Thêm vụ trao nhầm con 29 năm: Quá đau xót, 2 mẹ con cùng ôm nhau khóc

Thời sựThứ Bảy, 12/03/2016 04:28:00 +07:00

Sau khi biết kết quả xét nghiệm ADN, cả 2 mẹ con chị Hiền đều bị sốc, quá đau xót, 2 người chỉ biết ôm nhau khóc.

(VTC News) - Sau khi biết kết quả xét nghiệm ADN, cả 2 mẹ con chị Hiền đều bị sốc, quá đau xót, 2 người chỉ biết ôm nhau khóc. 

Trong khi dư luận chưa hết xôn xao về vụ việc bị trao nhầm con ở nhà hộ sinh 42 năm trước của gia đình chị Tạ Thị Thu Trang, hôm nay (12/3) một câu chuyện trao nhầm con éo le khác cũng được chia sẻ.

Đó là câu chuyện của gia đình bà Phan Thị Tuyết Hoa (53 tuổi), ở phố Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình, Hà Nội. Bà Hoa sinh con gái ngày 12/12/1987, tại nhà hộ sinh quận Đống Đa, ngõ Thổ Quan, phố Khâm Thiên.

29 năm sau, chị Lê Thanh Hiền (con gái bà Hoa), đi giám định ADN thì sững sợ phát hiện mình không phải con đẻ của bà Hoa.

Chị Hiền bật khóc khi kể lại câu chuyện.
Chị Hiền bật khóc khi kể lại câu chuyện.
Sốc nặng với kết quả ADN

Chị Hiền xúc động kể lại câu chuyện trớ trêu của mình. Chị sinh ngày 12/12/1987, tại nhà hộ sinh quận Đống Đa. Ngày đón chị trên tay, mẹ và mọi người mừng lắm vì thấy con gái khỏe mạnh, lại trắng trẻo xinh xắn không giống như bố mẹ da hơi ngăm đen.

Càng lớn, chị Hiền càng đẹp, da trắng, môi hồng bề ngoài cũng khác với anh chị em trong nhà. Nhưng đó không phải là vấn đề, cả nhà chị đều nghĩ bố mẹ sinh con còn ngoại hình, tính cách là trời ban.

Video: Người mẹ kể lại câu chuyện nhận nhầm con 42 năm trước


Song với người ngoài thì họ không nghĩ vậy, càng lớn chị Hiền càng khác với chị em trong nhà. Kèm theo đó là những lời đồn đoán, rì rầm về việc chị Hiền “không phải con bà Hoa”.

Trước những lời đàm tiếu, gia đình vẫn bỏ ngoài tai và coi chuyện đó chỉ là “miệng đời”.

 
Chị Hiền  (phải) càng lớn càng khác với chị em trong nhà.
Chị Hiền (phải) càng lớn càng khác với chị em trong nhà.  

Đến khi mang bầu em bé, ngày chị sinh con mới biết mình mang nhóm máu B, trong khi mọi người trong nhà đều nhóm máu O. Những đồn đoán khi xưa trở về trong đầu nên chị quyết làm sáng tỏ.


Ngày cầm kết quả xét nghiệm trên tay, chị Hiền sốc nặng, không tin vào mắt mình.

“Tôi giấu cả nhà đến Trung tâm giám định sinh học pháp lý, Viện khoa học hình sự - Bộ Công an để làm giám định ngày 4/5/2013, họ nói tôi có 3 ngày để chờ kết quả. Trong 3 ngày đó tôi vô cùng lo lắng nhưng nghĩ chắc mình vẫn là con bố mẹ thôi, đi xét nghiệm để phần nào giải đáp những thắc mắc cứ hiện hữu trong đầu mình”, chị Hiền kể.

3 ngày sau, bản giám định kết luận ghi: “Bà Phan Thị Tuyết Hoa không phải mẹ đẻ chị Lê Thanh Hiền”.

Kể đến đây chị bật khóc: “Tôi thực sự bị sốc nặng, trước mắt tôi mọi thứ như mờ dần, các anh công an phải vực tôi dậy. Tôi bật khóc như một đứa trẻ, sao sự thật trớ trêu lại xảy ra với gia đình đang yên ấm của mình thế này. Tại sao tôi không phải là con của bố mẹ tôi.”

Hôm đó, chị đã bỏ đi lang thang vô định khắp các con phố Hà Nội vì không tin vào sự thực trước mắt. Nửa đêm, chồng tìm thấy chị trên cầu Chương Dương.

Nằm bẹp ở nhà 1 tuần trong khủng hoảng, chị quyết định nói chuyện này với mẹ.

“Hôm đó hai mẹ con đang đi dạo ở hồ Thiền Quang, tôi mới kể cho mẹ nghe về việc mình đi giám định ADN và mẹ không phải mẹ đẻ của mình, mẹ tôi cũng bị sốc nặng. Mãi sau khi xem tờ giấy bà mới tin những điều con nói. Thế rồi hai mẹ con tôi ôm nhau khóc nức nở, quá đau xót”, chị khóc.

