Thêm 1 triệu tấn dầu và thách thức mới đối với PVN

Kinh tếThứ Ba, 04/07/2017 14:26:00 +07:00

Trước sự căng thẳng về ngân sách quốc gia, Chính phủ đã quyết định giao cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam khai thác thêm 1 triệu tấn dầu và hơn 1 tỷ m3 khí.

Theo tính toán của các chuyên gia kinh tế, với giá dầu khoảng gần 50 USD như hiện nay, tiền bán dầu và bán khí sẽ đóng góp được khoảng 0,5% GDP - một con số không phải là lớn nhưng rất có ý nghĩa đối với nềnkinh tế Việt Nam hiện nay.

Việc Chính phủ giao cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) khai thác thêm 1 triệu tấn dầu và 1 tỷ m3 khí càng chứng tỏ vai trò quan trọng của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trong việc tham gia điều tiết kinh tế vĩ mô.

Năm 2016, Chính phủ cũng đã giao cho Tập đoàn Dầu khí khai thác thêm 1 triệu tấn dầu và PVN đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ này. Tuy nhiên, việc khai thác 1 triệu tấn dầu và 1 tỷ m3 khí đã đặt ra cho PVN những bài toán không dễ giải quyết.

dau khi pvn

1 triệu tấn dầu là thách thức rất lớn đối với PVN.

Thứ nhất, hiện nay, sản lượng khai thác ở các mỏ của ta đang suy giảm đều đặn. Cứ với đà này, trung bình một năm, PVN sẽ giảm khoảng hơn 2 triệu tấn dầu. Đây là điều dễ hiểu bởi nhiều mỏ chúng ta đã khai thác hàng chục năm và khái niệm khai thác “mót” đã trở thành từ ngữ phổ biến đối với các đơn vị khai thác như Tổng công ty Thăm dò, Khai thác Dầu khí (PVEP), Liên doanh Việt-Nga (Vietsovpetro)…

Bằng trí tuệ của mình, đội ngũ cán bộ và người lao động PVN đã khai thác được không ít dầu từ các mỏ mà lẽ ra đã bỏ từ lâu.

Cũng phải nói thêm rằng, cách đây 15 năm, các chuyên gia về dầu khí của Việt Nam đã tính toán về sự suy giảm sản lượng ở các mỏ. Nếu như chúng ta không mở rộng được ra vùng nước sâu xa bờ thì nguy cơ hết dầu ở các giếng dầu hiện có là rất cao.

Thứ hai, việc khai thác dầu tăng thêm 1 triệu tấn, nghe có vẻ đơn giản nhưng thực ra PVN đang phải giải một bài toán rất hóc búa, đó là: Các giếng dầu không phải thích hút lên bao nhiêu thì hút mà phải có một sự tính toán cực kỳ khoa học và chuẩn xác, để quyết định lấy bao nhiêu thùng dầu mỗi ngày. Chỉ sơ sẩy là một giếng dầu trị giá hàng chục triệu USD có thể ngập nước và biến mất.

Nhiều người cho rằng, dầu có sẵn trong giếng, hút nhiều hay ít là ở mình, nhưng thực tế không phải như thế.

Giếng dầu khai thác cũng giống như giếng nước nhà, chỉ có điều giếng nước thì toàn là nước, còn trong giếng dầu thì phần trên là dầu, phần dưới là nước. Khi khai thác, phải tính toán làm sao để vừa có dầu, nhưng phải đảm bảo được lượng dầu từ các ngóc ngách chảy về, “dìm” nước xuống, không cho nước dâng lên trong giếng.

Nếu hút dầu quá một chút, lượng dầu từ các vỉa chưa chảy về kịp, nước dâng lên và ngập giếng, toàn bộ giếng dầu coi như vứt đi và không cách nào có thể cứu vãn được. Với các chuyên gia khai thác, viễn cảnh giếng dầu bị ngập nước là đáng sợ nhất.

