Đừng để niềm tự hào U23 Việt Nam biến thành trào lưu ăn theo lố bịch

Thể thaoThứ Ba, 06/02/2018 14:44:00 +07:00

Cơn sốt U23 Việt Nam nên dừng ở mức tình yêu hay niềm tự hào đơn thuần, thay vì bị thổi phồng thành những trào lưu ăn theo lố bịch.

Trong cuộc họp báo sau thành công tại giải U23 châu Á, huấn luyện viên (HLV) Park Hang Seo khẳng định: U23 Việt Nam có nền tảng thể lực tốt, không hề yếu kém như những định kiến trước đó. Những Tiến Dũng, Quang Hải, Xuân Trường,... quả thực rất khỏe. Nếu không khỏe, U23 Việt Nam đã đoạt danh hiệu á quân sau sáu tiếng đồng hồ "cày ải" trước U23 Iraq, U23 Qatar hay U23 Uzbekistan.

U23 Viet Nam Uzbekistan (51)

U23 Việt Nam giành ngôi á quân U23 châu Á.

Và nếu không khỏe, các cầu thủ U23 Việt Nam đã gục ngã trước những chuyến "chạy sô" liên tục để đáp ứng sự mong đợi khổng lồ của người hâm mộ, khi tình yêu với đội tuyển đã bị biến thành thứ trào lưu dị hợm, lố bịch trong ít ngày qua.

Không khó để tìm ra những "điểm đen" trong chuyến trở về của U23 Việt Nam. Theo chia sẻ từ một thành viên đội tuyển, các cầu thủ cùng ban huấn luyện phải di chuyển và giao lưu gặp gỡ người hâm mộ từ sáng cho tới... đêm khuya. Năm tiếng sau khi hạ cánh, toàn đội diễu hành trên xe bus hai tầng, giữa cơn mưa giá lạnh và phải... đi vệ sinh ngay trên xe vì không có bất cứ điểm dừng chân nào.

Với thủ môn Bùi Tiến Dũng, bữa ăn trọn vẹn cùng gia đình trong ít ngày qua là điều xa xỉ. Số ngày "bình yên" của người gác đền thuộc biên chế FLC Thanh Hóa từ khi về nước còn ít hơn số lần cản phá phạt đền trước U23 Iraq và U23 Qatar. 

Xuân Trường, Quang Hải không phải ngoại lệ. Những tuyển thủ nổi bật nhất của U23 Việt Nam lại tham gia vào các buổi giao lưu, gặp mặt ngay khi vừa trở về từ TP.HCM sau buổi gala vinh danh tại sân Thống Nhất. 

U23 Viet Nam-03 19

U23 Việt Nam giao lưu tại TP.HCM. (Ảnh: Hoàng Tùng)

Từ Bắc đến Nam, đâu đâu cũng "bội thực" diễu hành. Ở quãng thời gian sum họp quý giá trước Tết trước khi bước vào mùa giải mới tại V-League, các cầu thủ vẫn chưa có thời gian nghỉ ngơi và hồi phục sau giải đấu dài ngày. Thời gian "ôn lại" chuyên môn, nhìn lại thiếu sót sau giải đấu cũng không có, khi không ít người hùng dân tộc bị khai thác đời tư trên mặt báo và phải trả lời rất nhiều câu hỏi không liên quan đến mặt báo.

"Cơn sốt" U23 Việt Nam được sinh ra từ tình yêu bóng đá thực sự, nhưng hệ lụy của nó (cho đến hôm nay) đang đến từ những trào lưu ăn theo. Mọi sản phẩm gắn mác U23 đều gây chú ý, ngay từ những dòng tin nhắn trên mạng xã hội hay những tấm ảnh chụp chung.

Chẳng thế mà sau bốn trận đấu, Văn Hậu bỗng chốc thành người hùng của Thái Bình, đứng một mình trên xe diễu hành giữa hàng ngàn người hâm mộ. U23 Việt Nam nổi tới mức những nhân viên sân bay sẵn sàng tự phá đội hình để được khoác vai, nắm tay hay lên hình cùng các cầu thủ như chuyến trở về.

Video: Táo quân 2018 sẽ ca ngợi U23 Việt Nam

Bóng đá Việt Nam khao khát vinh quang, nhưng từ bao giờ, thành công nhất thời của tại một giải trẻ lại biến các cầu thủ trở thành “ngôi sao quốc dân”? Từ bao giờ, sự hâm mộ lại biến thành cơn cuồng phong cuốn phăng đời sống riêng tư của những cầu thủ đang độ đôi mươi, khiến toàn đội phải suy kiệt với số lần lên sóng, ký áo đấu hay giao lưu liên tục?

Tình yêu, niềm tự hào phải đi cùng sự tôn trọng, nếu không, đó chỉ là trào lưu ăn theo, một hiệu ứng đám đông trong vô vàn hiệu ứng đám đông nhức nhối đang tồn tại trong xã hội.

Chủ nhật vừa qua, dư luận dậy sóng với những “hạt sạn” trong buổi vinh danh U23 Việt Nam tại sân Thống Nhất. Nguyễn Phong Hồng Duy được “khai sinh lại” thành Nguyễn Phan Hồng Duy, bác Nguyễn Công Bảy (bố của tuyển thủ Nguyễn Công Phượng) được “đổi tên” thành Trần Công Bảy, hay một quan chức lên hình với chiếc áo… nhái của đội tuyển quốc gia. Đến cái tên còn không biết, sao dám gọi là yêu?

u23 Viet Nam-01

Hãy yêu U23 Việt Nam sao cho đúng.

Với các cầu thủ trẻ, sự tập trung là điều tối quan trọng. Không ít cầu thủ trẻ tỏa sáng, trước khi “biến mất” ở ngưỡng trưởng thành vì những lí do có cội nguồn nằm ngoài chuyên môn. Sự tung hô, hâm mộ quá giới hạn rất dễ khiến U23 Việt Nam không giữ được đôi chân trên mặt đất. Thành công ở ngưỡng trẻ chỉ nên dừng ở mức khích lệ, thay vì thổi phồng như những “người hùng” hay thế hệ có thể thay đổi cả nền bóng đá.

Các cầu thủ phải chịu trách nhiệm với sự nghiệp của mình, nhưng sự hâm mộ của khán giả đóng vai trò rất lớn trong việc định hướng. Hiệu ứng hâm mộ khiến cuộc sống sinh hoạt của không ít tuyển thủ đảo lộn sau chiến tích ở giải U23 châu Á, thì không có gì đảm bảo cơn sốt hôm nay không khiến nhiều người chìm đắm trong danh vọng và ảo tưởng.

Trần Thế Vọng – tài năng đáng chú ý nhất của Gia Lai năm nào chỉ còn là nấm mồ lạnh lẽo. Văn Quyến – thần tượng lớn một thời của thế hệ trẻ chỉ còn tồn tại trong miền ký ức SEA Games 22 tươi đẹp. Hay Công Phượng vẫn đang chật vật để vượt qua “cái bóng” U19 Việt Nam đã bị thổi phồng quá lớn. Bao năm qua, chúng ta đã để mất quá nhiều thế hệ cầu thủ.

Yêu U23 Việt Nam, hãy yêu cho đúng. Để toàn đội có những “khoảng lặng” để phục hồi, giữ vững đôi chân trên mặt đất sau gần một tháng bay bổng. Đừng biến tình yêu hôm nay thành một thứ trào lưu sớm nở, sớm tàn như những bông hoa tuyết mỏng manh trên đất Thường Châu.

Hồng Nam
Bình luận
vtcnews.vn