Jong Tae Se: Giọt nước mắt Triều Tiên chảy vào lịch sử World Cup

Thể thaoThứ Hai, 02/04/2018 15:51:00 +07:00

Có những cầu thủ xuất hiện ở World Cup như một ánh sao băng, lóe lên trong một khoảnh khắc nhưng làm người ta nhớ mãi và Jong Tae Se là một ví dụ.

Những giọt nước mắt của tiền đạo này khi cùng ĐT CHDCND Triều Tiên tham dự World Cup 2010 là một trong những hình ảnh ấn tượng nhất của giải đấu trên đất châu Phi cách đây 8 năm. Nhưng đằng sau những giọt nước mắt đó là một câu chuyện kéo dài gần thế kỷ. 

Trái tim mách bảo

Jong Tae Se có một hồ sơ phức tạp. Trước năm 2007, anh thậm chí còn chưa từng đặt chân lên đất CHDCND Triều Tiên. Đó là thời điểm cầu thủ này đang chơi bóng ở Nhật Bản còn cha mẹ anh sống ở Hàn Quốc.

jong tae se (4)

 Jong Tae Se rơi nước mắt khi quốc ca Triều Tiên vang lên ở World Cup.

Năm 2005, Jong Tae Se chứng kiến thất bại của CHDCND Triều Tiên trước Nhật Bản và không thể có vé dự VCK World Cup 2006. Sau đó, anh có một quyết định gây bất ngờ: xin thủ tục để trở về khoác áo ĐT CHDCND Triều Tiên. 

Nhìn bề ngoài, Jong Tae Se có vẻ chẳng liên quan gì đến CHDCND Triều Tiên. Trái với hình ảnh một đất nước bí ẩn đóng cửa với thế giới, tiền đạo sinh năm 1984 là một con người hiện đại, cởi mở. Anh không thể ra ngoài mà không có chiếc iPod cá nhân, lái một chiếc xe Hummer hầm hố và có thu nhập thuộc loại khủng trong giới cầu thủ châu Á.

jong tae se (3) 3

ĐT CHDCND Triều Tiên của Jong Tae-se tại World Cup 2010 không tạo được kỳ tích như các vị tiền bối nhưng người đàn ông này. 

Những chi tiết ấy càng khiến giọt nước mắt của Jong Tae Se trong lễ chào cờ trước trận CHDCND Triều Tiên gặp Brazil ở World Cup 2010 trở nên bí ẩn. Tình cảm quê hương là thứ ở trong trái tim mỗi người, nhưng vì lẽ gì mà cầu thủ được xem là “Rooney quốc dân” lại cảm động đến vậy?

Đó là một câu chuyện thuộc về lịch sử, về cả một lớp người Triều Tiên đã không được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất quê hương.

Cộng đồng bị ruồng bỏ

Trước và trong thời kỳ Thế chiến thứ Hai, bán đảo Triều Tiên là thuộc địa của đế quốc Nhật Bản. Vì vậy, người dân tại quốc gia này cũng có quốc tịch Nhật Bản. Một số người trong số đó bị cưỡng ép đến Nhật để lao động, và họ bắt đầu sinh sống tại đất nước mặt trời mọc từ đó cho đến nay. 

Sau khi Thế chiến thứ Hai kết thúc, Nhật Bản thua trận và đầu hàng Đồng minh. Chế độ quân chủ chấm dứt, Nhật Bản trở thành một nhà nước dân chủ khi bản Hiến pháp năm 1947 ra đời. Tuy nhiên, các quyền hiến định nằm trong Hiến pháp này đều không được áp dụng cho công dân Nhật gốc Triều Tiên. Thậm chí tất cả công dân gốc Triều Tiên đều bị tước quốc tịch Nhật Bản.

Hiệp định San Francisco ký năm 1952 tiếp tục tước đi quyền có quốc tịch Nhật Bản của những người Triều Tiên sinh sống tại đây. Sau khi Nhật Bản mất quyền kiểm soát bán đảo Triều Tiên sau Thế chiến 2, những người Triều Tiên muốn ở lại Nhật Bản (được gọi là cộng đồng Zainichi) được đăng ký là công dân của Joseon, tên nước Triều Tiên chưa bị phân chia từ thế kỷ 14 đến thế kỷ 19.

jong tae se (2) 4

 Đã đi vào lịch sử World Cup với những giọt nước mắt và tâm trạng xúc động tột độ.

Khi Triều Tiên và Hàn Quốc tuyên bố độc lập vào năm 1948, thuật ngữ “Joseon” không còn thể hiện một quốc gia nữa. Vì vậy từ năm 1965, người thuộc cộng đồng Zainichi có thể được đăng ký quốc tịch là Hàn Quốc. Còn những người vẫn muốn giữ quốc tịch Joseon mà không chịu đăng ký là người Hàn Quốc hay Nhật Bản sẽ trở thành công dân của CHDCND Triều Tiên.