Chính điều này buộc các anh em kỹ sư phải khai thác theo kiểu “thà ít mà tốt”, nghĩa là phải tính toán làm sao để luôn duy trì được áp suất mỏ, áp suất trong giếng và lượng nước trong giếng. Nếu tăng tốc độ hút dầu thì sản lượng có thể cao ngay, sẽ có được “con số đẹp” và dĩ nhiên cũng có một “doanh thu đẹp”, nhưng hậu họa phía sau thì không ai có thể lường được. Và thường thiệt hại khi giếng dầu bị ngập nước cao hơn rất nhiều so với lượng dầu đã khai thác.

Nhận nhiệm vụ khai thác thêm 1 triệu tấn dầu và 1 tỷ m3 khí, PVN đã có những tính toán hết sức cẩn trọng và cực kỳ khoa học. Năm nay, chắc chắn ngoài kế hoạch cũ, Tập đoàn sẽ thực hiện được chỉ tiêu mới Chính phủ giao cho. Tuy nhiên, sang năm 2018, đây sẽ là một năm tiếp tục chồng chất khó khăn nếu như giá dầu vẫn đứng ở mức này.

Cũng xin nói thêm rằng, tìm kiếm thăm dò khai thác dầu khí là một ngành nghề đòi hỏi đầu tư cực lớn, không phải ai cũng biết rằng đây là một ngành siêu lợi nhuận nhưng cũng siêu rủi ro. Một mũi khoan không tìm thấy dầu là mất đi hàng chục triệu USD… (Nếu khoan ở vùng nước sâu xa bờ có khi hàng trăm triệu USD).

Kể từ khi tiến hành tìm kiếm, thăm dò cho đến lúc lấy được lên thùng dầu thương mại, trong điều kiện thuận lợi mọi bề, dư dả về tài chính thì cũng mất từ 5-7 năm; và trong điều kiện khai thác tốt, mỏ dầu có trữ lượng lớn, thì cũng phải 7-10 năm sau mỏ đấy mới cho dòng tiền “dương”.

Chính vì sự rủi ro quá lớn như vậy, ở Việt Nam không một Tập đoàn kinh tế tư nhân nào dám “mon men” ra biển để thăm dò khai thác. Và cũng để chia sẻ rủi ro, nên các Tập đoàn Dầu khí lớn trên thế giới thường liên doanh với nhau, đồng thời họ đều có một Quỹ Thăm dò.

Video: Giàn khoan Hải Dương 981 thăm dò dầu khí phía Tây bắc Hoàng Sa

Quỹ này hoạt động bằng cách, các công ty thăm dò khai thác sau khi hoàn thành các nghĩa vụ nộp thuế đối với Chính phủ thì phải để lại ít nhất 30% lợi nhuận để đưa vào Quỹ Thăm dò. Sau này, khi đi tìm kiếm thăm dò, các công ty sẽ lấy tiền từ quỹ này. Cho nên, nếu có rủi ro thì cũng là mất tiền trong quỹ mà không ảnh hưởng đến hoạt động chung. 

Tuy nhiên, hoàn cảnh ở nước ta lại hết sức đặc biệt. PVN là Tập đoàn kinh tế nhà nước, do yêu cầu về phát triển kinh tế, cho nên Quỹ Thăm dò nhiều năm nay đã không còn được trích lập một cách đầy đủ, hay nói một cách giản dị là kiếm dược bao nhiêu tiền thì nộp hết vào Nhà nước.

Đến bây giờ khi cần tìm kiếm, thăm dò, các công ty dầu khí lại phải xin tiền từ ngân sách nhà nước. Tuy vậy, tính rủi ro của việc này quá cao, có khi mất tới hàng trăm triệu USD mà chẳng được lít dầu nào, do vậy việc xin ngân sách nhà nước là vô cùng khó. 

Năm nay, PVN đang đứng trước những bài toán rất hóc búa. Đó là làm thế nào để đứng vững và tồn tại trong những năm tới.

Để giải quyết được “bài toán" này, một mình PVN thì không làm được gì mà phải có sự tham gia của nhiều Bộ, Ngành, đặc biệt là những cơ quan có liên quan tới chính sách đầu tư, tài chính…Tóm gọn là, phải có những cơ chế mới phù hợp với những yêu cầu thực tiễn đang đặt ra cho PVN.

Phong Sơn
Bình luận
vtcnews.vn