Phóng sự - Khám phá

Theo dấu ‘thuồng luồng’: Bí ẩn đầm Ao Châu

Thứ Tư, 28/09/2022 09:36:00 +07:00

(VTC News) - Người ta nói ngày trước giải ở đây nhiều lắm, to như cái nong, khi đói có thể táp, rút cả trâu xuống để ăn thịt.

Tôi có nhiều bà con, họ hàng ở gần khu vực đầm Ao Châu (thuộc huyện Hạ Hòa, Phú Thọ). Họ bảo đầm này rộng lắm, chẳng khi nào cạn, nhiều ngóc ngách, có nơi sâu hàng chục mét. Họ còn bảo ở đầm ấy ngày xưa có nhiều thuồng luồng, hay còn gọi là con giải, tức là loài vật giống ba ba nhưng lớn hơn rất nhiều, có thể to bằng cái nong, nặng hàng tạ. Khi đói, giải có thể táp, rút cả chân trâu xuống để ăn thịt. Tôi nghe mà thấy như huyền thoại.

>>>Theo dấu 'thuồng luồng': Đi tìm loài giải quý hiếm>>>

Theo dấu ‘thuồng luồng’: Bí ẩn đầm Ao Châu - 1

 

Nếu tìm trên Google Map thì không hề thấy hình hài đầm Ao Châu hiện lên. Thay vào đó là một chấm đỏ với vỏn vẹn ba chữ “đầm Ao Châu”. Trong khi đó, tôi nghe nói đầm này rộng vài trăm héc-ta. Tôi chuyển qua chế độ xem ảnh vệ tinh của Google Map, lúc này mới thấy rõ Ao Châu. Thì ra đầm này không phải là một vùng hồ rộng, thoáng mà là vùng nước xen lẫn đồi núi, xóm làng, cây cối chằng chịt. Nếu nói đây là “Hạ Long trên cạn” của tỉnh Phú Thọ thì cũng chẳng sai. Nhìn trên ảnh vệ tinh, mới thấy Ao Châu có biết bao nhiêu luồng lạch, ngõ ngách mà để nhớ hết được thì chắc chắn không hề đơn giản.

Người ta nói đầm Ao Châu, đúng như tên gọi của nó, trông xa như một viên ngọc minh châu xanh biếc, lấp lánh. Đầm sâu 10 - 15m, ngay ở bờ đã sâu tới 3 - 4m, rộng 300ha, thuộc địa phận của thị trấn Hạ Hòa và ba xã Ấm Hạ, Y Sơn và Phụ Khánh của huyện Hạ Hòa. Một số tài liệu nói đầm có 99 ngách với khoảng 100 hòn đảo.

Nhìn trên ảnh vệ tinh, có thể thấy đầm Ao Châu nằm ngay bên bờ sông Hồng phía tả ngạn. Người dân trong vùng nói đầm có đường nước thông với sông Hồng.

Theo dấu ‘thuồng luồng’: Bí ẩn đầm Ao Châu - 2

Đầm Ao Châu nhìn từ trên cao, bên phải là sông Hồng

Ông Hồng, ngoài 60 tuổi, chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch Hồng Lan là người lái thuyền đưa tôi đi thăm một góc đầm Ao Châu. Ông Hồng bảo ngày trước vùng này có nhiều con giải, nhưng vài chục năm nay thì không thấy nữa. Ông nói thêm, bây giờ đến ba ba cũng còn hiếm, nói chi đến loài thuồng luồng nặng hàng tạ. “Đầm này sâu trung bình khoảng 10m, chưa bao giờ cạn dưới 3 - 4m nước cả. Cá tôm còn nhiều, nhưng rùa lớn thì tuyệt nhiên không thấy”, ông Hồng nói.

Theo dấu ‘thuồng luồng’: Bí ẩn đầm Ao Châu - 3

Ông Hồng nói ngày trước vùng này có nhiều con giải, nhưng vài chục năm nay thì không thấy nữa

Một bài báo đăng trên VTC News vào năm 2016 kể rằng vào những năm 60 - 70 của thế kỷ trước, ở đầm Ao Châu còn nhiều giải lớn. Có ba ông chuyên săn giải trong vùng là Nguyễn Văn Áo, Trần Ước và Tô Ban. Bài báo dẫn lời ông Trần Văn Thường năm đó tròn 80 tuổi, sống ngay cạnh đầm Ao Châu, nói rằng: “Dưới đầm Ao Châu không có rùa khổng lồ, con nào to nhất chỉ 3 - 4kg thôi. Chỉ có con giải là to, cứ bằng cái nong một, to như con giải ở hồ Gươm ấy”.

Ông Thường kể cũng hay đi theo ông Ban, giúp ông Ban kéo rùa lên bờ, nên mỗi khi săn được rùa, đều được ông Tô Ban xẻ cho một cái đùi. Đùi rùa to và nhiều thịt hơn cả đùi lợn, nên chặt ra nấu một nồi đại, cả nhà ăn không hết. Thịt rùa khổng lồ mùi vị cũng không khác mấy thịt ba ba.

