Thí điểm đón khách quốc tế: Cơ hội vàng để du lịch Việt Nam 'rã đông'?

Thị trườngThứ Năm, 30/09/2021 09:09:00 +07:00
(VTC News) -

Thí điểm đón khách quốc tế đến Phú Quốc được cho là sự mở đầu cho kế hoạch hồi phục dần ngành du lịch đóng băng, thậm chí là "chết lâm sàng" vì đại dịch COVID-19.

Gần 2 năm du lịch quốc tế đóng băng do bão COVID-19, ngành kinh tế xanh rơi vào khủng hoảng chưa từng có, chạm “đáy của đáy”. Bởi thế, ngay khi có chủ trương cho thí điểm mở lại thị trường quốc tế của Bộ Chính trị và chỉ đạo của Chính phủ về việc đón khách tới Phú Quốc bằng “hộ chiếu vaccine”, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đã khẩn trương xây dựng kế hoạch thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Phú Quốc. 

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng cho biết: “Bộ hết sức cẩn trọng trong việc mở lại thị trường khách quốc tế, vừa phòng chống COVID-19, nhưng cũng không làm đứt gãy hoạt động du lịch. Khi mở cửa trở lại phải đảm bảo an toàn cho cả người dân và du khách. Hy vọng, thị trường quốc tế sẽ được khởi động lại hiệu quả, an toàn bắt đầu từ hiệu ứng Phú Quốc”.

Nắm bắt cơ hội vàng...

Ông Nguyễn Lê Phúc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch khẳng định, việc thí điểm đón khách quốc tế đến Phú Quốc (Kiên Giang) và xa hơn có thể là những địa điểm khác không chỉ là quyền lợi mà còn là trách nhiệm của các doanh nghiệp, nhằm từng bước phục hồi thị trường, giúp ngày trở lại của du lịch Việt ngày một gần hơn.

Theo ông Phúc, hiện nay, việc thí điểm đón khách quốc tế được diễn ra ở phạm vi nhỏ, lựa chọn các doanh nghiệp, cơ sở lưu trú, điểm tham quan, cơ sở dịch vụ đủ điều kiện tham gia, đáp ứng năng lực chuyên môn và công tác đảm bảo an toàn trong quá trình triển khai.

"Như vậy, việc tham gia thí điểm đón khách quốc tế sẽ vừa là quyền lợi vừa là trách nhiệm của doanh nghiệp. Tuy nhiên, các doanh nghiệp sẽ luôn có sự hướng dẫn, đồng hành, hỗ trợ của cơ quan có thẩm quyền", ông Phúc nói.

Ông Phúc cũng lý giải mục đích của kế hoạch thí điểm đón khách quốc tế đến Phú Quốc là để hút khách ngoại đến Việt Nam, giúp khôi phục lại hoạt động của ngành du lịch và các ngành kinh tế, dịch vụ liên quan, góp phần đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương. Đồng thời, truyền thông, quảng bá hình ảnh Việt Nam, khẳng định thương hiệu điểm đến của du lịch Việt Nam.

Thí điểm đón khách quốc tế: Cơ hội vàng để du lịch Việt Nam 'rã đông'? - 1

Du lịch Việt Nam đang chờ ngày hồi phục sau thời gian dài chịu tác động của COVID-19. 

Việc khởi động thí điểm đón khách quốc tế tại Phú Quốc khiến nhiều doanh nghiệp lữ hành bày tỏ sự hứng khởi và cho biết đã sẵn sàng ở tâm thế phục vụ du khách tốt nhất theo tiêu chí an toàn hàng đầu rồi sau đó là chất lượng dịch vụ cung ứng.

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: “Đây là một cơ hội lớn để các doanh nghiệp vốn chịu ảnh hưởng nặng nề do COVID-19 hồi phục, kkhông chỉ là doanh nghiệp ở Phú Quốc mà còn tiến tới các doanh nghiệp trên toàn Việt Nam. Nếu Phú Quốc làm tốt thì sẽ là điều thuận lợi để cho những nơi khác làm tiếp”.

