Hãy thổi bùng lửa U23 Việt Nam trên khán đài bóng đá Việt

Thể thaoThứ Sáu, 23/02/2018 07:44:00 +07:00

Giờ là lúc người hâm mộ duy trì và thổi bùng ngọn lửa U23 Việt Nam bằng những hành động thiết thực, bắt đầu bằng việc đến sân xem trận tranh Siêu cúp Quốc gia - cúp THACO 2018 giữa Quảng Nam FC và SLNA.

1. “Khi tôi nói với bạn rằng tôi sẽ đến sân xem Hà Nội T&T (nay là Hà Nội FC) thi đấu, anh ta đáp lại bằng một cái khịt mũi khinh khỉnh. Người thợ sửa xe cho tôi lắc đầu và lẩm bẩm điều gì đó như thể chế nhạo. Anh chàng bartender thì không có gì giấu diếm khi cười thẳng vào mặt tôi, trong khi tôi thì không hề đùa cợt. Việt Nam là quốc gia cuồng bóng đá, nhưng nếu hỏi ai đó xem họ có cổ vũ đội nào ở đây không, ai cũng lắc đầu dè dặt".

Những dòng tự sự của Thomas Barrett trên tờ báo Anh nổi tiếng Guardian mở ra gam màu xám xịt trong bức tranh toàn cảnh của bóng đá Việt Nam, vốn đã quen với những khán đài heo hút, vắng vẻ. Chỉ 2% người dân tới sân theo dõi bóng đá, đây là con số của một quốc gia cuồng bóng đá như lời ca tụng của báo chí quốc tế?

2000

 Sân Hàng Đẫy luôn vắng bóng khán giả.

Càng mâu thuẫn hơn khi biết: có tới 70.000 khán giả có mặt tại sân Mỹ Đình (gần gấp đôi sức chứa của sân bóng lớn nhất Việt Nam) để cổ vũ U23 Việt Nam đá trận chung kết... qua màn hình. Hàng triệu người đổ xuống đường ăn mừng khi thầy trò huấn luyện viện (HLV) Park Hang Seo viết nên câu chuyện thần tiên tại vòng chung kết U23 châu Á. Đừng nói người Việt không yêu bóng đá Việt.

Nhưng yêu là một chuyện. Yêu ra sao, đóng góp thế nào để bóng đá nước nhà phát triển, lại là chuyện khác.

2. Muốn bóng đá đi lên, việc tiên quyết phải là có khán giả. Chỉ khi cổ động viên đến sân, lấp kín các khán đài, nhà tài trợ mới chấp nhận bỏ tiền ra để đầu tư cho đội bóng, tạo điều kiện tốt hơn để các cấp độ đội tuyển được tập huấn, giao hữu, nâng cao trình độ. Không ai muốn bỏ tiền đầu tư để nuôi những khán đài trống vắng, đó là bài toán kinh doanh vô cùng đơn giản.

Ở đó, vai trò của người hâm mộ càng được đề cao. Hay nói cách khác, mỗi người hâm mộ đều nắm một phần vận mệnh bóng đá nước nhà trong tay.

Niềm tự hào của người hâm mộ sau chiến thắng lịch sử của U23 Việt Nam là nguồn động viên tinh thần cực lớn cho các cầu thủ, đội bóng và những người làm bóng đá. Nhưng niềm tự hào ấy chỉ đơn thuần là "chất bôi trơn", đổ vào guồng máy bóng đá đang vận hành khó nhọc vì những lí do cả trong lẫn ngoài sân cỏ. Muốn guồng máy ấy có đủ năng lượng hoạt động lâu dài và "sản sinh" thêm những chiến công chói lọi, tự hào thôi là không đủ.

Video: Cổ động viên "tiếp lửa" U23 Việt Nam

Bóng đá không thể sống bằng những cảm xúc đơn thuần. Bóng đá phải được nuôi sống và vận động tự thân bằng sự ủng hộ hữu hình của người hâm mộ, như một tấm vé vào sân theo dõi V-League - nơi những tài năng của bóng đá nước nhà đang được ươm mầm và chờ ngày tỏa sáng từ trong sự ghẻ lạnh, thờ ơ, hay một chiếc áo tuyển, hoặc bất cứ thứ gì có thể tạo nên thu nhập cho bóng đá.

