Thành công của U23 Việt Nam khiến cả V-League 'tỉnh ngộ'

Thể thaoThứ Sáu, 02/02/2018 07:34:00 +07:00

Hiệu ứng U23 Việt Nam sẽ mang đến nhiều bài học cho V-League trong việc khơi dậy đam mê bóng đá từ phía người hâm mộ.

Thành công của U23 Việt Nam tại vòng chung kết U23 châu Á đã tạo nên mốc son chói lọi trong lịch sử bóng đá nước nhà. Không chỉ rực sáng trên khía cạnh thành tích với ngôi Á quân chung cuộc, U23 Việt Nam còn góp phần tạo nên sự kiện vô tiền khoáng hậu: hàng triệu người cùng ra đường ăn mừng, đón cầu thủ tại sân bay, tổ chức diễu hành, vinh danh với những hình ảnh khiến báo chí quốc tế phải ngỡ ngàng.

Không có chuyện người Việt "chán ngấy" bóng đá. Trái lại, ngoài bóng đá ra, sẽ rất khó có sự kiện nào khác kết nối cả dân tộc lại thành một khối thống nhất như U23 Việt Nam làm được trong ít ngày qua.

Người hâm mộ Việt Nam "cuồng" bóng đá, nhưng tại sao rất nhiều khán đài tại V-League luôn đứng trước cảnh vắng bóng cổ động viên. Chỉ 4% người dân Việt Nam dõi theo V-League, đó là con số quá khiêm tốn so với tình yêu bóng đá của người hâm mộ cả nước.

Video: Biển người chào đón U23 Việt Nam trở về

Tại sao lứa cầu thủ U23 Việt Nam khiến người xem mê mệt, còn V-League thì không, và liệu "hiệu ứng U23 Việt Nam" có giúp V-League tìm ra con đường để đưa cổ động viên trở lại sân bóng hay không? Dưới đây là những bài học từ thành công của những Quang Hải, Tiến Dũng, Xuân Trường,... mà V-League cần phải cân nhắc.

Muốn cổ động viên yêu, nhất thiết phải đá hết mình

U23 Việt Nam được yêu, vì người hâm mộ nhìn thấy tinh thần cống hiến cùng niềm tự hào dân tộc to lớn trong từng bước chạy của các cầu thủ.

Bài học của lịch sử chỉ ra rằng: "Dân không thờ sai ai bao giờ", thì bài học bóng đá cũng khẳng định: "Người hâm mộ không nhìn nhầm đội bóng bao giờ". Chỉ khi đội bóng vì người hâm mộ mà cố gắng và thi đấu bằng cả trái tim, đội bóng ấy mới được cộng đồng đón nhận. V-League thiếu vắng khán giả vì những trận đấu "thật giả lẫn lộn, không có tính thực chiến" (như nhận định của BLV Quang Huy), không có đủ khát vọng để lôi kéo cổ động viên đến sân.

Tuyển thủ U23 Việt Nam ăn thế nào để chạy siêu dẻo dai?

U23 Việt Nam tiếp thêm hi vọng cho bóng đá Việt Nam phát triển.

Đội bóng có đá thực tâm, cống hiến và chuyên nghiệp hay không, người hâm mộ biết hết. Số lượng khán giả có mặt trên khán đài chính là câu trả lời. V-League chỉ thu hút cổ động viên khi các đội bóng "thực chiến" nhiều hơn, thi đấu hết sức và tránh xa những "màn kịch".

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ rõ bất cập về số lượng cổ động viên trong đại hội "chấn hưng" V-League và yêu cầu giải đấu chấn chỉnh.

Đó không chỉ là nhiệm vụ của ban tổ chức, mà còn là của tất cả những đội bóng tham dự giải đấu này. Nếu đã khoác lên mình tấm áo đội bóng chuyên nghiệp, nhất thiết phải đá cho chuyên nghiệp.

Bóng đá sạch sẽ cần được đón nhận

Một trong những yếu tố khiến U23 Việt Nam được ghi nhận, bên cạnh yếu tố tinh thần, còn là thứ bóng đá trong sáng, sạch sẽ. Đội bóng của HLV Park Hang Seo luôn vào trận với tâm thế "quyết chiến", song điều đó không đồng nghĩa với chơi "bẩn" hay chiến thắng bằng mọi giá. Người ta không thấy bất cứ pha bóng triệt hạ đối thủ nào đến từ các cầu thủ U23 Việt Nam, ngay cả một cái "vung trỏ" cũng không.