Hai mẹ con chị Hiền
Hai mẹ con chị Hiền

Mẹ con đi tìm nguyên nhân thất lạc

Bà Phan Thị Tuyết Hoa, mẹ chị Hiền kể lại: Hôm đó, bà tới nhà hộ sinh quận Đống Đa, ngõ Thổ Quan, phố Khâm Thiên vào lúc khoảng 1 giờ sáng ngày 12/12/1987. Đến 4 giờ 35 phút sáng, chị Hiền chào đời. Cô y tá đỡ đẻ nói với bà đó là con gái. Lúc đó, bà cũng chỉ biết thế và chưa được nhìn thấy con. Phải đến 8h sáng ngày 12/12, bà mới được ôm chị Hiền về và cho bú.

Bà nghi ngờ: “Lúc đó, tôi thấy số trên đùi con rất mờ, tôi hỏi chồng tôi bảo số trên đùi con mờ thế thì chồng tôi bảo con nó vừa tắm rửa, thay tã người ta đưa con cho thì anh biết thế thôi nên tôi cũng không nghi ngờ gì nữa”.

Chị Hiền lớn lên khác với anh chị em trong nhà nhưng chưa bao giờ trong đầu bà có suy nghĩ rằng Hiền không phải là con ruột. Cho đến khi được chị Hiền báo tin, bà cũng sốc.

Bà nhờ luật sư cùng mình đến nhà hộ sinh năm xưa: “Tại đây, trong sổ lưu giữ chi tiết ngày sinh và giờ sinh. Trong ngày 12/12/1987 có 5 người đến nhà hộ sinh để sinh nhưng trong bảng chỉ ghi rất vắn tắt địa chỉ mà giờ đã thay đổi nên cuộc tìm kiếm người thân gặp rất nhiều gian truân.” – bà nói.

Theo chị Hiền, điều khiến mẹ chị nghi ngờ nhất đó là: “Mẹ tôi hôm đó vẫn nhớ có một người phụ nữ sinh trước mình 15 phút, còn mẹ tôi sinh sau và ở cùng trong phòng. Cả hai người đều sinh con gái và cùng cân nặng 3kg. Vì không được nhìn thấy mặt con, mãi sau khi nhận con thì mẹ mới được nhìn khuôn mặt nên có thể đã bị trao nhầm.”

Trước khi công bố điều này, chị Hiền đã phải đắn đo nhiều lắm. Bởi chị sợ, khi nói ra sự thật thì bao nhiêu tình cảm họ hàng 29 năm qua dành cho chị không còn như trước nữa. Và chị sẽ phải đối mặt với dư luận, với mọi người như thế nào sau cú sốc này.

Nhưng, khi đọc được thông tin về trường hợp của chị Trang và bà Hạnh, người bị trao nhầm cách đây 42 năm, chị mới đủ can đảm để nói ra sự thật.

Với chị, bố mẹ hiện tại cùng anh em trong gia đình luôn là những người ruột thịt. Sau sự việc, chị càng thêm yêu thương họ nhiều hơn, và chị cũng hạnh phúc vì từng ấy năm và chắc chắn cho đến hết cuộc đời, bố mẹ, anh chị vẫn thương yêu chị như vậy.

Chị Hiền nói, sự việc đã xảy ra rồi, bản thân chị không hề oán trách nữ hộ sinh đã trao nhầm mình mà theo chị đó cũng là cơ duyên để chị được làm con cha mẹ của mình hiện tại. Ở đó chị có tình thương của gia đình dành cho mình.

Nhưng cũng như chị Trang, chị Hiền muốn được một lần gặp mặt mẹ đẻ của mình, muốn mẹ (bà Hoa) được gặp con đẻ.

Trước đó, gia đình bà Nguyễn Thị Mai Hạnh (65 tuổi), ở đường Quán Thánh, quận Ba Đình, Hà Nội đã nhờ cộng đồng mạng tìm kiếm người con gái bị trao nhầm cách đây 42 năm thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng.

Ngày 10/10/1974, bà Hạnh sinh một cô con gái ở nhà hộ sinh quận Ba Đình. Những đứa trẻ được đánh số, cùng với số người mẹ. Bà Hạnh mang số 33, nhưng nhận được đứa trẻ mang số 32. Thắc mắc bà Hạnh hỏi nhân viên y tế rằng con mình là số 33 sao đây lại là số 32 thì nhân viên y tế cho rằng trong lúc tắm rửa số đánh dấu bị mờ. Khi ra tìm thì những đứa trẻ đánh số gần cạnh đều đã được gia đình đưa về hết.

Ôm đứa con về nhưng bà Hạnh luôn canh cánh trong lòng không yên và đứa bé được đặt tên là Tạ Thị Thu Trang. Đứa con nhận "nhầm" được gia đình bà hết mực thương yêu. Tuy nhiên, khi tuổi già, chồng mất bà Hạnh lại mong muốn tìm lại đứa con bị thất lạc từ lâu nhưng đến nay vẫn chưa rõ tung tích người con gái. Chị Trang cũng mong muốn tìm lại được cội nguồn của mình.

Quý độc giả biết thông tin liên quan đến 2 trường hợp trên xin vui lòng liên hệ đường đây nóng báo điện tử VTC News 01255.911.911 - email: [email protected].

Thuận Phong 
Bình luận
vtcnews.vn