Nói về tiềm năng hút khách của du lịch Việt Nam hậu COVID-19, ông Trần Đạo Đức - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn CEO - tỏ ra rất lạc quan. "Rõ ràng nhu cầu đi lại của người dân rất cần thiết nhưng đã bị nén lại trong cả quãng thời gian dài và nếu như được phép du lịch trở lại, người dân sẵn sàng bỏ ra chi phí để giải tỏa sự dồn nén đó. Có một thực tế là nhiều người đã quên mất cảm giác được nằm trên bãi biển, được nghe sóng vỗ như thế nào và họ rất cần, khao khát có một sự giải tỏa như vậy. Chính vì thế, khi được phép đi du lịch trở lại, nhu cầu này sẽ bùng phát và tăng đột biến về số lượng khách, như một chiếc lò xo được nén lâu ngay nay bung ra hết sức", ông Đức nhận định. 

Bộ VHTTDL cũng cho rằng, từ việc thí điểm đón khách quốc tế đến Phú Quốc, sẽ từng bước mở rộng ra Hạ Long (Quảng Ninh), Hội An (Quảng Nam), Nha Trang (Khánh Hòa), Đà Lạt (Lâm Đồng)... Đây là điều kiện để hồi phục từng bước du lịch Việt Nam, sau thời gian dài đóng băng. 

"Thời gian tới, ngành du lịch sẽ tập trung phát triển các sản phẩm chủ đạo theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng, có thương hiệu và sức cạnh tranh cao. Đồng thời, chú trọng sản phẩm du lịch đặc thù của mỗi địa phương, mỗi vùng, phù hợp với lợi thế tài nguyên du lịch, đảm bảo kết nối với hệ thống sản phẩm du lịch của vùng và quốc gia. Đặc biệt, đẩy mạnh hỗ trợ phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn; Khuyến khích phát triển du lịch theo mô hình tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn", ông Nguyễn Lê Phúc thông tin.

"Phú Quốc đã chuẩn bị kế hoạch để đón khách quốc tế" - đó là khẳng định của Chủ tịch UBND TP. Phú Quốc Huỳnh Quang Hưng. Ông Hưng cho rằng ngành du lịch phải sống chung với dịch và việc triển khai thí điểm đón du khách quốc tế sở hữu “hộ chiếu vaccine” đến Phú Quốc là khả thi và cấp thiết. 

Phú Quốc đang có đầy đủ điều kiện để có thể đón khách trở lại. Thành phố có tổng cộng 25.000 phòng khách sạn, trong đó 15.000 phòng tiêu chuẩn 5 sao, nhiều khu vui chơi giải trí cao cấp, các khu đô thị, mua sắm cũng đã hình thành, đáp ứng nhu cầu của du khách.

Ngay cả khi mới đây, thành phố Phú Quốc phát hiện những ca mắc COVID-19 mới thì lãnh đạo địa phương này vẫn khẳng định kế hoạch thí điểm đón khách quốc tế triển khai bình thường. Tuy nhiên, để chuẩn bị tốt hơn, ngày mở cửa có thể lùi sang cuối tháng 11 thay vì tháng 10 như trước.

... nhưng phải lường trước thách thức

Khẳng định phải sống chung với dịch, không thể "đóng cửa" mãi ngành du lịch, song nhiều chuyên gia vẫn nhấn mạnh những thách thức trong bối cảnh mới, cần phải được lường trước để đối phó. Theo đó, các đơn vị cần có sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng từ việc khảo sát điểm đến, xây dựng các gói dịch vụ, tour du lịch khép kín, cho đến bảo đảm an toàn và cần tính đến nguồn nhân lực phục vụ du khách. Địa phương và các bộ, ngành phải tính toán cẩn trọng để không mang dịch bệnh vào Việt Nam, nhưng cũng đủ thuận lợi để khách du lịch sẽ lựa chọn điểm đến là Việt Nam.

Nói về sự cẩn trọng này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh: “Việc mở lại thị trường làm đến đâu phải chắc đến đấy, chia lộ trình rõ ràng. Thời gian đầu nên lựa chọn, khu trú khách vào một số khu nghỉ dưỡng lớn, sau đó mới mở rộng ra các địa bàn, loại hình lưu trú khác trên toàn Phú Quốc. Thống nhất thành lập Tổ công tác tư vấn và giám sát việc mở lại thị trường du lịch do Thứ trưởng Đoàn Văn Việt làm Tổ trưởng. Tất cả các bên phải sẵn sàng và thống nhất, đảm bảo việc mở lại hiệu quả, an toàn cho người dân và khách du lịch, khẳng định hình ảnh điểm đến Việt Nam".

