U22 Việt Nam giành HCV SEA Games: Những nhà vô địch tỏa sáng từ lứa tuổi nhi đồng

Thể thaoThứ Năm, 12/12/2019 07:02:00 +07:00

Chiến công của U22 Việt Nam tại SEA Games 30 là sự cổ vũ tinh thần to lớn cho những người làm bóng đá trẻ.

1. Đội tuyển U22 Việt Nam đã làm nức lòng người hâm mộ khi đem chiếc Cúp vàng mơ ước về cho Tổ quốc tại SEA Games 30.

Điều thú vị là có tới 10 cầu thủ trong đội hình Vàng này đã được phát hiện khi tham gia Giải bóng đá thiếu niên và nhi đồng toàn quốc do báo Nhi Đồng tổ chức. Nhiều người trong số họ đã có chức vô địch đầu tiên khi còn là những cậu bé con.

Báo Nhi Đồng là cơ quan của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh là đơn vị đã có sáng kiến và đứng ra tổ chức Giải bóng đá thiếu niên và nhi đồng toàn quốc liên tục 23 năm nay và được Liên đoàn bóng đá Việt Nam đưa vào hệ thống thi đấu quốc gia.

u22 viet nam quang hai

Quang Hải và nhiều cầu thủ khác bắt đầu nuôi giấc mơ bóng đá từ giải nhi đồng.

2. Mùa hè năm 2010, có 7 cầu thủ trong số họ đã đua tài tại Giải bóng đá thiếu niên toàn quốc Cup YAMAHA 2010 tổ chức tại Quy Nhơn từ 12 đến 21/7/2010.

Năm đó, giải tổ chức đúng vào kỳ thi đại học nên thành phố biển này lúc nào cũng đông người. Thời tiết lại nóng bức, và không khí trên sân cỏ, trên các khán đài cũng nóng bởi các cuộc thi tài của 16 đội bóng. Năm đó, chỉ có PVF là đội tân binh, còn lại toàn các "gương mặt thân quen" đã nhiều năm dự giải.

Dự giải lần đầu, PVF đã giành luôn ngôi vô địch. Trong thành phần đội PVF năm đó có Trương Văn Thái Quý (22/8/1997).

Đội về nhì là Bình Định, thua PVF 1-4 trong trận chung kết. Ngậm ngùi lên nhận HCB là Triệu Việt Hưng (19/1/1997) và Hồ Tấn Tài (6/11/1997).

Hà Nội năm đó trắng tay, chính xác là được Giải phong cách. Nhưng Nguyễn Quang Hải (12/4/1997) đã kịp có mặt trong Đội hình tiêu biểu. Đồng đội của Hải năm đó có Nguyễn Thành Chung (8/9/1997), người có cái đầu quá đáng yêu, khi đã đánh đầu gỡ hòa 1-1 trận vòng bảng với Indonesia và từ chối bàn thắng danh dự của đội bóng này trong trận Chung kết SEA Games.

Phú Thọ cũng không có kết quả gì. Trong đội hình cọ xát với các đội bạn năm đó, đội bóng này có cậu bé sau này sẽ thành "sát thủ" tại SEA Games 30: Hà Đức Chinh (22/9/1997).

U22 Viet Nam-21 7

Hà Đức Chinh là vua phá lưới SEA Games 30.

3. Một năm trước đó, báo Nhi Đồng tổ chức giải bóng đá nhi đồng toàn quốc Cup YAMAHA 2009 tại Hải Dương.

Hải Dương lên ngôi vô địch với đội hình đồng đều. Báo Nhi Đồng số 72 năm đó đã viết về cặp đôi Trung Đức-Hoàng Đức qua 3 trận ghi 8 bàn thắng.

Hoàng Đức này chính là Nguyễn Hoàng Đức (11/1/1998), được bình chọn vào danh sách 10 cầu thủ tiêu biểu của giải. 10 năm sau, cậu nã một phát đại bác từ ngoài vòng 16m50 ấn định chiến thắng 2-1 trước Indonesia sau khi bị dẫn trước.

