phỏng vấn trực tiếp, thí sinh dự thi vào chuyên ngành quay phim và báo ảnh sẽ được 3 giám khảo phỏng vấn và cho điểm.

Xếp chuyên ngành sau 1 năm

Lãnh đạo Học viện Báo chí và Tuyên truyền khẳng định mùa thi năm nay, đối với các chuyên ngành báo chí sẽ không phân ngành ngay từ đầu mà lấy điểm chuẩn đầu vào chung.

Thí sinh sau khi đỗ vào ngành này chỉ được phân chuyên ngành sau năm thứ nhất, khi sinh viên đã học hết các kiến thức đại cương.

Việc xếp ngành học sau một năm sẽ giúp cho các em hiểu được cơ bản về các chuyên ngành báo chí, từ đó sẽ lựa chọn cho mình ngành học thích hợp.

“ Việc phân ngành trước hết sẽ căn cứ vào nguyện vọng của sinh viên. Nếu có nhiều sinh viên cùng đăng ký thì sẽ ưu tiên xét tuyển dựa trên kết quả học tập của năm đầu tiên, điểm đầu vào, thái độ với việc học…”, PGS An thông tin.

Các tiêu chí này sẽ được công khai để sinh viên được biết và có động lực phấn đấu.

PGS Lưu Văn An cũng lưu ý, trong thực tế khi tuyển sinh có một số thí sinh có lầm tưởng vào Học viện Báo chí và Tuyên truyền có thể học luôn vào chuyên ngành báo chí mà không cần học các môn tư tưởng, các môn học khác.

“Tuy nhiên, một nhà báo thì phải hiểu biết về chính trị để có thể viết đúng và không vi phạm pháp luật”, PGS An nhấn mạnh.


Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn