Thêm 2 trụ cầu Vĩnh Tuy bị nứt: Đáng báo động!

Thời sựThứ Tư, 26/02/2014 08:01:00 +07:00

Thêm hai trụ cầu phát hiện có vết nứt, nhiều chuyên gia lo ngại đây rất có thể xuất hiện những sai sót mang tính liên hoàn, để lại nhiều nguy cơ.

Diễn biến việc cầu Vĩnh Tuy bị nứt trụ cầu T22 được nhiều cơ quan báo chí đăng tải những ngày vừa qua, đơn vị tư vấn thiết kế cầu Vĩnh Tuy, Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI) đã tiến hành rà soát lại hồ sơ và kết hợp kiểm tra hiện trường.

Tại khu vực phát hiện trụ T22, đơn vị TEDI cho biết, các trụ cầu từ T18 đến T21 không bị nứt bê tông theo phương dọc, ngang, riêng trụ T22 xuất hiện vết nứt dọc tại tim trụ theo hướng dọc cầu ở cả hai phía, chiều rộng vết nứt lớn nhất là 2 mm, dài 10 m ở cả hai phía trụ.

Tuy nhiên, qua sự kiểm tra hiện trường của TEDI, không chỉ trụ T22 mà còn các trụ T23, T24. Trong đó, trụ T23 xuất hiện vết nứt dài 2-3m, tương tự như vị trí của trụ T22. Còn trụ T24 bị nứt ở phía hướng về quận Long Biên với bề rộng nhỏ hơn.

Trụ cầu T23 bị nứt (Ảnh Tuổi trẻ)
Trụ cầu T23 bị nứt (Ảnh Tuổi trẻ)

Đánh giá về việc liệu những vết nứt này có ảnh hưởng đến sức chống, chịu, khả năng làm việc của các trụ hay không, TEDI cho biết các dầm bê tông không bị nứt, không có hiện tượng lún, nghiêng,hoàn toàn có thể đảm bảo.

Trong khi đó, Sở GTVT Hà Nội cho biết đã cùng với Ban Quản lý dự án tả ngạn và Cục giám định nhà nước về chất lượng công trình tiến hành việc thuê một đơn vị trung gian thực hiện công việc kiểm định, mở rộng kiểm tra, rà soát, và hoạt động một cách độc lập.

Được biết, đơn vị thứ ba được lựa chọn là Công ty tư vấn, triển khai công nghệ và xây dựng giao thông (Đại học GTVT) làm tư vấn kiểm định độc lập để khảo sát, kiểm định và đánh giá ảnh hưởng của vết nứt đến sự làm việc của trụ cầu. Dự kiến, công việc kiểm định này sẽ hoàn thành trước 10/3/2014.

Nứt liên tiếp các trụ: Đáng lo ngại

Trong khi đó, việc phát hiện những vết nứt liên tiếp này khiến nhiều chuyên gia về xây dựng cầu đường bày tỏ sự lo ngại về chất lượng công trình.

Một chuyên gia xin được giấu tên chia sẻ với phóng viên Báo Đất Việt: “Nếu như nứt tiếp các trụ cầu, thì bản thân cây cầu đã có quy luật rồi. Nếu tình cờ một trụ thì còn có thể nói do co ngót bê tông, do quá trình thi công, hoặc do kết cấu móng hay thế này thế khác. Nhưng cả ba trụ cùng nứt thì cần phải xem xét một cách hết sức cẩn thận.”

Tuy nhiên, chuyên gia này phân tích thêm: “Nếu như vết nứt này không phát triển tiếp thì còn có biện pháp để xử lý được, nhưng nếu nó phát triển tiếp và lan truyền theo quy luật, thì lúc đó, biện pháp để khắc phục sẽ là rất khó khăn.”

Vết nứt dài 10m tại trụ T22 được phát hiện trước đó
Vết nứt dài 10m tại trụ T22 được phát hiện trước đó

Về phương án đổ keo vào những vết nứt này đã từng được Sở GTVT đề xuất, vị chuyên gia này nhận xét: “Điều quan trọng nhất là cần phải thành lập một tổ chuyên môn, chịu trách nhiệm theo dõi, kiểm soát những vết nứt này từ ít nhất là 6 tháng cho đến 1 năm, nếu không có sự lan rộng, khoét sâu thì còn có thể dùng tới biện pháp đổ keo. Nhưng nếu lan rộng thì dù có đổ keo vào cũng không giải quyết được gì, ngược lại còn khiến khó quan sát độ phát triển của vết nứt.

 Cần phải hiểu, việc đổ keo vào gần như chỉ là làm đẹp vết nứt, giúp cho nước không ngấm vào cốt thép bên trong gây rỉ, ngoài ra chẳng có tác dụng gì đến kết cấu hay chịu lực cả. Điều cần nhất vẫn là phải có một đội chuyên gia để theo dõi và phân tích”.

Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Quang Toản, Nguyên chủ nhiệm bộ môn Đường bộ, Đại học GTVT Hà Nội cho rằng những vết nứt này không quá đáng ngại.

“Những vết nứt này không có dấu hiệu gì đáng ngại, không có vấn đề gì. Bởi lẽ những trụ cầu bê tông khối lớn khi đổ việc bị nứt là có khả năng cao, đó là khi mình đổ bê tông, rồi bê tông co ngót, nên có thể phát sinh những vết nứt như vậy. Thời gian đầu, những vết nứt này đã xuất hiện rồi nhưng không để ý, theo thời gian ngày càng lộ ra. Ngoài ra, theo tổi chẳng còn lý do nào khác. Vẫn cần phải theo dõi những vết nứt này, tuy nhiên, khả năng những vết nứt này tiếp tục to ra là gần như không còn.” – PGS.TS Nguyễn Quang Toản cho biết.

Cây cầu là công trình trọng điểm quốc gia với tổng số vốn đầu tư 3.600 tỉ đồng
Cây cầu là công trình trọng điểm quốc gia với tổng số vốn đầu tư 3.600 tỉ đồng

Tuy nhiên, trả lời trên tờ Vietnamnet, PGS.TS Nguyễn Phi Lân, Trưởng khoa Cầu đường (ĐH Xây dựng) lại thẳng thắn loại trừ khả năng gây nứt do co ngót bê tông.

Ông Lân lý giải, hiện tượng trụ cầu Vĩnh Tuy co ngót bê tông chỉ xảy ra trong thời gian đầu. Vì vậy, cần phải đặt câu hỏi tại sao trụ cầu không bị nứt từ những năm đầu mới đưa vào khai thác mà phải đến 5 năm sau mới bị nứt…

Theo ông Lân, vết nứt cầu Vĩnh Tuy có rất nhiều nguyên nhân, trong đó có cả khả năng do chịu tải của trụ cầu yếu và nhiều yếu tố khác ảnh hưởng đến.

Ông Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ xây dựng) trả lời trên báo chí, cho rằng, vết nứt dọc trụ cầu là biểu hiện bất thường. Đây là trụ bê tông rỗng, dạng nứt dọc có vẻ không phải dọc chịu lực thông thường. Cần thiết phải thành lập đơn vị kiểm định, sử dụng phương tiện kỹ thuật để ‘siêu âm’, tìm ra nguyên nhân sớm nhất.

Đặc biệt, khi chưa tiến hành kiểm định mà kết luận do co ngót bê tông là hơi vội vàng!

Cầu Vĩnh Tuy là cây cầu quan trọng nối tuyến đường vành đai II từ quận Hai Bà Trưng sang quận Long Biên, Gia Lâm, khởi công ngày 3/2/2005.
Dự án cầu Vĩnh Tuy gồm chiều dài tuyến chính 5,8km, trong đó cầu chính vượt sông Hồng dài 3,7km, với tổng mức đầu tư gần 3.600 tỉ đồng.

Đây là một trong 7 cây cầu bắc qua sông Hồng trên địa bàn Hà Nội theo quy hoạch phát triển thủ đô đến năm 2020.

Dự án được UBND TP Hà Nội giao Ban quản lý dự án hạ tầng Tả Ngạn làm chủ đầu tư. Đơn vị tư vấn thiết kế là Tổng công ty tư vấn thiết kế GTVT (TEDI). Viện Khoa học công nghệ GTVT làm tư vấn giám sát. Đơn vị thi công là Tổng công ty xây dựng Thăng Long.

Bình luận
vtcnews.vn