Từ năm 1952 đến năm 1980, các phúc lợi về y tế, an sinh xã hội, chế độ hưu trí… của Nhật Bản đều không dành cho người gốc Triều Tiên. Họ gặp khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm và phải chịu nhiều sự phân biệt đối xử. Cộng đồng Zainichi có khoảng hơn 800.000 người (thống kê năm 2015), cộng đồng này hình thành nên một lối sống riêng ngay trong lòng xã hội Nhật Bản.

Họ thành lập hệ thống trường học riêng từ phổ thông cho đến đại học. Chương trình học của các trường này sử dụng giáo trình của Nhật nhưng được dịch ra tiếng Triều Tiên, riêng giáo trình lịch sử hiện đại được biên soạn theo quan điểm của CHDCND Triều Tiên.

Jong Tae Se là thế hệ thứ 3 trong cộng đồng Zainichi. Cha anh là người gốc Hàn Quốc nhưng được giáo dục trong những ngôi trường được CHDCND Triều Tiên tài trợ. Bà ngoại của Jong Tae Se bị đưa đến tỉnh Aichi của Nhật Bản từ Chosen của Hàn Quốc. Bà làm trong một nhà máy dệt và sau đó mở một trường học dạy tiếng Triều Tiên cho các đứa trẻ sinh ra trên đất Nhật Bản.

Mẹ của Jong Tae Se cũng từng là giáo viên của trường này. Xuất thân đó giúp cho Jong Tae-se có mối liên kết đặc biệt với CHDCND Triều Tiên, một thứ tình cảm được hình thành qua nhiều thế hệ với những hoàn cảnh đặc thù của xã hội, lịch sử.

jong tae se (1) 5

 Kể từ đó, anh được nhận diện dù chơi bóng ở bất cứ nơi đâu

Con đường gian nan

Nếu quá trình nhập tịch đơn giản hơn, Nhật Bản có thể đã sở hữu Jong Tae Se trên hàng công. Nhưng sự cực đoan của những chính khách theo đường lối bảo thủ đã ngăn cản những người sinh ra trên đất Nhật được cống hiến cho quốc gia này. Năm 1995, những người gốc Triều Tiên bị bắt buộc phải lấy tên Nhật Bản và đổi họ của mình sang tiếng Nhật nếu muốn xin gia nhập quốc tịch Nhật Bản.

Tất nhiên có những người chấp nhận, ví dụ như Tandanari Lee, tuyển thủ quốc gia Nhật Bản từng chơi cho Southampton, thế hệ thứ 3 của cộng đồng Zainichi như Jong Tae Se. Tên gốc của Tandanari Lee trong tiếng Triều Tiên là Lee Chung Sung. Nhưng Jong Tae Se không chấp nhận đổi quốc tịch, dù chơi cho Nhật Bản sẽ có cơ hội được tham dự những giải đấu tầm cỡ hơn.

Anh muốn phục vụ quê hương, CHDCND Triều Tiên, bất chấp việc xin được hộ chiếu của quốc gia này cực khó. Cuối cùng sự quyết tâm của Jong Tae Se cũng được đền đáp khi chính phủ CHDCND Triều Tiên cấp cho anh hộ chiếu. Mặc dù vậy mỗi lần đi ra nước ngoài, Jong Tae Se phải xin thị thực nhập cảnh đặc biệt từ Bộ Tư pháp Nhật Bản theo dạng cư dân lưu trú.

jong tae se (5) 6

 Đó quả là một câu chuyện lạ trong thế giới bóng đá

Khi mong ước đã trở thành sự thật, Jong Tae Se có sự khởi đầu tuyệt vời cùng CHDCND Triều Tiên. Trong hai trận đầu tiên của mình, anh đã ghi được tới 8 bàn thắng! 4 bàn vào lưới Mông Cổ và 4 bàn vào lưới Ma Cao. Jong Tae Se tiếp tục gây chú ý khi ghi bàn vào lưới cả Nhật Bản và Hàn Quốc trong Asian Cup 2008.

Bàn thắng vào lưới Nhật Bản thực sự rất ý nghĩa. Nó giống như một câu trả lời đanh thép của cộng đồng Zainichi, những người sinh ra ở Nhật Bản nhưng lại không được đối xử một cách công bằng trên chính mảnh đất ấy.

Jong Tae Se đã chọn một con đường khó khăn nhưng đáng tự hào. Thay vì đổi tên họ để cống hiến cho quốc gia không coi trọng mình và cộng đồng của mình, anh trở về quê hương để theo tiếng gọi của dòng máu trong trái tim và thực sự là một người hùng.

Đó chính là nguyên nhân những giọt nước mắt lăn dài trên má Jong Tae Se khi anh được ra sân trong màu áo CHDCND Triều Tiên tại World Cup. Hiện tại, ở tuổi 34, Jong Tae Se đang chơi cho Shimizu S-Pulse. Anh đồng thời cũng là thủ quân đội bóng này. Đáng chú ý Jong Tae Se không chỉ chơi ở vị trí tiền đạo sở trường, anh còn được đăng ký làm thủ môn dự bị số 3 của đội bóng!

(Nguồn: Bóng đá và cuộc sống)
Bình luận
vtcnews.vn