Chủ trương "nói không với bạo lực" giúp U23 Việt Nam nhận giải fair-play, và nếu V-League cũng muốn đẩy xa bóng đêm tiêu cực, các đội bóng cần chung tay tránh xa những pha bóng bạo lực, triệt hạ.

Khán giả của V-League có rất nhiều lứa tuổi, từ trẻ đến già. Sẽ ra sao nếu một đứa trẻ phải chứng kiến những tình huống xấu xí ngay trong món ăn giải trí mà chúng được nếm mỗi tuần?

U23 Viet Nam Uzbekistan (51)

Người ta yêu U23 Việt Nam bởi thứ bóng đá trong sạch và không bao giờ triệt hạ đối phương.

Các đội bóng phải hướng đến khán giả

Khoảng cách xa nhất đang tồn tại trong lòng bóng đá Việt Nam là gì? Đó là khoảng cách từ đội bóng cho đến khán giả. Người hâm mộ là tài sản lớn nhất của bóng đá. Không có người hâm mộ, bóng đá sẽ chết. Vậy các đội bóng đang hướng đến "tài sản lớn nhất" ấy như thế nào?

Nhiều người từng cười chê Công Phượng khi tiền đạo xứ Nghệ phải phát tờ rơi ở ga tàu điện ngầm trong thời gian khoác áo Mito Hollyhock.

Không phải ai cũng biết, bất cứ cầu thủ nào của đội bóng Nhật Bản cũng phải làm vậy. Đó là cách thức giúp các đội bóng Hàn Quốc, Nhật Bản đưa cầu thủ đến gần với cổ động viên, tạo ra mối dây liên hệ và tạo cho cổ động viên cảm giác: đây đích thực là đội bóng của họ.

Các CLB chuyên nghiệp tại châu Âu luôn chú trọng hoạt động bên ngoài sân cỏ và tổ chức sự kiện với sự tham gia của các cầu thủ. Với họ, hoạt động ngoài lề có vai trò quan trọng không kém các trận đấu. Nhưng ở V-League, rất ít đội bóng có những hoạt động bên lề để tạo sự tương tác giữa cầu thủ với cổ động viên. Cầu thủ đơn giản là đá xong và... ra về, tập luyện, rồi lại thi đấu, ra về.

Một vòng luẩn quẩn nhàm chán khiến nhiều đội bóng gần như không hình thành được lực lượng cổ động viên trung thành, ổn định.

ve3-1483789754-1491412288202

 Quyền chủ tịch Công Vinh tự tay bán vé, kí tặng áo cho người hâm mộ.

Người hâm mộ yêu quý U23 Việt Nam không chỉ ở trong, mà còn là những câu chuyện bên lề trận đấu, như Xuân Trường mang áo ấm cho đồng đội, Duy Mạnh cắm lá cờ Việt Nam trên đụn tuyết trắng, hay hình ảnh tinh nghịch của những Tiến Dũng, Đức Chinh,... Đôi khi, những câu chuyện khiến người hâm mộ thêm yêu bóng đá lại... chẳng liên quan gì đến bóng đá.

Cổ động viên chỉ yêu, khi họ nhìn cầu thủ dưới con mắt đời thường, như một người bình thường với đầy đủ hỉ nộ ái ố, thay vì những "cỗ máy đá bóng" vô cảm trên sân. Những hình ảnh bình dị ấy có sức nặng và tạo cảm tình hơn nhiều so với những chiến thắng và danh hiệu vô địch. Đăng quang mãi rồi, mà khán giả có bao giờ lấp kín được sân đâu?

Do đó, công tác truyền thông cần được các đội bóng đầu tư kỹ lưỡng hơn. Khoảng cách vời vợi giữa cầu thủ và người hâm mộ cần được thu hẹp lại, để V-League bước vào trái tim người xem với những hình ảnh trong trẻo, đáng yêu như U23 Việt Nam, thay vì những câu chuyện, vấn đề nhức nhối bao năm qua không thể thay đổi được.

Hồng Nam
Bình luận
vtcnews.vn