Thí điểm dạy tiếng Nga, tiếng Trung: Chuyên gia lo 'cồng kềnh', kém hiệu quả

Giáo dụcThứ Tư, 21/09/2016 13:46:00 +07:00

Chuyên gia giáo dục cho rằng việc thí điểm dạy thêm nhiều môn ngoại ngữ chỉ khiến cho chương trình học phổ thông thêm cồng kềnh và kém hiệu quả.

Trước thông tin Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thí điểm dạy tiếng Nhật từ lớp 3 tại 5 trường ở Hà Nội, TP.HCM tiến tới thực hiện dạy thí điểm tiếng Nga và tiếng Trung bắt đầu từ năm sau, rất nhiều phụ huynh, giáo viên đã bày tỏ ý kiến về vấn đề này.

GS Vũ Tuấn, nguyên Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Hà Nội, chủ tịch HĐQT trường THPT Hồng Hà (Hà Nội) chia sẻ: "Trong khi chất lượng dạy và học tiếng Anh hiện nay còn rất nhiều bất cập thì việc thí điểm dạy thêm nhiều môn ngoại ngữ nữa vào chương trình học phổ thông chỉ khiến cho chương trình học phổ thông thêm cồng kềnh và kém hiệu quả”.

gs vu tuan -2

 GS Vũ Tuấn, nguyên Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Hà Nội, chủ tịch HĐQT trường THPT Hồng Hà (Hà Nội)

Nguyên Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng thay vì ôm đồm quá nhiều môn ngoại ngữ, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ cần tập trung làm thật tốt và thật hiệu quả một môn ngoại ngữ phổ biến nhất và cũng cần thiết nhất là môn tiếng Anh.

Môn tiếng Anh trở nên phổ biến là vì nhu cầu thực sự của toàn xã hội. Đó là thứ tiếng được sử dụng ở hầu hết các công ty đa quốc gia, ở hầu hết các hội nghị hay văn bản quốc tế.

Thăm dò ý kiến: Có nên thí điểm dạy tiếng Nga, tiếng Trung, tiếng Nhật từ lớp 3 cho học sinh?

Ngoài tiếng Anh, tiếng Pháp cũng được sử dụng ở rất nhiều quốc gia thuộc khối các quốc gia sử dụng tiếng Pháp nên cũng là nhu cầu của một bộ phận xã hội, vì vậy việc học tiếng Pháp ở một số trường phổ thông cũng được xã hội đồng tình.

Tuy nhiên, GS Tuấn cho rằng cũng chỉ dừng lại ở một, hai trường có lớp học tiếng Pháp như ngoại ngữ thứ nhất vì dù thế nào đó cũng chỉ là nhu cầu của một bộ phận nhỏ trong xã hội.

Video: Hot girl Tú Linh nói tiếng Anh "nhanh như gió"

Trong khi đó, tiếng Nga, tiếng Trung và tiếng Nhật được sử dụng ở ít quốc gia nên nhu cầu học những môn ngoại ngữ này là rất ít, số lượng học sinh muốn đi du học ở Nga, Trung Quốc hay Nhật Bản cũng không nhiều.

“Do đó, nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo thí điểm dạy ở một số trường rồi tiếp tục nhân rộng ra các trường khác trên địa bàn các thành phố lớn như Hà Nội hay TP.HCM  thì có lẽ là không hợp lý. Và nếu như việc thực hiện đề án không đi liền với nhu cầu xã hội thì sẽ dễ dẫn tới lãng phí và không hiệu quả”, GS Vũ Tuấn nhấn mạnh.

day tieng nga-2

Chuyên gia Nga Varvara Osipova giảng dạy cho sinh viên của trường ĐH Ngoại ngữ-ĐHQG HN

tại trụ sở Phân viện Puskin.

 

Cũng có cùng quan điểm này, cô Tô Thị Mai, giáo viến tiếng Anh của trường THPT Hồng Hà (Hà Nội) cho rằng việc thực hiện phát triển môn tiếng Anh hiện nay còn rất nhiều vấn đề cần phải khắc phục.