Bạn của Đức trong đội Hải Dương vô địch năm đó còn có Nguyễn Đức Chiến (24/8/1998), sau này là lá chắn thép làm nản lòng các chân sút đối phương tại SEA Games vừa qua.

Thế còn cái tên chói sáng Đoàn Văn Hậu (19/4/1999) thì sao?

Cậu chàng này năm 2010 tham gia giải bóng đá nhi đồng toàn quốc tại Thái Nguyên, mang áo số 9. Năm đó, Hậu có mặt trong đội Thái Bình vô địch giải, sau khi thắng 2-0 Viettel trong trận chung kết. Ngôi vô địch đầu tiên của chàng hậu vệ trái, tác giả 2 bàn thắng quý hơn vàng trong trận đại thắng 3-0 đêm 10/12.

U22 Viet Nam vo dich (3) 5

 

Người ghi bàn thắng "xen kẽ" giữa 2 bàn thắng của Hậu chính là Đỗ Hùng Dũng. Dũng sinh 8/9/1993, cũng từng có mặt trong đội hình U13 Hà Nội dự Giải bóng đá thiếu niên toàn quốc năm 2006.

Còn nhiều lắm các gương mặt tuyển thủ quốc gia đã trưởng thành từ sân chơi Giải bóng đá thiếu niên nhi đồng toàn quốc do báo Nhi Đồng tổ chức: Văn Toàn, Đức Huy, Duy Mạnh, Đình Trọng, Lương Xuân Trường...

Chúc mừng các chàng trai. Sau rất nhiều năm, các bạn đã lớn, đã trưởng thành vượt bậc để đem lại niềm vui cho hàng chục triệu con tim Việt Nam.

Đó cũng là tâm nguyện của những người làm báo cho thiếu nhi, đã tạo dựng và bền bỉ suốt 23 năm qua "nuôi" giải liên tục cho đến nay, dù có những khoảng thời gian vô cùng khó khăn khi không có nhà đồng hành tài trợ.

4. Có những ân tình chẳng thể nào quên!

Mình phải nhắc đến công ty Động Lực. Năm 1994, khi mới manh nha tổ chức giải bóng đá nhi đồng Hà Nội mở rộng, BTC đã lọ mọ đến đây xin bóng tài trợ. Khi đó Động Lực vẫn chỉ là một cơ sở nhỏ, lợp mái tôn với ít công nhân. Nhưng anh Thành giám đốc rất hào sảng đồng ý giúp ngay.

Giải quá thành công, với việc Nhà thi đấu Trịnh Hoài Đức suýt "vỡ" trong ngày tổ chức trận chung kết, và đó là tiền đề để báo Nhi Đồng "mạnh dạn" tổ chức Giải bóng đá thiếu niên và nhi đồng toàn quốc từ 1996, trận chung kết thiếu niên sau đó chật kín các khán đài sân Hàng Đẫy.

Công ty Động Lực luôn theo sát và cùng đồng hành với BTC từ đó đến nay. Cũng cần nói thêm, người chấp bút đầu tiên Điều lệ giải từ những ngày đầu, chính là bác Ngô Xuân Quýnh, một người chú thân thương nay đã đi xa. Và tiếp sức lan tỏa giải đấu đến khán giả cả nước, đã 23 năm liên tục VTV vẫn giúp đỡ truyền hình trực tiếp cả 2 vòng chung kết.

Những số báo về 23 mùa giải đã qua vẫn được lưu giữ tại Tòa soạn, đã ngả màu theo thời gian. Nhưng kỷ niệm về những mùa hè sôi động vẫn như còn tươi mới.

Niềm vui nào cũng sẽ qua đi. Chỉ mong từ nay tất cả chúng ta hãy cùng nhau quan tâm nhiều hơn đến phát triển đào tạo bóng đá trẻ để hy vọng vào những mùa quả ngọt sẽ đến.

Phan Việt Hùng
Bình luận
vtcnews.vn