Những mỏ vàng của thể thao Việt Nam thi đấu ra sao?

Thể thaoChủ Nhật, 22/12/2013 12:29:00 +07:00

(VTC News) - Cùng là những môn thi đấu được kỳ vọng là sẽ mang về những tấm HCV nhưng kết quả dự tranh ở SEA Games của từng nội dung lại rất khác nhau

(VTC News) - Cùng là những môn thi đấu được kỳ vọng là sẽ mang về những tấm HCV nhưng kết quả dự tranh ở SEA Games của từng nội dung lại rất khác nhau.

Điền kinh
Kỳ vọng lớn nhất ở SEA Games 27 là điền kinh. Với thành công rực rỡ từ những kỳ SEA Games trước, điền kinh được dự báo sẽ là mỏ vàng lớn nhất ở SEA Games lần này, với những tên tuổi như nữ hoàng tốc độ Vũ Thị Hương, Đỗ Thị Thảo, Quách Thị Lan hay Dương Thị Việt Anh.
Vũ Thị Hương
Vũ Thị Hương xuất sắc thống trị đường chạy 100m,200m

Thực tế, điền kinh đã đăng ký chỉ tiêu lớn nhất với số lượng 10 HCV, và cũng tham dự Đại hội với số lượng VĐV đông đảo nhất (43 người). Tuy nhiên, những khó khăn ngay trong ngày ra quân khi Thanh Phúc, Quách Thị Lan hay Nguyễn Thị Oanh liên tiếp thất bại trong nội dung sở trường khiến điền kinh Việt Nam gặp khó.
Cho đến hết ngày thi đấu áp chót, các VĐV điền kinh mới chỉ giành được 5 chiếc HCV của Phạm Thị Bình (marathon), Vũ Thị Hương (100m và 200m), Nguyễn Văn Lai (5000m), Đỗ Thị Thảo (800m). Áp lực nặng nề đặt lên đội điền kinh khi chúng ta đứng trước khả năng không hoàn thành chỉ tiêu.
Mặc dù vậy, cùng với việc Nguyễn Văn Lai mở hàng ở đường chạy 10.000m, các VĐV của chúng ta đã xuất sắc hoàn thành chỉ tiêu với sự tỏa sáng đúng lúc của Nguyễn Văn Hùng (nhảy 3 bước), Dương Thị Việt Anh (nhảy cao), Đỗ Thị Thảo (1500m) và Dương Văn Thái (1500m).

'Anh nuôi' Nguyễn Văn Lai giành 2 HCV

Hoàn thành chỉ tiêu một cách bất ngờ và đầy kịch tính, điền kinh Việt Nam tiếp tục khẳng định thế mạnh trong khu vực khi giành được 1/4 số HCV ở SEA Games 27. Tuy vậy, chuyện đánh giá cũng như phân tích đối thủ sẽ tiếp tục là vấn đề nan giải để tránh tình trạng "ta tiến nhưng bạn tiến hơn ta" tái diễn.
Vật
Vật là một câu chuyện thú vị tại SEA Games 27. Trước khi Đại hội diễn ra, rất nhiều khó khăn được dự báo như thời gian thi đấu tăng từ 2 lên 3 phút/hiệp, hay mỗi đoàn chỉ được đăng ký tối đa 12 nội dung thi đấu khiến Ban huấn luyện đội vật chỉ dám đặt chỉ tiêu là 6 HCV, dù Việt Nam luôn là số 1 Đông Nam Á ở môn này.
Rốt cuộc, đội vật chỉ mất 3/4 ngày thi đấu của môn này để vượt chỉ tiêu. Đáng chú ý nhất trong chiến thắng của toàn đội là sự lên ngôi của Đới Đăng Tiến và Trần Văn Tưởng ở nội dung vật cổ điển. Đây chưa bao giờ là thế mạnh của Việt Nam, và chúng ta thường thua các đô vật đến từ Thái Lan, Philippines thậm chí là Lào. Tuy nhiên lần này, chúng ta đã chiến thắng trong cả 2 lần lọt vào chung kết.
Ở nội dung vật tự do, Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế "bá đạo" khi cả 8 VĐV đăng ký thi đấu đều đạt... HCV. Chính điều này đã giúp đội vật phá rất sâu chỉ tiêu, với tổng cộng 10 HCV tại SEA Games 27.
Bắn súng
Sự chuyển giao thế hệ, cộng với việc những nội dung thế mạnh của súng ngắn không được thi đấu ở SEA Games 27 khiến bắn súng chỉ dám dè dặt mức chỉ tiêu là... 1 cho đến 2 HCV.
Đáng nói hơn, chỉ tiêu ấy đã được hoàn thành ngay trong ngày đầu tiên khi xạ thủ Nguyễn Thành Đạt giành HCV ở nội dung 50m súng trường nằm bắn. Tấm HCV bất ngờ và ngoài dự kiến này đã cổ vũ tinh thần thi đấu cho các đồng đội của anh ở những ngày sau đó, để khi SEA Games 27 kết thúc, bắn súng Việt Nam giành được tới 7/12 HCV của Đại hội.
Thành tích khủng này khiến HLV Nguyễn Thị Nhung lý giải rằng chúng ta đặt chỉ tiêu thấp để tránh áp lực tâm lý lên các VĐV. Tuy nhiên rõ ràng, việc giảm áp lực thi đấu bằng cách này càng chứng tỏ sự đánh giá về chuyên môn của chúng ta còn quá yếu.


Phan Nguyên
Bình luận
vtcnews.vn