“Ví dụ như việc Hà Nội chưa thực hiện cho học sinh thi vào lớp 10 môn tiếng Anh nên trình độ tiếng Anh của học sinh THPT phân hóa làm 2 mức rất rõ rệt.

Một số lượng các em học sinh được gia đình chăm lo cho học tiếng Anh từ bé nên sử dụng tiếng Anh rất tốt và một bộ phận học sinh không quan tâm đến môn tiếng Anh, coi môn tiếng Anh là môn phụ vì không phải thi môn này trong kỳ thi vào 10”, cô Mai dẫn chứng.

Tuy nhiên khi lên bậc THPT, chương trình tiếng Anh cho học sinh THPT khá nặng khiến những em học sinh bị rỗng kiến thức càng ngày càng đuối so với các bạn.

Việc giảng dạy với hai đối tượng phân hóa quá rõ rệt như vậy trở nên rất khó khăn. Đó là một trong những lý do mặc dù đã thực hiện đầu tư và tăng cường nhiều nhưng vẫn còn một số lượng rất lớn học sinh không có trình độ tiếng Anh.

Video: Hot girl An Japan nói tiếng Anh khiến nhiều người ngỡ ngàng

Đặc thù của môn ngoại ngữ nếu muốn dạy và cho học sinh luyện tập được cùng lúc nhiều kỹ năng thì lớp học chỉ nên có sĩ số khoảng hơn 20 học sinh.

Trong khi đó, hầu hết các trường quốc lập hiện nay luôn giữ các lớp ở sĩ số từ 40-60 học sinh, nên dù đầu tư bao nhiêu tiền vào các đề án thì tỉ lệ học sinh sử dụng thành thạo được  tiếng Anh vẫn còn rất nhỏ.

 Hiện nay, trình độ tiếng Anh của học sinh vẫn phải dựa chủ yếu vào việc đi học thêm ở các trung tâm với sĩ số lớp học thêm chỉ khoảng 10 em/ lớp.

Vì vậy các giáo viên cho rằng, nếu thêm nhiều môn ngoại ngữ được dạy ở trường nhưng với sĩ số lớp học lớn như hiện nay thì sẽ không mạng lại lợi ích nhiều cho xã hội và trình độ ngoại ngữ của học sinh nói chung.

day tieng nga -3

 Chuyên gia Nga Varvara Osipova giảng dạy cho học sinh trường THPT chuyên Nguyễn Huệ (Hà Nội). Ảnh: Phân viện Puskin

Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quyết định thí điểm dạy tiếng Nhật được áp dụng bắt đầu từ học sinh lớp 3 cũng gây xôn xao trong dư luận.

Cô Lã Thúy Hằng, giáo viên trường tiểu học Nguyễn Khuyến (Hà Nội) cho rằng, để tăng thêm khả năng sáng tạo, tư duy độc lập và phát triển các kỹ năng sống cần thiết cho trẻ thì chương trình học của trẻ tiểu học hiện nay cần được tăng thêm giờ học ngoại khóa.

Vì vậy, việc thêm nhiều môn ngoại ngữ vào chương trình học chính khóa là điều khiến các giáo viên tiểu học hết sức băn khoăn.

Chị Trương Thu Hương, phụ huynh của một học sinh tiểu học tại Hà Nội thắc mắc :”Chúng tôi không hề có nhu cầu cho con học tiếng Nga, tiếng Trung hay tiếng Nhật. Vậy nếu như Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện điều này đôi với trường mà con tôi đang học, liệu con tôi có bắt buộc phải chọn một trong những ngoại ngữ này để học như ngoại ngữ thứ nhất không?”

Chị Hương cho rằng nếu học sinh phải theo đuổi một ngoại ngữ mà ít có nhu cầu sử dụng đến trong tương lại thì sẽ mất thời gian, lại không có tác dụng

“Nếu như phụ huynh được chọn cho con học hoặc không mà số lượng phụ huynh đăng ký cho con học những môn này rất it thì việc thực hiện đề án này có tiếp tục thực hiện ở các trường có tỉ lệ đăng ký ít hay không?”, chị Hương đặt câu hỏi.

Minh Đức
Bình luận
vtcnews.vn