Ông Thường bảo, kể từ ngày vỡ đập do lũ sông Hồng vào năm 1971, rùa khổng lồ ở đầm Ao Châu ít hẳn, thậm chí gần như biến mất. Có thể chúng đã ra sông Hồng hết. Sau trận vỡ đập năm đó, ông Nguyễn Văn Áo, ông Trần Ước và ông Tô Ban, mỗi ông chỉ săn được một con rùa nữa. Trong đó, ông Áo săn được một con nặng 140 kg vào năm 1972, ông Ước săn được một con cỡ một tạ cũng vào năm đó, và năm 1974, ông Tô Ban bắt được một con kỷ lục, nặng tới 250 kg.

Theo dấu ‘thuồng luồng’: Bí ẩn đầm Ao Châu - 4

 

Tôi tìm gặp một người thường xuyên thả lưới đánh cá trên đầm Ao Châu. Ông Hà Văn Tuấn, năm nay 67 tuổi, bảo rằng ngày xưa đã từng chứng kiến người ta săn giải ở đầm Ao Châu. “Thợ săn phải nắm được quy luật đi lại, sinh hoạt của giải thì mới hòng bắt được chúng”, ông Tuấn nói.

Khác với cách đánh bắt tinh vi của nhóm thợ săn giải ở Ba Vì, thợ săn đầm Ao Châu chỉ dùng phương pháp đơn giản hơn là dùng giáo mác đâm. Nhưng để bắt thành công một con giải lớn thì không hề đơn giản.

 “Vì đầm nhiều chỗ sâu hàng chục mét nước nên phải rình, chọn thời điểm giải đang ở vùng nước nông vài ba mét mới được ra tay”, ông Tuấn kể.

Theo dấu ‘thuồng luồng’: Bí ẩn đầm Ao Châu - 5

 

Nhưng nếu đâm trúng phần giữa lưng cứng và trơn, mũi lao dễ dàng bị trượt đi và khi đó giải vụt chạy, cả vùng nước đục ngầu bùn, thợ săn coi như bó tay. “Thợ săn phải cố gắng xác định phần gần đuôi, chỗ đó mai giải mềm hơn, để đâm mạnh xuống. Sau khi đâm còn lấy búa đóng thêm cho mũi lao đi sâu vào mình giải. Lắm khi giải vùng chạy, đeo luôn trên lưng cây lao dài. Thợ săn cứ theo đó mà bơi thuyền đuổi theo”, ông Tuấn mô tả.

Khi giải đã thấm mệt và yếu đi, thợ săn đứng trên thuyền dùng lao có móc sắt móc vào cạnh bên của con vật để không chế, sau đó dùng dây trói và lôi lên bờ.

“Hồi đó thịt thì ăn, còn xương thì đem nấu cao. Cao ấy dùng thì mát lắm, còn trị được bệnh trĩ. Tôi nhớ hồi đó có mấy ông tận Hà Nội cùng mò về đây hỏi mua cao xương giải”, ông Tuấn kể.

Theo dấu ‘thuồng luồng’: Bí ẩn đầm Ao Châu - 6

 

Những câu chuyện của phường săn ấy đã trở thành quá vãng từ lâu và những tay săn giải khi xưa đa phần đã trở thành người thiên cổ, có ai còn sống thì cũng vào độ tuổi thượng thượng thọ, còn giải khổng lồ thì mấy chục năm qua không còn được thấy ở đầm Ao Châu.

Nhưng một câu hỏi cứ lởn vởn trong đầu tôi: Người ta đã tìm thấy rùa Hoàn Kiếm ở Đồng Mô, ở hồ Xuân Khanh, có khả năng ở đâu đó, trong những ngóc ngách của đầm Ao Châu kỳ bí này vẫn tồn tại loài rùa quý?

Ông Tuấn bảo hằng ngày vẫn giăng câu thả lưới trên mặt đầm như hàng chục năm qua ông vẫn làm. “Nếu có giải nổi thì chúng tôi kiểu gì chả thấy, nhưng mấy chục năm qua tôi chưa gặp lại giải lần nào”, ông bảo.

Video: Đầm Ao Châu với gần trăm ngõ ngách

Lời của ông Tuấn, ông Hồng vẫn chưa dập tắt được hy vọng trong tôi. Trước khi người ta phát minh ra điện, hay nói đơn giản và chính xác hơn là tìm ra sự tồn tại của điện, thì điện vẫn tồn tại xung quanh chúng ta. Tôi vẫn hy vọng ở dưới làn nước xanh thẳm bí ẩn của đầm Ao Châu, vẫn có những cá thể rùa quý, chẳng qua bị săn lùng nhiều, cộng thêm sinh cảnh có nhiều thay đổi, mà trở nên nhút nhát, bí ẩn hơn chăng?

Một cán bộ của chương trình Bảo tồn rùa châu Á (ATP) chia sẻ suy nghĩ đó của tôi, khi cho biết rằng chương trình đã đưa đầm Ao Châu vào danh sách địa điểm cần được chú ý. Chương trình cũng đã cử người giám sát, theo dõi, tìm kiếm các dấu vết của loài giải Rafetus Swinhoei mà chúng ta thường gọi là rùa Hoàn Kiếm này ở khu vực đầm Ao Châu và cuộc tìm kiếm vẫn đang diễn ra. (Còn nữa)                                                                                                                                        

Nội dung: NGUYỄN XUÂN THỦY

Thiết kế mỹ thuật: HUY MẠNH

Bình luận