Chuyên gia Phạm Chi Lan nêu quan điểm: Việt Nam cần đẩy nhanh việc tiếp nhận khách du lịch nước ngoài có hộ chiếu vaccine tuy nhiên không thể ồ ạt tiếp nhận ở khắp mọi nơi, thậm chí hiện vẫn chưa phải là thời điểm có thể mở cửa rộng rãi ngành du lịch trên cả nước. Lý do là vì dịch bệnh còn phức tạp và Nhà nước vẫn chưa có một chính sách chung cụ thể.

"Khi khách quốc tế đến Việt Nam sẽ muốn di chuyển từ địa danh A đến địa danh B rồi đến địa danh C, thời điểm này là vẫn chưa được do mỗi địa phương đòi hỏi các yêu cầu khác nhau về phòng chống dịch bệnh; Hay như dịch vụ ăn uống, chỗ này được mở, chỗ kia không được mở…dẫn đến khách hàng không có quyền tự do di chuyển trong kỳ nghỉ của mình”, bà Lan phân tích.

Do đó, bà Lan cho rằng, việc mở cửa trở lại của ngành du lịch đòi hỏi phải có sự đồng bộ trong chính sách, áp dụng chung trên cả nước đối với tất cả các vùng du lịch: “Điều rất quan trọng. Theo tôi, ngành du lịch cần một chính sách chung của chính phủ. Vì du lịch không thể hoạt động được nếu như các ngành liên quan không hoạt động”, bà Lan nói.

Mở rộng vấn đề hơn, chuyên gia Phạm Chi Lan cho rằng việc áp dụng thẻ xanh COVID là rất cần thiết không chỉ đối với du lịch mà còn đối với các chuyên gia, các nhà đầu tư và những người kinh doanh. Bởi đây là những người trực tiếp mang tiền vào đầu tư tại Việt Nam, mang lại công ăn việc làm cho người lao động. Theo bà Lan, đây là định hướng tiếp theo sau khi đã áp dụng thành công thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Phú Quốc.

Ngày 10/9, Văn phòng Chính phủ có văn bản thông báo Thủ tướng cơ bản đồng ý với đề xuất của Bộ VHTTDL về phương án thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Phú Quốc.

Theo kế hoạch, Phú Quốc sẽ được thí điểm đón khách quốc tế trong thời gian 6 tháng.

Đối tượng được thực hiện thí điểm là khách du lịch quốc tế có chứng nhận tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19 được cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam công nhận, thời gian tiêm mũi 2 ít nhất 14 ngày và không quá 12 tháng tính đến lúc nhập cảnh. Có chứng nhận đã khỏi bệnh COVID-19 được cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam công nhận. Thời gian từ lúc xuất viện tính đến ngày nhập cảnh không quá 12 tháng.

Đồng thời, phải xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR/RT-LAMP trong vòng 72 giờ trước khi xuất cảnh và được cơ quan có thẩm quyền của nước thực hiện xét nghiệm cấp chứng nhận (bằng tiếng Anh) với kết quả âm tính. Đã đăng ký tham gia chương trình du lịch trọn gói của doanh nghiệp lữ hành.

Khách sạn, khu nghỉ dưỡng được chọn tham gia chương trình thí điểm phải có xếp hạng 3-5 sao, có khu vực lưu trú riêng biệt cho du khách quốc tế và không tiếp xúc cộng đồng. Những nơi này phải có khu vực lấy mẫu xét nghiệm, cách ly riêng biệt.

Tại đây, du khách được lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 và lưu trú trong khu vực có kiểm soát trước khi có kết quả. Trong trường hợp có kết quả dương tính hoặc nghi nhiễm sẽ được điều trị hoặc cách ly (có thu phí) theo quy định của Bộ Y tế. Có kết quả âm tính, du khách tiếp tục tham quan các địa điểm trong chương trình.

Thy Huệ - Công Hiếu
Bình luận
vtcnews.vn