Người hâm mộ có lý do riêng khi nói không với V-League. Khán giả bỏ tiền đến sân không phải để chứng kiến tiêu cực, sử dụng cơ sở vật chất yếu kém, bẩn thỉu và theo dõi số trận đấu "thực chiến" đếm trên đầu ngón tay. Khi bạn bỏ công đến sân, bạn có quyền thụ hưởng sản phẩm chất lượng "đáng đồng tiền bát gạo".

Dẫu vậy, bóng đá Việt Nam không phải nhìn đâu cũng thấy nhức nhối. Còn lắm những điểm sáng le lói cần được duy trì như chiến tích của U23 Việt Nam, song vấn đề nằm ở chỗ: Muốn duy trì, bóng đá Việt Nam rất cần sự chung tay của người hâm mộ. Niềm tin xuống đáy, nhưng không phải cái gì cũng không đáng tin.

Đơn cử như câu chuyện của U19 Việt Nam năm 2016. 28 ngày trước khi giành tấm vé lịch sử dự U20 World Cup, đội bóng của HLV Hoàng Anh Tuấn phải thi đấu ở giải U19 Đông Nam Á giữa những khán đài vắng lặng, đá sân Hàng Đẫy để tiết kiệm chi phí vì số lượng nhà tài trợ đầu tư rất có hạn. 

Thế hệ ấy từng về nước mà không có bất cứ ai đứng đón ở sân bay, chỉ vì "lỡ" thua U19 Thái Lan 0-6. Các cầu thủ có đáng bị quay lưng như vậy, nhất là khi những thất bại là điều cần thiết để những Quang Hải, Tiến Dũng, Văn Hậu, Trọng Đại,... tạo nên đội bóng can trường, mạnh mẽ và lập được kỳ tích như hôm nay?

U23 Việt Nam cũng không phải ngoại lệ. Lứa cầu thủ được người hâm mộ khen ngợi là toàn diện, sạch sẽ, đáng tự hào này từng đá giao hữu trước những khán đài được phủ kín chưa đến một nửa, ngay trước thềm giải U23 châu Á. 

U19 Việt Nam của HLV Hoàng Anh Tuấn, hay U23 Việt Nam của HLV Park Hang Seo đều miễn nhiễm với tiêu cực và trình diễn lối chơi xem được, song không tránh khỏi tình cảnh bị một bộ phận khán giả "ngó lơ" trước khi lập chiến công hiển hách. Bởi những tiêu cực V-League, chúng ta đã đóng cửa trái tim quá lâu, để rồi mất luôn thói quen đến sân xem bóng đá Việt Nam.

co dong vien

Bóng đá nào cũng cần có khán giả!

3. Về lâu dài, các đội bóng phải chung ta xây dựng thứ bóng đá sạch sẽ, chất lượng để lôi kéo khán giả đến sân. Nhưng "khán đài trống" không phải trách nhiệm của riêng đội bóng. Người hâm mộ cần mở lòng với bóng đá trước, bởi sự đóng góp của họ là động lực rất lớn để bóng đá Việt Nam chuyển mình. Là động lực về tiền bạc với những thành động cụ thể, thay vì tự hào rồi... để đấy.

U23 Việt Nam có công lớn trong việc đánh thức ngọn lửa tự hào trong trái tim người hâm mộ. Giờ là lúc duy trì ngọn lửa ấy, trong bối cảnh "cơn sốt" U23 Việt Nam đã hạ nhiệt sau kỳ nghỉ Tết. Duy trì bằng cách nào? Hãy đến sân theo dõi và ủng hộ bóng đá, với khởi đầu là trận tranh Siêu cúp Quốc gia - cúp THACO 2018 giữa Quảng Nam FC và Sông Lam Nghệ An diễn ra vào chiều mai (24/2), hay xa hơn là các trận đấu trong khuôn khổ V-League 2018 và các trận đấu của các cấp độ đội tuyển quốc gia.

Nếu cổ động viên nào từng sống trong cảm xúc tự hào với U23 Việt Nam cũng mua vé đến xem bóng đá, mọi thứ sẽ rất khác. Đó cũng là thước đo kiểm chứng tình yêu hiện tại là nhất thời hay dài lâu. Nếu yêu thật, hãy chung tay góp sức. Còn nếu không, bóng đá Việt Nam đã quá quen với những tình yêu theo kiểu "nửa chừng xuân" này rồi.

Hồng Nam
Bình luận
vtcnews.vn