VPF, VFF cần xin lỗi người hâm mộ bóng đá Việt Nam

Thể thaoThứ Sáu, 24/02/2017 16:02:00 +07:00

V.League "loạn" với bao vấn đề như thế, lỗi không chỉ của BTC giải, VPF mà của cả VFF với vai trò quản lý, chỉ đạo cũng như nắm giữ các phòng, ban chuyên môn.

Sau biến cố trên sân Thống Nhất chiều 19.2, quyền chủ tịch CLB TPHCM Lê Công Vinh ngay lập tức đăng đàn xin lỗi người hâm mộ, dù lỗi không thuộc về đội bóng của ông. Tiếp đó, nguyên Chủ tịch CLB Long An ông Võ Thành Nhiệm cũng có những "lời ruột gan" gửi đến người hâm mộ. Đó là những sự cầu thị đáng trân trọng!

Hơn bao giờ hết, người hâm mộ bóng đá Việt Nam cần một lời xin lỗi từ phía những nhà tổ chức về những hình ảnh xấu xí đã làm tổn thương đến niềm tin vào bóng đá Việt Nam trong họ. Ảnh: QT 

Hành động của quyền Chủ tịch Lê Công Vinh, hay nguyên Chủ tịch Võ Thành Nhiệm được xem là cách hành xử chuyên nghiệp và nhận được sự chia sẻ của nhiều người.

Nó như một sự tôn trọng dành cho 5.000 khán giả có mặt trên sân Thống Nhất chiều hôm đó, đông đảo khán giả theo dõi trận đấu qua truyền hình cũng như rất nhiều người cảm thấy bị tổn thương hay tức giận trước một sự cố đáng xấu hổ.

CLB TPHCM không sai, không liên quan mà chỉ có mặt ở trận đấu đó, nhưng đại diện CLB này vẫn gửi lời xin lỗi tới khán giả như một sự tiếc nuối vì sự cố đã diễn ra.

Lê Công Vinh chuyên nghiệp là vậy, tôn trọng khán giả là vậy. Nhưng nó hoàn toàn đối nghịch với cái cách mà những nhà tổ chức, những người đứng đầu của bóng đá nước nhà lựa chọn. Đó là im lặng

Một giải đấu “sống” phụ thuộc vào khán giả. Khán giả đến sân đông, lượng vé bán được, đó là một nguồn thu không hề nhỏ và sẽ kéo theo sự quan tâm của các nhà tài trợ.

Khán giả theo dõi truyền hình đông thì nguồn thu về từ bản quyền truyền hình tốt, quảng cáo cũng tốt. Lượng khán giả theo dõi giải đấu ngày càng tăng, đồng nghĩa với chất lượng giải đấu đi lên, họ sẽ dễ dàng thu hút được các gói tài trợ cho giải đấu của mình. Nói tóm lại, khán giả là nguồn sống của cả giải đấu.

Bạn đánh giá thế nào về án phạt dành cho CLB Long An

Sự cố sân Thống Nhất được xem là một trong những “vết nhơ” lịch sử cho bóng đá Việt Nam mà nguồn cơn lại bắt nguồn từ tình huống thổi còi gây tranh cãi của trọng tài Nguyễn Trọng Thư, và nguồn cơn sâu xa, đó là những ức chế tích tụ, vết hằn về nghi ngờ tiêu cực, mất niềm tin ở công tác trọng tài, công tác tổ chức.

20170219213744-tran-tphcm

Người hâm mộ vẫn chưa hề nhận được một lời xin lỗi từ những nhà tổ chức, mà cụ thể là VPF và VFF. 

Nhìn lại từ đầu mùa giải đến giờ, mới chỉ đi qua 7 vòng nhưng đã có đến 4 vòng đấu xuất hiện những tranh cãi xung quanh công tác trọng tài và vòng nào cũng có sự cố.

V.League "loạn" với bao vấn đề như thế, lỗi không chỉ của BTC giải, VPF mà của cả VFF với vai trò quản lý, chỉ đạo cũng như nắm giữ các phòng, ban chuyên môn. Thế nhưng, những người có trách nhiệm, nếu không lảng tránh thì chọn cách im lặng.

Video: TP.HCM 5-2 Long An

Khán giả bỏ tiền ra để đến sân, bỏ thời gian xem trên truyền hình nhưng phải chứng kiến những hình ảnh xấu xí trên sân cỏ, những sai sót của trọng tài. Những lúc như thế này, cần lắm những lời nói cầu thị, hay một lời xin lỗi gửi đến người hâm mộ.

Vì suy cho cùng, người tổn thương nhất sau những hình ảnh xấu xí của bóng đá Việt Nam những ngày qua là khán giả, là những người hâm mộ luôn đồng hành với bóng đá nước nhà.

Nhưng có lẽ, lời xin lỗi lúc này là một thứ gì đó, dường như quá xa xỉ đối với những người đứng đầu của bóng đá Việt Nam.

(Nguồn: laodong.com.vn)
Bình luận
vtcnews.vn